Diễn đàn “Vì sự tiến bộ của phụ nữ trong nông nghiệp” được tổ chức nằm trong khuôn khổ của Chương trình “Năm quốc tế nữ nông dân” tại Việt Nam. Chương trình đưa 2 nữ nông dân tiêu biểu của Mỹ, là bà Jennifer H. Schmidt trong lĩnh vực trồng trọt và bà Jaclyn Wilson trong lĩnh vực chăn nuôi đến Việt Nam để chia sẻ chuyên môn về công nghệ và chiến lược thị trường. Mục tiêu của chương trình nhằm thúc đẩy đối thoại về những thách thức mà phụ nữ nông dân Đông Nam Á phải đối mặt, cũng như trao đổi giáo dục nông nghiệp Mỹ cho sinh viên nữ ở Việt Nam.
Sự kiện đặc biệt ý nghĩa về vai trò của phụ nữ trong nông nghiệp
Phát biểu khai mạc diễn đàn, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) cho rằng đây là diễn đàn có ý nghĩa quan trọng đối với cán bộ, sinh viên, đặc biệt là cán bộ nữ và sinh viên nữ tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong việc tạo sự hứng khởi, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các thế hệ cán bộ, sinh viên của Học viện.
“Năm 2023, Học viện đã được đón tiếp 2 nữ Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ đến dự toạ đàm với cán bộ và sinh viên của Học viện về nông nghiệp thông minh, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong nông nghiệp. Sự kiện rất thành công, để lại ấn tượng tốt trong lòng cán bộ, giảng viên, sinh viên của nhà trường. Hôm nay Học viện vinh dự được tiếp đón 2 nữ nông dân tiêu biểu là bà Jaclyn Wilson và bà Jenifer Schimidt đến từ Mỹ, đất nước có nền nông nghiệp tiên tiến hàng đầu thế giới chia sẻ và giao lưu với cán bộ và sinh viên của Học viện” – bà Lan thông tin.
Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, Học viện Nông nghiệp Việt Nam là một trong những trường đại học hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, có sự đóng góp to lớn bởi các cán bộ nữ và nữ sinh viên, với 3 nhà khoa học nữ đã vinh dự nhận giải thưởng Kovalevskaia, được vinh danh và nhận nhiều giải thưởng cao quý như anh hùng lao động… Học viện có gần 1.300 cán bộ thì cán bộ nữ chiếm 56%, gần như 100% các cán bộ nữ đều tham gia nghiên cứu khoa học, đồng thời là cầu nối quan trọng trong các hợp tác với Mỹ và các nước trên thế giới.
Hiện nay, Học viện có quy mô đào tạo khoảng 26.000 sinh viên trình độ đại học và sau đại học, trong đó nữ chiếm tỷ lệ hơn 50%. Bà Lan cho biết, sinh viên nữ của Học viện luôn có thành tích tốt trong học tập và nghiên cứu, có nhiều cơ hội tham gia các dự án nghiên cứu và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nhờ sự tham gia một cách nhiệt tình, khắp các tỉnh, thành phố đều có dấu chân của các nhà khoa học nữ đến từ Học viện.
“Phụ nữ có rất nhiều lợi thế trong quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, đối với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chúng tôi tạo điều kiện cho nữ giới tham gia vào nghiên cứu khoa học và đem những tiến bộ khoa học kỹ thuật nghiên cứu phục vụ nông dân. Nhà khoa học nữ cũng tìm xuống các trang trại, hộ chăn nuôi, người làm nông nghiệp là phái nữ cũng có nhiều đồng cảm hơn, có thể chia sẻ được tốt hơn và cũng hiểu được tâm lý của phụ nữ hơn và khi đó phụ nữ thúc đẩy cho những người nông dân, các chủ trang trại có thể sản xuất tốt hơn” – bà Lan khẳng định.
Chia sẻ tại diễn đàn, bà Vũ Thị Phương Lan, Chủ tịch Công đoàn Bộ NNPTNT chia sẻ, phụ nữ Việt Nam đã và đang đóng vai trò không thể thiếu trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn. Với tinh thần kiên cường và sáng tạo, họ đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình đó, phụ nữ cũng đối mặt với nhiều thách thức và rào cản, từ vấn đề bình đẳng giới đến tiếp cận nguồn lực và cơ hội phát triển.
Bà Lan thông tin, tại các khu vực nông thôn, có khoảng 80% phụ nữ tham gia vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, khoảng 25% phụ nữ tham gia quản lý các hợp tác xã nông nghiệp; 39% chủ thể sản phẩm OCOP là nữ. Đặc biệt, ở những vùng khó khăn, tỷ lệ phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo và quản lý các hợp tác xã, chủ thể OCOP càng phổ biến hơn.
“Chương trình hưởng ứng sáng kiến “Năm quốc tế nữ nông dân 2026″ tại Việt Nam chính là sự khẳng định mạnh mẽ cam kết của chúng ta trong việc thúc đẩy vai trò và vị thế của phụ nữ trong nông nghiệp. Đây cũng là một diễn đàn để chúng ta chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau và cùng nhau xây dựng một tương lai bền vững, nơi mà phụ nữ có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình” – GS.TS Nguyễn Thị Lan nói.
Theo bà Lan, để nâng cao vai trò phụ nữ trong nông nghiệp, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan Chính phủ, tổ chức quốc tế và cộng đồng địa phương. Chúng ta cần xây dựng các chính sách hỗ trợ phụ nữ nông thôn, tạo điều kiện cho họ tiếp cận nguồn vốn, công nghệ, thị trường. Đồng thời, cần đẩy mạnh việc tập huấn đào tạo, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới để mỗi người phụ nữ đều có cơ hội tham gia đóng góp vào sự phát triển chung.
Trao quyền cho phụ nữ trong ngành nông nghiệp
Bay nửa vòng trái đất đến dự diễn đàn, bà Jennifer H. Schmidt, nông dân đến từ Sudlersville, Maryland cho biết, bà đang điều hành Schmidt Farms Inc. – một trang trại quản lý nông nghiệp được chứng nhận có diện tích hơn 800ha, trồng ngô, đậu nành, lúa mì, rau và nho. Bà còn là chuyên gia được cấp phép về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và quản lý dinh dưỡng.
Bà Jennifer cho biết, hiện nay bà áp dụng rất nhiều công nghệ khác nhau trong trang trại của mình với rất nhiều thiết bị, màn hình hiển thị các thông số tình trạng của cây trồng trong trang trại, từ đó có thể vận hành trang trại dễ dàng hơn.
Bà Jennifer giơ chiếc điện thoại đang cầm trên tay lên và cho biết: “Mọi công nghệ này đều có thể cài đặt trong điện thoại thông minh của tôi, đảm bảo hiệu quả canh tác tốt nhất. Ví dụ tôi chỉ cần xem điện thoại là nắm rõ nhu cầu phân bón của cây trồng. Bản ghi các thông số này do cháu trai của tôi thiết lập và chia sẻ, kết nối với tất cả thành viên quản lý trong trang trại, qua đó thấy rõ chúng tôi đang trồng cây gì, ở giai đoạn nào, ghi chú nào cần được lưu ý. Nhờ các phần mềm quản lý, tôi có thể theo dõi toàn bộ trang trại 800ha mà không cần phải đến tận nơi”.
App phổ biến mà bà Jennifer đang áp dụng là Agronomic Reports and Alerts, qua đó có thể biết vùng cây trồng nào đang bị nhiễm sâu bệnh, chỗ nào cần tưới tiêu. Bên cạnh đó, ứng dụng này cũng lưu trữ toàn bộ số liệu mùa vụ của các năm trước về diện tích, sản lượng, lượng phân bón hay lượng nước tưới đã được sử dụng. Báo cáo này cũng được thông tin cho Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Theo bà Jennifer, hiện nay Mỹ có nhiều hoạt động thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong nông nghiệp, trong đó chú trọng đa dạng các hoạt động canh tác các loại cây trồng khác nhau như cây trồng làm thức ăn chăn nuôi; rau; trồng lúa mì làm bánh mì; cây ăn quả như nho… Bên cạnh đó, nông dân Mỹ còn triển khai các hoạt động liên quan tới công nghệ, chương trình về quản lý dinh dưỡng, hóa chất trong trang trại của mình. “Điều tuyệt vời là chúng tôi được cấp chứng nhận về nông nghiệp bền vững”, bà Jennifer cho biết.
Trong khi đó, bà Jaclyn Wilson là nữ nông dân đang điều hành trang trại Wilson Flying Diamond Ranch (Lakeside, bang Nebraska) kể từ khi tốt nghiệp đại học vào năm 2002. Bà điều hành hoạt động chăn nuôi bò, bê thế hệ thứ năm cùng với cha, được vinh danh là Nhà Chăn nuôi bò chất lượng quốc gia của năm 2023. Jaclyn sáng lập công ty Flying Diamond Beef vào năm 2019, tiên phong trong việc bán thịt bò NFT.
Bà nắm vai trò lãnh đạo trong Hiệp hội chăn nuôi gia súc lớn của bang Nebraska và Hiệp hội thịt bò quốc gia, được công nhận là một trong 40 người dưới 40 tuổi có tầm ảnh hưởng đối với lĩnh vực nông nghiệp của Tạp chí Nông trại năm 2016 và được bang Nebraska vinh danh năm 2023 về những thành tựu trong nông nghiệp.
Trước đây, trang trại của Jaclyn Wilson chăn nuôi theo hướng truyền thống, nhưng vài năm gần đây, bà đẩy mạnh “số hóa”. Dựa trên ảnh vệ tinh và cơ sở dữ liệu sẵn có, bà cùng các cộng sự có thể sớm nhận thông tin về đồng cỏ, về mưa… để sớm di chuyển gia súc đến những khu vực tốt hơn, giúp đảm bảo sức khỏe động vật.
Ngoài ra, công nghệ còn giúp trang trại của bà Jaclyn tinh giản tối đa nhân lực (hiện chỉ có 2 người phụ giúp bà trong mọi công việc). Kể từ khi tốt nghiệp đại học vào năm 2002, Jaclyn Wilson đã dành nhiều giờ trong ngày để nghiên cứu kỹ lưỡng toàn bộ 7.000ha đồng cỏ. Qua đó, nông dân này đã nảy ra sáng kiến về việc sử dụng AI để có dữ liệu thực về đàn gia súc.
Cụ thể, máy tính cùng các công cụ hỗ trợ được đặt trong một container cỡ 40ft, một cửa mở, một cửa nối với xe chở bò, ứng dụng có tên Cow Sense sẽ tiến hành đo sức khỏe cho từng cá thể bò. “Trung bình chúng tôi mất khoảng 40 giây để thu thập đủ dữ liệu cho 1 cá thể”, nữ nông dân đến từ Hoa Kỳ nói.
Ngoài khám sức khỏe định kỳ, bà Jaclyn Wilson còn đeo một cảm biến bên tai bò, giúp cung cấp số liệu liên tục về nhiệt độ, nhịp tim… về từng cá thể. Mỗi thông tin này được mã hóa và đánh theo số thứ tự. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào việc quản lý đàn bò, theo bà Jaclyn là hết sức cần thiết, nhất là khi ngành nông nghiệp nói chung đứng trước thách thức nuôi sống 8 tỷ dân trên toàn cầu.
Để có thể giải bài toán “big data” này, nữ nông dân bang Nevada cho biết, cần 5 giải pháp tập trung vào công nghệ, tuân thủ các quy định, tính hiệu quả, sự ủng hộ và lan tỏa trong cộng đồng.
Điều cuối cùng, người nông dân Mỹ muốn truyền tải đến toàn thể đại biểu, đó là ngày càng nhiều phụ nữ trẻ bước vào lĩnh vực nông nghiệp với niềm đam mê và nhiệt huyết. Nếu như trước đây, Jaclyn Wilson thường là người phụ nữ duy nhất trong phòng họp, đứng giữa “một biển” nam giới thì nay, xung quanh bà đã có rất nhiều nữ đồng nghiệp khác.
Bà Jaclyn Wilson cho biết, trang trại của bà thường xuyên mở cửa để tổ chức các chương trình thực tập, nhằm giúp những phụ nữ trẻ có nhiều cơ hội trải nghiệm thực tế về ngành nông nghiệp.
“Tôi tin rằng từng chút một, phụ nữ sẽ gây dựng được sự tự tin, đồng thời được trang bị những kỹ năng và kiến thức cần thiết để có thể thành công trong lĩnh vực nông nghiệp” – bà Jaclyn Wilson chia sẻ.
Leave a Reply