18 tuổi, bạn có quyền sai, vì đó không phải là đường cùng

20 năm trước, tôi đứng trước lựa chọn lớn đầu tiên của cuộc đời: Trường đại học. Ngày đó, Internet với chúng tôi chỉ là chat Yahoo, không có nhiều trắc nghiệm chọn nghề hay hội thảo hướng nghiệp như bây giờ. Mẹ tôi, như bao phụ huynh khác, đi gặp tất cả thầy dạy khối chuyên Văn xem tôi nên vào học gì. 

“Bố mẹ làm giáo viên, con học chuyên Văn thì nên theo sư phạm”, các thầy tôi đều quả quyết như vậy.

Nhiều đứa bạn cùng lớp muốn thi trường Luật. Nhưng với những đứa học sinh tỉnh lẻ như chúng tôi, làm gì sau khi ra trường là câu hỏi lớn, lỡ học luật rồi không xin được biên chế. Các thầy thì ám ảnh vì “các chị khoá trên học Luật rồi ra trường lận đận mãi”.

20 năm trước, “vào biên chế” vẫn là nỗi ám ảnh của bố mẹ và thầy cô. Còn tôi, tôi mong gì? Trí óc non nớt của tôi chỉ nghĩ được rằng muốn làm việc gì đó thay đổi mỗi ngày. Đó chắc chắn không phải nghề giáo viên.

Chọn trường đại học cho con: Phụ huynh nên đồng hành hay áp đặt?- Ảnh 1.

Thi sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 ở Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Mùa hè năm 2004 ấy, tôi chọn thi Sư phạm I, thêm một hồ sơ vào trường Đại học Tổng hợp, khoa Văn. Mấy ngày trước khi đi thi, mẹ tôi nói rằng nếu học sư phạm thì được miễn học phí, gánh nặng tài chính sẽ đỡ hơn. 

Hồi đó, đồng lương giáo viên ít ỏi không đủ nuôi hai đứa con đại học và một đứa cấp 2. Tôi xé tờ giấy báo thi trường Đại học Tổng hợp. Không phải giận dỗi gì mà chỉ để không nghĩ nữa, không ngoái lại nữa.

Cuối mùa hè năm đó, tôi thiếu nửa điểm để vào Đại học Sư phạm 1. Tôi yếu ớt đề xuất được ôn thi lại một năm nhưng mẹ không đồng ý. Rồi tôi đỗ vào nguyện vọng 2, dù không phải sư phạm nhưng như mẹ tôi định hướng, vẫn là ra trường để làm giáo viên. 

Tôi còn nhớ, mẹ ngồi cạnh tôi để chắc chắn tôi viết đúng tên ngành học trong lá đơn nguyện vọng 2 trong nhà của một người họ hàng ở Hà Nội. Đó không phải là lựa chọn của tôi, có lẽ cũng không phải lựa chọn mẹ tôi mong muốn, nhưng là lựa chọn khả dĩ nhất lúc đó để tôi không ngồi nhà.

4 năm đại học, tôi ở ký túc xá. Mỗi sáng tôi thức dậy trên chiếc giường tầng, mỗi sáng tôi tự hỏi tôi đang làm cái quái gì ở đây, mỗi sáng tôi muốn bỏ tất cả để làm lại từ đầu. Tôi trách mẹ. Nhưng thêm 1 năm đại học là rất nhiều tiền. Và tôi đã cắn răng đi qua 4 năm đại học như vậy, tức giận và bất lực. 

Thứ duy nhất khiến tôi cố vượt qua mỗi kì thi là chút học bổng cuối kỳ, đủ để trang trải những khoản nho nhỏ phát sinh và mua vé xe khách về nhà.

Rồi tôi cũng tốt nghiệp. Những tính toán của mẹ tôi về việc làm cho tôi sau khi ra trường không thành hiện thực. Và đó là khi tôi được tự do. Tôi xin làm cộng tác viên của một tờ báo, dĩ nhiên 6 tháng đầu không lương. 

Có những buổi sáng tôi sợ hãi đến mức không muốn thức dậy. Tôi không muốn đến văn phòng, nhìn mọi người bận rộn, còn mình như một người thừa.

Nhưng tôi đến mỗi ngày, đọc báo, học viết những cái tin đầu tiên bé bằng bao diêm. Tôi cũng phạm những lỗi lầm ngớ ngẩn như đi họp về và chờ tới hôm sau mới viết tin. Dĩ nhiên, tôi bị mắng té tát. Nhưng toà soạn đó như trường đại học thật sự của tôi, nhưng khắc nghiệt hơn nhiều.

6 năm sau ngày tốt nghiệp đại học, tôi đứng trước một ngã rẽ khác, tôi muốn trở lại trường học. Bắt đầu lại từ đầu ở tuổi 28 khi đã có trong tay một công việc không dễ dàng như khi ta 22. Mẹ tôi dĩ nhiên phản đối. Tôi chuyển vào Sài Gòn, chuyển sang trạng thái thất nghiệp và đi học tiếng Anh.

Rồi tôi dành được học bổng đầu tiên đi học ở Mỹ, ngành chính sách công. Đó là một cuộc thử nghiệm, bước ra khỏi lĩnh vực báo chí mà tôi quen thuộc. Không giống như thời đại học, tôi đến trường mỗi ngày với sự háo hức, tôi học trượt tuyết, học về xã hội dân sự, về các tổ chức phi chính phủ và kỹ năng lãnh đạo. 

Nhưng tôi cũng nhận ra rằng, con đường này không dành cho tôi nhưng nó là một phép thử cho bản thân tôi, để tôi biết mình thật sự muốn gì.

Trở về Việt Nam, tôi tự hứa rằng trong vòng 2 năm sau đó, tôi sẽ đi học thạc sĩ. Lần này, tôi chọn một trường đại học lâu đời ở London. Tôi yêu tinh thần tự do của trường. Tôi thích không khí học thuật ấy. Nhưng có lúc nào tôi băn khoăn vì sao mình lựa chọn ngôi trường này. Dĩ nhiên là có.

Chọn trường đại học cho con: Phụ huynh nên đồng hành hay áp đặt?- Ảnh 3.

Tác giả bài viết, chị Hà Hương, nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Mỹ. Ảnh: NVCC

Có lẽ, đó là khi tôi nhận ra rằng kể cả khi tôi đã trưởng thành, đi nhiều nơi hơn, gặp nhiều người hơn, tự làm chủ cuộc đời của mình, tôi vẫn có thể đưa ra những lựa chọn mà tôi sẽ đặt câu hỏi về việc đúng sai sau này. Đó cũng là lúc tôi không còn trách mẹ vì tôi biết mẹ tôi cố gắng làm điều mà mẹ tin là tốt nhất kể cả khi điều tốt nhất trong mắt cha mẹ chưa hẳn là điều tốt nhất trong mắt con cái.

Sự khác biệt lớn nhất giữa lựa chọn của tôi và lựa chọn theo lời bố mẹ đấy là tôi được lựa chọn và chấp nhận sự đúng sai trong lựa chọn của mình.

Tôi tin rằng không mấy ai đủ trưởng thành để đưa ra một quyết định đúng đắn khi mới 18 tuổi. Nếu chọn sai, không sao cả, còn tuổi trẻ để làm lại. Nhưng nếu không sai lầm, làm sao tôi có thể có được những bài học quý giá trong đời.

4 năm khổ sở ở trường đại học dạy tôi sự kiên trì, 6 năm làm phóng viên dạy tôi mọi thứ về nghề, những ngày thất nghiệp dạy tôi sự dũng cảm, chấp nhận trả giá để được theo đuổi giấc mơ của mình. Nó cũng dạy tôi rằng một lựa chọn sai lầm không quyết định cuộc đời tôi hay tương lai của tôi.

Tôi thường ví mình là một người leo núi. Tôi tin ai trong đời cũng có một ngọn núi để hướng đến. Trên đường, có lúc ta lạc lối nhưng sẽ không có đường cùng. Chỉ là chúng ta có đủ dũng cảm để biết sai và làm lại. Tôi đã đi lạc rất nhiều lần và nhờ đó, tôi trưởng thành.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *