Sốc với trend “đeo gông” trên TikTok
Mới đây, một clip ghi lại hình ảnh một số trẻ trong độ tuổi mầm non bị trêu đùa xử phạt các lỗi thường xuyên mắc phải gây tranh cãi. Điều đáng nói, các em bị “đeo gông” ở cổ tay và được phát trên nền nhạc “Những bàn chân lặng lẽ” (nhạc phim Cảnh sát hình sự). Các em bị ghi các “tội” như “7h30 vào lớp, 10h mới có mặt”, “ăn chậm nhất”,…
Clip được chia sẻ lại trên nhiều nền tảng mạng xã hội và nhận được những bình luận trái chiều. Hầu hết phụ huynh và những người quan tâm đến giáo dục đều đánh giá hành động này rất phản cảm, cần lên án.
Được biết, đeo gông tay bằng giấy là “trend” trên Tiktok được nhiều tài khoản hưởng ứng, trong đó có cả cô giáo mầm non và phụ huynh cũng thực hiện tren này với con mình.
Hình ảnh chia sẻ trên mạng gây bất bình. Ảnh: CMH
Trao đổi với PV báo Dân Việt, cô Vũ Thị Hoàng Ngân, chủ 2 cơ sở mầm non ở Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: “Tình cờ tôi bắt gặp clip trên có hình ảnh các em nhỏ “đeo gông giấy”, với các “tội danh” được ghi như “7h30 vào lớp”, “10h mới có mặt”, “ăn chậm nhất”… Tôi không biết clip này là do cô giáo mầm non hay phụ huynh đăng lên, nhưng là người làm giáo dục, tôi thấy việc này hết sức phản cảm và phản giáo dục.
Thứ nhất, các con còn rất nhỏ nên chưa thể vào nề nếp ngay lập tức. Nếu con đi học muộn, đó là do bố mẹ không sắp xếp được thời gian chứ không phải do con. Con ăn chậm, thử hỏi thức ăn bố mẹ và cô nấu đã ngon chưa, người lớn đã cố hết sức để khuyến khích con ăn chưa hay còn lý do nào khác khiến con ăn chậm. Rồi con đi vệ sinh nhiều, trong khi cơ thể con còn đang phát triển, hệ thống tiêu hoá non nớt đang cố gắng làm việc để đào thải những gì không hấp thụ được nhưng cũng là một điều bị mang ra cười cợt, phán xét… Đứa trẻ liệu có vui không khi liên tục bị dán nhãn, bị mang ra làm trò mua vui cho người lớn?
Thứ hai, người lớn mang trẻ con ra làm trò cười nhưng sử dụng hình ảnh giống như tù nhân và không hề che mặt bất cứ bạn nhỏ nào. Các con thì ngây thơ, ngơ ngác, không hiểu mình đang làm gì… tôi thấy dường như là sự vô tư đến vô tâm.
Thứ ba, mang trẻ em ra câu view câu like trên nhóm dành cho người lớn trên 16 tuổi ở dạng thức phản giáo dục như thế này là điều khó chấp nhận. Thiếu tôn trọng trẻ em, là một vấn đề rất lớn đang tồn tại. Người lớn tự cho mình cái quyền được mang trẻ con ra mua vui và cười nhạo, đúng kiểu “nó bé nó biết gì đâu”. Thật buồn vì ở clip đó, hàng ngàn bình luận cũng hùa theo và cảm thấy cô làm thế này là rất đúng, rất buồn cười chứ không ai thấy con cái chúng ta nói riêng và trẻ em nói chung cần được bảo vệ và tôn trọng.
Qua đây tôi cũng mong bố mẹ và các thầy cô hãy tỉnh táo, có giới hạn đối với trẻ em. Các con đến trường là để nhận được những điều tốt đẹp nhất từ các cô và nhà trường. Các con có sai mới cần cô và bố mẹ uốn nắn sửa lỗi. Trẻ con mà, sao tránh được lỗi sai”.
Xâm phạm quyền riêng tư của trẻ
Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Tâm lý Nhi Nguyễn Tú Anh cho hay: “Hành động này có một số điều chưa ổn. Người lớn mang trẻ em, đối tượng yếu thế chưa có khả năng tự bảo vệ bản thân lên mạng xã hội không biết với mục đích là gì? Có bảo vệ được trẻ trước cộng đồng mạng không?
Đưa hình ảnh trẻ, cận mặt trẻ không che là xâm phạm quyền riêng tư của trẻ, dẫn đến nhiều hệ luỵ về an toàn và riêng tư. Thời đại bây giờ có một nguy cơ từ “digital footprint” – dấu chân thời đại số: một khi đã đăng lên, sẽ có ai đó chụp lại và lưu lại. Người đăng có xoá đi cũng chưa chắc tư liệu đó hoàn toàn biến mất. Khi lớn lên vô tình mà các em nhìn thấy những hình ảnh này và những bình luận khiếm nhã thiếu tôn trọng sẽ ảnh hưởng ra sao? Vì vậy, phụ huynh và giáo viên cần cẩn trọng trước hành động tưởng như trêu đùa vui vẻ của mình”.
Leave a Reply