“Sát thủ Thổ Nhĩ Kỳ” và câu chuyện phương tiện luyện tập của Thể thao Việt Nam
Trong dòng truyền thông về Olympic 2024 của thế giới nổi lên câu chuyện về xạ thủ Thổ Nhĩ Kỳ Yusuf Dikec, người đã giành HCB môn đồng đội hỗn hợp súng ngắn hơi 10m, hôm 28/7/2024. Đương nhiên thành tích này thu hút sự chú ý của người dân Thổ Nhĩ Kỳ, vì đây là huy chương bắn súng đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ trong lịch sử Olympic. Nhưng cái thực sự gây bão trên truyền thông thế giới lại là cái cách anh ấy giành huy chương. Với trang bị tối thiểu và một vẻ bình thản lạnh lùng, VĐV này đã có những phát bắn chính xác và giành chiếc HCB Olympic danh giá về cho Thổ Nhĩ Kỳ. Miêu tả vẻ lạnh lùng này, phóng viên tờ The Economic Times đã hài hước đặt câu hỏi: Phải chăng Thổ Nhĩ Kỳ đã cử sát thủ đi dự Olympic?
Hẳn sẽ chả ai bàn tán về phong thái cũng như trang bị của VĐV này nếu như anh không giành HCB Olympic. Có thể có người nghĩ rằng VĐV Yusuf Dikec đã gặp may mắn khi chiến thắng ở đấu trường danh giá này. Nhưng thực tế không phải vậy, đã đành may mắn đóng vai trò quan trọng trong thành công của mọi chiến thắng, nhưng Dikec bắt đầu thi bắn súng từ năm 2001, và góp mặt ở mọi kỳ Olympic kể từ 2008. Xạ thủ người Thổ Nhĩ Kỳ đã bảy lần vô địch châu Âu, và giành cú đúp vô địch thế giới năm 2014. Tuy nhiên, đến Paris 2024, anh mới giành huy chương đầu tiên ở Olympic.
Rõ ràng, trang thiết bị luyện tập và thi đấu đóng vai trò hết sức quan trọng trong thành tích thi đấu của các VĐV đỉnh cao. Câu chuyện về cơ sở vật chất và trang thiết bị luyện tập kém là nguyên nhân ảnh hưởng tới thành tích thi đấu của các môn thể thao Olympic của Thể thao Việt Nam đã được nói đến từ lâu, đặc biệt là trong những môn mà thành tích phụ thuộc nhiều vào phương tiện thi đấu và luyện tập như môn bắn súng, bắn cung hay đấu kiếm… Nhiều năm trước, các VĐV bắn súng của chúng ta rất thiệt thòi khi phải luyện tập và thi đấu bằng những khẩu súng lạc hậu, thua kém về độ chính xác và ổn định so với các khẩu súng mà xạ thủ thế giới đang sử dụng. Không những thế, điều này còn tác động không tốt đến tâm lý thi đấu của các xạ thủ Việt Nam, làm giảm sự tự tin cần thiết khi thi đấu.
Nhưng hiện tại, những môn mà thiết bị thi đấu và luyện tập đắt tiền như bắn súng, bắn cung hay đấu kiếm, cơ bản, VĐV của chúng ta đã được trang bị những phương tiện luyện tập tương đương với điều kiện mà đa số các VĐV thế giới đang luyện tập. Tất nhiên, chúng ta sẽ không thể so sánh với những cường quốc thể thao, nơi luôn có những áp dụng khóa học kỹ thuật tân tiến nhất để phục vụ cho quá trình luyện tập và thi đấu của VĐV.
Chắc chắn là xạ thủ Yusuf Dikec của Thổ Nhĩ Kỳ có điều kiện luyện tập và thi đấu tốt, nhưng VĐV này lại là 1 ví dụ điển hình cho việc không lệ thuộc vào các phụ kiện hiện đại, và anh rất tự tin vào điều đó, những thành tích mà anh có được là kết quả của sự luyện tập hết sức chuyên cần. Kể cả sau khi giành HCB Olympic, thay vì tự thưởng cho bản thân 1 khoảng thời gian nghỉ ngơi sau thành tích lịch sử, Dikec khẳng định sẽ trở lại tập luyện sau hai ngày trở về từ Olympic, để hướng tới Olympic Los Angeles 2028, và hy vọng bản thân sẽ cải thiện được thành tích.
Trả lời phỏng vấn về phong thái thi đấu đặc biệt gây bão với việc 1 tay đút túi quần, Yusuf Dikec khẳng định, anh cho tay vào túi quần là để giữ thăng bằng, chứ không phải tạo dáng cho “ngầu” lúc thực hiện động tác bắn ở Olympic 2024. Anh nói: “Không ai thành công nếu cứ đút tay vào túi quần”.
Đúng vậy, sẽ không có thành công nếu cứ đút tay vào túi quần, sẽ không có thành công nào mà không đi cùng với sự khổ luyện vất vả cả. Yusuf Dikec xứng đáng là một nguồn cảm hứng, khích lệ cho các VĐV Việt Nam về việc vươn tới vinh quang bằng sự luyện tập chuyên cần mà không quá lệ thuộc vào những phụ kiện hiện đại.
Leave a Reply