3 lần đặt bút ký, công dân Úc giúp Trương Mỹ Lan lừa đảo 30.000 nhà đầu tư trái phiếu

Theo hồ sơ vụ án Vạn Thịnh Phát, Kwok Hakman Oliver (SN 1954), người Úc gốc Hoa và là em rể của Ngô Thanh Nhã nên quan hệ quen biết Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát đồng thời sở hữu Ngân hàng SCB.

Năm 2015, Trương Mỹ Lan sắp xếp cho Kwok Hakman Oliver giữ vị trí Tổng Giám đốc Công ty An Đông; năm 2019 giữ vị trí Ủy viên HĐQT Công ty Sài Gòn Peninsula.

Ba lần đặt bút ký, công dân Úc giúp Trương Mỹ Lan lừa đảo 30.000 nhà đầu tư trái phiếu- Ảnh 1.

Trương Mỹ Lan – người chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng của hơn 35.000 nhà đầu tư.

Trong giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát, Kwok Hakman Oliver bị cáo buộc đồng phạm với Trương Mỹ Lan trong quá trình phát hành trái phiếu khống của Công ty An Đông năm 2018, dẫn tới hậu quả hơn 30.000 nhà đầu tư bị lừa gần 25.000 tỷ đồng. Ông ta chịu tạm giam tại trại T771 Bộ Quốc phòng (hết hạn tạm giam ngày 12/7/2024, cáo trạng nêu).

Viện kiểm sát cho rằng, theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan và Ngô Thanh Nhã, Chủ tịch HĐQT Công ty An Đông Kwok Hakman Oliver là người “triển khai thực hiện và toàn quyền giao kết tất cả thỏa thuận, tài liệu, hợp đồng” liên quan việc phát hành trái phiếu An Đông. Ông ta sau đó đã 3 lần đặt bút ký các tài liệu khống.

Đầu tiên, Kwok Hakman Oliver đại diện cho An Đông ký với Trương Vicent Kinh (quốc tịch Việt Nam và Mỹ) đại diện cho Công ty SPG 5 hợp đồng về việc An Đông cho SPC vay 29.200 tỷ đồng, lãi 11%/năm, thời hạn 5 năm. Số tiền này được dùng cho đầu tư các dự án Mũi Đèn Đỏ và Khu nhà ở đô thị tại phường Phú Nhuận, quận 7, TP.HCM.

Từ việc hợp tác với SPC nói trên, Kwok Hakman Oliver ký thông báo phát hành hơn 249 triệu trái phiếu doanh nghiệp, mã ADC, thời hạn 5 năm và sau đó, số trái phiếu này được bán cho 5 doanh nghiệp thuộc nhóm Vạn Thịnh Phát trước khi đến tay các nhà đầu tư thứ cấp.

Số tiền thu được, Kwok Hakman Oliver ký lệnh chuyển cho Công ty SPG theo các hợp đồng hợp tác thực hiện dự án Mũi Đèn Đỏ. Thực tế, tiền sau đó được Trương Vicent Kinh hợp thức hóa, chuyển cho Trương Mỹ Lan tự do chi tiêu, không dùng để đầu tư thực hiện dự án như mục đích phát hành trái phiếu.

Theo cáo trạng, việc phát hành trái phiếu khống, lừa đảo là cách Trương Mỹ Lan cứu vãn tình hình khi cả Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB đều gặp khó khăn tài chính.

Ngoài An Đông, ba doanh nghiệp khác thuộc nhóm Vạn Thịnh Phát cũng tham gia lừa đảo bán trái phiếu khống là Công ty Quang Thuận, Công ty Sunny World và Công ty Setra.

Trương Mỹ Lan yêu cầu 4 công ty trên huy động được 30.800 tỷ đồng từ việc bán trái phiếu nhằm tạo dòng tiền duy trì hoạt động cho hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát thay vì chi cho sản xuất, đầu tư theo mục đích phát hành trái phiếu được công bố.

Viện kiểm sát cáo buộc, nhóm Trương Mỹ Lan phát hành 25 mã với tổng khối lượng hơn 308 triệu cổ phiếu, đến nay còn chiếm đoạt 30.081 tỷ đồng của hơn 35.000 nhà đầu tư thứ cấp và không có khả năng chi trả.

Trong vụ án này, cơ quan tố tụng cho rằng sự thiếu sót của một số văn bản quy phạm pháp luật, sơ hở trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, tài chính… là “nguyên nhân, điều kiện dẫn tới hành vi phạm tội”. Tuy nhiên, không có người của các cơ quan quản lý bị xử lý hình sự trong việc Trương Mỹ Lan lừa đảo, rửa tiền, chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới số tiền khổng lồ.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *