Chuyển đổi số (CĐS) mang lại nhiều lợi ích cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, giúp tăng hiệu quả, giảm kinh phí, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm và có thể đưa ra mô hình kinh doanh mới. Tuy nhiên, chuyển đổi số trong các doanh nghiệp hiện nay còn có những hạn chế, nhất là các doanh nghiệp có tiềm lực hạn chế.
Chuyển đổi số doanh nghiệp hiểu đơn giản là việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số vào các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, từ đó tận dụng lợi thế của công nghệ để tác động thay đổi mô hình kinh doanh, cách thức vận hành doanh nghiệp, nhằm mang đến giá trị tốt hơn cho doanh nghiệp, thích ứng với xu hướng phát triển công nghệ trên toàn thế giới.
Trả lời PV Dân Việt về câu hỏi: Khi doanh nghiệp quyết định tham gia CĐS, điều gì là quan trọng nhất?, ông Nguyễn Vũ Anh – Tổng Giám đốc Cốc Cốc chia sẻ, có 3 yếu tố nổi bật.
Yếu tố tiên quyết để chuyển đổi số thành công chính là con người. Việc chuyển đổi phải đi từ lãnh đạo. Người đứng đầu tổ chức phải quan tâm và quyết tâm thực thi thì mới có thể dẫn dắt đội ngũ chuyển đổi thành công. Tư duy vận hành số cần được “nuôi” từ khâu tuyển dụng đến đào tạo nhân sự, đồng thời bao phủ và liên tục áp dụng trong mọi hoạt động vận hành mới có thể tạo ra kết quả thực chất.
Yếu tố thứ hai là dữ liệu số. Cần hiểu đúng chuyển đổi số không đơn thuần là đưa dữ liệu lên môi trường số, mà dữ liệu cần phải có giá trị và đủ lớn. Bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp, tổ chức là làm sao để khai thác, tận dụng hiệu quả dữ liệu số để giải quyết được các vấn đề cụ thể, từ đó hướng tới mục tiêu phát triển chung.
Yếu tố tiếp theo là công nghệ. Bản chất của chuyển đổi số là ứng dụng công nghệ ở quy mô lớn để tạo ra chuyển đổi cơ bản về cách thức hoạt động của một tổ chức, từ đó tăng lợi thế cạnh tranh. Mức độ thành công sẽ phụ thuộc vào cách các công ty khai thác công nghệ để giải quyết vấn đề. Vai trò cốt yếu của công nghệ là kết nối, khai thác và hỗ trợ làm giàu dữ liệu số. Công nghệ không chỉ ngày càng được tích hợp sâu hơn vào bài toán kinh doanh mà còn liên tục phát triển,nhờ đógiải đúng các bài toán của doanh nghiệp.
Công nghệ là cốt lõi của CĐS nhưng người đứng đầu doanh nghiệp thể hiện tinh thần trong CĐS mới quyết định thành bại. Về khía cạnh này, ông Vũ Anh nói: “Không thể phủ nhận rằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là AI tạo sinh (Generative AI) đang chiếm ưu thế và thể hiện sức mạnh vượt trội trong nhiều mặt, bao gồm việc hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các bài toán chuyển đổi số.
Từ góc nhìn của người điều hành doanh nghiệp phát triển sản phẩm công nghệ số với hơn 30 triệu người dùng, tôi cho rằng cần khởi đầu quá trình chuyển đổi số bằng vấn đề, không phải bằng công nghệ. Câu hỏi quan trọng nhất cần đặt ra là: Vấn đề kinh doanh mà bạn muốn giải quyết là gì? Khi lãnh đạo doanh nghiệp xác định rõ vấn đề họ muốn giải quyết bằng công nghệ, thì việc phát triển lộ trình công nghệ để giải quyết vấn đề đó trở nên dễ dàng hơn”.
Ông Vũ Anh cho rằng, các dữ liệu có liên quan từ các nguồn tham khảo trên Internet,… từ đó “đọc vị” đúng nhu cầu của người dùng, làm căn cứ gợi ý trả kết quả đề xuất phù hợp. Việc bắt đầu bằng việc xác định vấn đề, sau đó mới “giao việc” cho công nghệ.
“Chuyển đổi số là tiến trình dài hạn, nên rất cần xác định đúng hướng đi và bền bỉ theo đuổi mục tiêu”, vị lãnh đạo của Cốc Cốc khẳng định.
Trong khi đó, ông Vũ Kiêm Văn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) cho biết, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, điển hình trong ngành Tài chính, Ngân hàng, tuy nhiên nhìn chung, với nhiều doanh nghiệp, những thách thức rất lớn vẫn hiện hữu.
“Việc chuyển đổi số với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là với những doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp phải nhiều khó khăn. Hiện tại, các doanh nghiệp này đang phải đối mặt với những thách thức như: thiếu kỹ năng số và nhân lực, thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số, thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp, thiếu nguồn lực tài chính…”, ông Vũ Kiêm Văn nói.
Dữ liệu số là nền tảng của Chuyển đổi số, là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Nhưng thực tế cho thấy, dữ liệu lớn mới chủ yếu được ứng dụng mạnh tại một số doanh nghiệp công nghệ, ngân hàng lớn.
“Việc phát triển dữ liệu đặc biệt là dữ liệu lớn tại Việt Nam hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, thách thức đã được nhận diện như: Kết nối, chia sẻ dữ liệu; số hóa dữ liệu; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về dữ liệu số; hạ tầng dữ liệu số; an toàn thông tin, an ninh mạng”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết.
Leave a Reply