Như câu chuyện vượt khó làm giàu của nhiều nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, Nông dân Việt Nam xuất sắc khác, hành trình để trở thành một đại điền, có trong tay 500ha đất trồng lúa với sản lượng lúa mỗi năm lên đến trên 7.000 tấn đã trải qua nhiều cung bậc, có thăng có trầm, có những mùa lúa ngọt ngào nhưng cũng có khi đắng cay vì thua lỗ. Nhưng dù thế nào, nếu chăm chỉ, cây lúa sẽ không phụ công người gieo hạt.
Anh Tuấn này, nhìn thành quả của anh hôm nay, tôi không thể tưởng tượng được cách đây 25 năm Lung Lớn còn là một “túi phèn”?
– Chính cha tôi (ông Nguyễn Thanh Sơn – NV) là người đầu tiên đặt nền móng cho vùng đất này hồi sinh trở lại. Khi đó, Lung Lớn còn là một vùng phèn lợ, ai cũng ngại chả muốn canh tác, cha tôi được Nhà nước giao khoán với diện tích 700ha. Phèn nhiều đến nỗi chỉ cần nhúng bàn chân xuống nước là da đổi màu.
Không chỉ phèn, nơi này còn toàn cỏ năn, cỏ lác um tùm, chả khác gì một cánh đồng hoang. Cha tôi và các chú dùng len, cuốc chiến đấu với đám cỏ năn, cỏ lác đến lở cả chân tay, rồi còn muỗi, mong, rắn rết,… nhưng chí ba tôi đã quyết, ông đánh liều thuê máy móc về cải tạo đất. Chúng tôi đã phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có được cánh đồng bằng phẳng, quy hoạch đâu ra đấy như hôm nay.
Sau khi cải tạo đất xong, chúng tôi chọn trồng mía, trồng tràm, bởi nói thật ở cái đất phèn lợ này có vẻ chỉ có tràm sống sót nổi. Nhưng thực tế không ngon ăn như tôi tưởng, cây tràm chả chịu lớn, trong khi cây mía thì lèo tèo, thưa thớt, chữ đường thấp. 5 năm trồng mía (từ năm 2000 – 2005), bữa ăn của nhà tôi vẫn phải tính từng ngày. Cánh đồng Lung Lớn vẫn bạc một màu hoang hóa. Gian nan vô cùng, nhiều người không chịu được vất vả đã bỏ xứ mà đi làm ăn xa.
Đâu là “chìa khóa” để cha con anh hóa giải được bài toán phèn lợ của cánh đồng Lung Lớn?
– Đó chính là con kênh T5 – kênh ông Kiệt, con kênh đã góp phần biến vùng đất Tứ giác Long Xuyên được ví như “túi phèn” thành vựa lúa của cả nước. Năm 2000, hệ thống kinh 15, kinh T4, T5 ở ấp Lung Lớn được hoàn thiện, dẫn nước vào đồng, mang theo vị ngọt và phù sa giúp phèn dịu lại. Có kênh dẫn nước, cha con tôi đào hệ thống mương nước dọc ngang đưa phù sa vào đồng, tháo chua rửa phèn. Ngoài ra, tôi còn sử dụng thêm vôi bột, phân lân để làm giảm độ phèn trồng lúa. Cha con tôi còn thuê máy móc và 60 lao động địa phương ngày đêm đào gốc tràm, gốc mía, nhổ cỏ năn cỏ lác, bắt đầu gieo những hạt giống lúa đầu tiên. Đến năm 2005, gia đình tôi trả lại cho Nhà nước 200ha, còn giữ lại 500ha chuyển từ trồng mía sang trồng lúa cho đến ngày hôm nay.
Chắc hẳn anh không quên được cảm xúc của những vụ lúa đầu tiên khi phèn ở cánh đồng Lung Lớn bước đầu được chế ngự?
– Nói thì có vẻ ngon ăn vậy nhưng giai đoạn mới chuyển sang trồng lúa đất vẫn còn phèn nặng lắm, dù gia đình bỏ rất nhiều công sức cải tạo đất, xổ phèn nhưng năng suất lúa không cao, chỉ từ 3-4 tấn/ha. Không nản chí, chúng tôi kiên trì với công cuộc cải tạo đất, nhờ đó năng suất lúa dần nâng lên 4-5 tấn/ha. Bây giờ thì Lung Lớn đã thực sự “nhả ngọc” rồi, năng suất lúa vụ đông xuân đã đạt từ 8,5 – 9 tấn/ha, vụ hè thu 7-7,5 tấn/ha.
Một góc cánh đồng của anh Nguyễn Thanh Tuấn nơi ngày nào anh cũng đi thăm đồng 2 lần, vào sáng và tối.
Trong 25 năm gắn bó với nghiệp trồng lúa, có lúc nào anh cảm thấy nản chí?
– Có chứ, với nhà nông chúng tôi, lúc chán nản nhất là khi vất vả một nắng hai sương mà năng suất lúa không được cải thiện; càng nản hơn khi làm đã nhọc nhằn mà giá cả lại trồi sụt trong khi giá vật tư nông nghiệp ngày càng tăng.
Tôi nhớ, giai đoạn đầu mới chuyển sang trồng lúa, cũng giống như nhiều người dân khu vực này, gia đình tôi canh tác 3 vụ lúa/năm, với các giống OM, Đài Thơm… Nhưng vì canh tác liên tục, đất không có thời gian phục hồi nên năng suất thấp, tính ra mỗi vụ chỉ lời từ 10-15%, tôi bất mãn lắm.
Năm 2015, lúc này nếp thịnh hành, tôi quyết định chuyển sang trồng nếp. Trồng được vài vụ thì đầu ra của nếp trở nên bấp bênh, có lúc phải bán tháo bán đổ với giá 10.000 đồng/3kg nếp. Năm đó, tôi lỗ 50%.
Sau vụ nếp đó, tôi tìm tòi, học hỏi kỹ thuật, quyết định canh tác 2 vụ lúa/năm, với giống lúa ST25. Từ khi chuyển sang canh tác 2 vụ/năm, năng suất lúa bắt đầu ổn định đến ngày hôm nay. Tuy nhiên, do giống lúa ST25 nhiều người sản xuất nên đầu ra giống lúa này cũng không ổn định, có những năm lượng lúa của tôi cũng bị tồn, bán ra rất vất vả.
Sau những thất bại này, bài học anh rút ra là gì?
– Muốn sản xuất lúa ổn định, phải liên kết với doanh nghiệp. Năm 2020, tôi quyết định hợp tác với Công ty Sunrise Food của Úc, chuyển sang trồng lúa hữu cơ với giống lúa Nhật- DS1 phục vụ xuất khẩu sang châu Âu. Sản xuất lúa hữu cơ, đầu ra ổn định nên suốt 3 năm qua tôi rất yên tâm sản xuất.
Năm 2020, anh Tuấn quyết định hợp tác với Công ty Sunrise Food của Úc, chuyển sang trồng lúa hữu cơ với giống lúa Nhật- DS1 phục vụ xuất khẩu sang châu Âu.
Bây giờ, khi đã có trong tay đầy đủ hệ thống máy móc phục vụ việc trồng lúa, anh Tuấn vẫn trực tiếp canh tác 500ha đất trồng lúa vì… nhớ công sức của cha và gia đình đã nhiều năm gây dựng.
Cho đến giờ, khi đã có hệ thống máy móc hỗ trợ, giúp việc canh tác lúa trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn, nhưng có vẻ tôi thấy anh vẫn thích lăn lộn với cây lúa?
– Vì nhớ công sức của cha và cả gia đình vất vả cải tạo đất hàng chục năm để có được như ngày hôm nay nên dù kinh tế gia đình đã qua giai đoạn khó khăn từ lâu, tôi vẫn muốn bao quát mọi khâu của quá trình trồng lúa.
Mình là con nông dân mà, học thức đâu nhiều, không nắm hết kỹ thuật cải tạo đất và canh tác lúa nên giai đoạn đầu mới canh tác gia đình rất vất vả. Rất may tôi được Hội Nông dân hỗ trợ tham gia các lớp tập huấn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; được Trung tâm Khuyến nông tập huấn, tôi bắt đầu áp dụng quy trình sản xuất mới theo chương trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”… Sau khi chuyển sang canh tác 2 vụ/năm, tôi mạnh dạn đầu tư vốn mua 6 máy cày, 4 máy cấy, 2 máy gặt đập và và 2 drone để phục vụ sản xuất.
Mặc dù tất cả các công đoạn sản xuất lúa đều sử dụng máy móc công nghệ, nhưng do diện tích đất canh tác lớn nên máy móc sẽ làm không đều, nếu không bỏ công chăm chút thêm thì năng suất sẽ không cao. Nên sau khi máy cấy lúa xong, tôi thuê thêm lao động dặm lúa, nhổ cỏ, thăm đồng… liên tục. Riêng bản thân tôi, như một thói quen đã nhiều năm nay, ngày nào cũng phải đi thăm đồng 2 lần, sáng – chiều.
Cây lúa mẫn cảm lắm, nếu không thăm đồng thường xuyên rủi ro rất cao. Vì sâu bệnh diễn biến rất nhanh, chỉ trong một ngày không phát hiện nó sẽ lây lan diện tích lớn. Chính vì thế làm lúa khâu thăm đồng rất quan trọng, khi phát hiện lúa bị bệnh xử lý kịp thời.
Hai năm vừa qua có thể đánh giá là thời cơ vàng, năm của những người trồng lúa khi nhu cầu thị trường thế giới tăng cao, giá lúa ổn định, nhà nông có lời khá, lên đến 30 – 40%. Với diện tích lúa lớn như vậy, chắc hẳn anh cũng đã có những vụ mùa mỹ mãn?
– Vụ hè thu vừa rồi, khi gần đến ngày thu hoạch thì gặp ngay đợt mưa lớn dài ngày, lúa bị sập và ngập hết khiến việc thu hoạch khá vất vả nhưng năng suất trung bình vẫn đạt từ 7-7,5 tấn/ha. Còn vụ đông xuân trước đó tôi thu hoạch 8,5-9 tấn/ha, như vậy sản lượng lúa cả năm khoảng gần 7.000 tấn.
Tôi tính, với giá lúa hiện tại, thu nhập từ sản xuất lúa năm 2024 của gia đình khoảng 29 tỷ đồng, trừ chi phí lợi nhuận khoảng 14 tỷ đồng. Để có thêm thu nhập, tạo việc làm cho nhiều người, tôi còn làm các dịch vụ nông nghiệp, phục vụ cho bà con trong khu vực như: cày, xới, gieo sạ, tưới phân thuốc, gặt đập… cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
Để tận dụng các đê bao quanh đất, tôi trồng 10.000 cây xoài keo, 15.000 cây dừa và 40.000 cây nhàu. Hiện xoài đã thu hoạch đến vụ thứ 2, mỗi vụ 60 tấn; dừa thu hoạch được 4 năm, mỗi ngày bán 200-300 trái; nhàu cứ 4 ngày thu khoảng 200kg, sấy khô bán giá 50.000 đồng/kg.
Anh Nguyễn Thanh Tuấn đầu tư hệ thống máy sấy lúa và trái cây hiện đại.
Tôi được biết, anh còn liên kết với bà con nông dân trong khu vực trồng lúa hữu cơ phục vụ xuất khẩu?
– Từ khi liên kết với doanh nghiệp làm lúa hữu cơ xuất khẩu sang châu Âu, việc trồng lúa khỏe re. Có việc đau đầu nhất là đầu ra thì tôi đã ký hợp đồng bán cho doanh nghiệp, giá lúa được ấn định phù hợp với giá thị trường ở thời điểm đó. Do vậy, tôi rất muốn nhiều bà con khác cũng có cơ hội như mình. Năm 2024, để mở rộng sản xuất, tôi liên kết với khoảng 100 hộ dân lân cận, sản xuất 300ha lúa hữu cơ, giống Nhật – DS1. Để hỗ trợ bà con yên tâm sản xuất, tất cả dịch vụ nông nghiệp từ lúa giống, phân bón, thuốc BVTV… và cả kinh phí sản xuất tôi đều cung cấp cho các hộ liên kết, cuối vụ anh thu mua lúa đầu ra. Làm lúa, nếu có diện tích đủ lớn, có đầu ra ổn định, bà con sẽ có thu nhập khá.
Điều tôi vui nhất là cánh đồng Lung Lớn do cha tôi gây dựng đã và đang tạo việc làm cho 108 lao động, trong đó có 30 lao động thường xuyên, thu nhập bình quân 8 triệu/người/tháng; giúp tôi có thêm cơ hội hỗ trợ những hộ nghèo, cận nghèo trong khu vực có việc làm thường xuyên, ổn định cuộc sống.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Thanh Tuấn vui mừng khoe trang trại của anh vừa được địa phương chọn tham gia Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp của Chính phủ.
Anh đã chuẩn bị những gì để tham gia đề án quan trọng này?
– Tôi rất vui khi được Hội Nông dân đề xuất tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, hiện tôi đã chuẩn bị mọi điều kiện để triển khai trong vụ đông xuân tới.
Thời gian qua, tôi đã được ngành chức năng, Hội Nông dân tuyên truyền, cung cấp các thông tin của Đề án nên tôi đang rất háo hức, bởi đề án được kỳ vọng sẽ tạo ra bước chuyển mới cho ngành lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long.
Điều may mắn là tôi đã có 3 năm hợp tác với doanh nghiệp làm lúa hữu cơ xuất khẩu nên mọi quy trình canh tác rất nghiêm ngặt, tuân thủ đúng lịch thời vụ, lịch phun thuốc, bón phân và các loại phân, thuốc trong danh mục. Đây sẽ là cơ sở để tôi có thể tự tin đáp ứng được các yêu cầu của Đề án.
Vấn đề còn lại là xử lý rơm rạ sau thu hoạch, tôi tin ngành chức năng địa phương sẽ cùng người dân chúng tôi tìm được giải pháp phù hợp.
Anh vinh dự là 1 trong 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024 sẽ được tôn vinh, trao danh hiệu tại Nhà hát Lớn, Hà Nội vào tối 14/10, vào đúng ngày kỷ niệm thành lập Hội Nông dân Việt Nam. Khi biết mình được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc, cảm xúc của anh thế nào?
– Khỏi phải nói tôi và gia đình hạnh phúc như thế nào, vì những nỗ lực của cha con tôi trong mấy chục năm qua đã được ghi nhận. Gia đình tôi có được cuộc sống như ngày hôm nay là nhờ có sự quan tâm của các ngành, các cấp đã hỗ trợ, giúp đỡ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho gia đình tôi được tiếp cận học hỏi, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.
Và tôi rất vinh dự ngày hôm nay được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam xét công nhận là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024. Đó là niềm vui, niềm vinh dự lớn của tôi và gia đình. Tôi hứa sẽ cố gắng lao động sản xuất tốt hơn, phát triển kinh tế gia đình, giúp đỡ nhiều hơn nữa bà con ổn định cuộc sống.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Chúng tôi cùng Nông dân Việt Nam xuất sắc tỉnh Kiên Giang đi dọc bờ kênh ông Kiệt, nơi vào ngày 22/4/1997, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phát lệnh khởi công công trình thoát lũ ra biển Tây, đánh thức tiềm năng của cả vùng Tứ giác Long Xuyên. Nhờ dòng nước mát lành chở nặng phù sa, nhờ những nông dân, những Hai Lúa yêu ruộng đồng, yêu cây lúa như cha con anh Tuấn, những “túi phèn” đã thực sự nhả vàng.
Leave a Reply