Sáng 23/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 5 luật vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, trong đó có Luật Thủ đô năm 2024.
Giới thiệu tóm tắt nội dung cơ bản của Luật Thủ đô, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi cho biết, Luật gồm 7 chương, 54 điều nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Luật Thủ đô 2024 đã bổ sung 1 chương về tổ chức chính quyền đô thị, luật hóa các quy định được nêu tại Nghị quyết của Hội đồng nhân dân trước đây. Theo đó, luật bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc thành phố Hà Nội. Điều 11 luật này nêu rõ, Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố thuộc thành phố có 2 Phó Chủ tịch HĐND và tổng số đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách không quá 9 người.
Bên cạnh đó, Luật Thủ đô 2024 còn luật hóa quy định không tổ chức HĐND cấp phường tại TP.Hà Nội. Điều 8 quy định, chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội, cấp huyện (huyện, quận, thị xã), thành phố thuộc thành phố, cấp xã (xã, thị trấn) gồm: Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (UBND)…
Về chính sách với cán bộ, công chức tại TP.Hà Nội, Luật Thủ đô 2024 nêu rõ, cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan sau sẽ được hưởng thu nhập tăng thêm theo năng lực, hiệu quả công việc: Cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; đơn vị sự nghiệp công lập được đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên do thành phố quản lý. Trong đó, mức chi thu nhập tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của thành phố.
Luật còn tăng mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện cho hộ nghèo, cận nghèo, đồng thời quy định rõ, trong trường hợp thật cần thiết, Chủ tịch UBND các cấp được ngừng cung cấp điện, nước với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh nếu: Thi công không đúng thiết kế về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đã được thẩm duyệt; chưa được nghiệm thu PCCC mà đã chưa vào hoạt động; cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke không đảm bảo điều kiện an toàn PCCC…
Để triển khai thi hành Luật kịp thời, hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành luật và tổ chức hội nghị triển khai thi hành luật; xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, đảm bảo có hiệu lực đồng thời với luật. Đồng thời, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới; ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương được Luật Thủ đô giao; tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết luật ở các bộ, ngành và địa phương.
Thông tin về chính sách đột phá trong Luật Thủ đô, đại diện Bộ Tư pháp cho biết, Luật Thủ đô là luật đặc thù, được xây dựng trên cơ sở kế thừa Luật Thủ đô năm 2012, bám sát 9 nhóm chính sách với nhiều nội dung đặc thù, vượt trội so với quy định pháp luật hiện hành để bảo đảm xây dựng, phát triển Thủ đô đúng với mục tiêu được nêu trong Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Bộ Tư pháp, quan trọng nhất trong Luật Thủ đô là chính sách mang tính vượt trội, đặc thù, thể hiện ở sự đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền Thủ đô liên quan đến tổ chức bộ máy; tài chính – ngân sách; thẩm quyền, cơ chế đầu tư; thu hút trọng dụng nhân tài… Các cơ chế, chính sách này sẽ tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển.
Leave a Reply