Trồng thứ cây ra trái to bự trên thân, ông nông dân Vĩnh Long hễ bẻ là bán hết veo

Nhờ trồng cây ca cao mà nhiều nhà vườn tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long sống khỏe, vươn lên thoát nghèo, thậm chí kiếm được thu nhập trăm triệu đồng mỗi năm.

Ca cao là một trong những cây trồng có mặt từ lâu tại ĐBSCL, được trồng phổ biến ở nhiều địa phương như Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ…

Riêng tại tỉnh Vĩnh Long, từ năm 2006, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã có dự án hỗ trợ cây giống và chuyển giao kỹ thuật để bà con nông dân trồng xen canh cây ca cao trong các vườn cây ăn trái, chủ yếu là vườn dừa ở các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn. Từ sự kết hợp này đã đem lại hiệu quả kinh tế ổn định cho nhiều nhà vườn nơi đây.

Trong khi giá cả nhiều loại cây ăn trái khác biến động không ngừng, giá ca cao được thu mua rất ổn định giúp người trồng kiếm được thu nhập khá. 

Từ những hiệu quả mang lại, diện tích trồng cây ca cao ở địa phương ngày một mở rộng. Từ đây, hình thành những tổ hợp tác, hợp tác xã làm đầu mối dẫn dắt, đưa cây trồng này bén rễ, bám đất ở nhiều nơi trong tỉnh Vĩnh Long.

Kể về hành trình nên duyên với cây ca cao, ông Nguyễn Văn Suối (Hai Suối), Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tích Khánh (xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) đã gắn bó với cây ca cao hơn 20 năm, với nhiều tâm huyết với loại cây này cho biết, cây ca cao đã giúp bà con xóa đói giảm nghèo, kỹ thuật trồng lại vô cùng đơn giản, nhà nhà đều có thể trồng được.

Trồng ca cao, thứ cây ra trái to bự trên thân, ông nông dân Vĩnh Long hễ bẻ là bán hết veo- Ảnh 1.

Ông Hai Suối, nông dân trồng ca cao, xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long bên vườn cây ca cao rộng 1,5ha cho năng suất ổn định, sản lượng đạt khoảng 80 kg/cây/năm.

Ông Hai Suối nhớ lại, nhiều năm về trước với 3ha đất ruộng, ông làm quần quật từ năm này sang năm khác nhưng không khá lên nổi. 

Nhận thấy nếu còn trồng lúa về lâu về dài cũng không đem lại hiệu quả kinh tế, lại cực công chăm sóc nên ông quyết định chuyển đổi sang mô hình khác. Ông cất công lặn lội nhiều nơi tìm hiểu mô hình hay, tình cờ biết được cây ca cao được trồng nhiều ở tỉnh Bến Tre đem lại hiệu quả kinh tế nên ông lặn lội sang để học hỏi. 

Thấy mô hình đầy tiềm năng, ông quyết định cải tạo đất ruộng và chi số tiền lớn để mua 1.200 cây giống về trồng trên diện tích 1,5ha. 

Thời điểm đầu, ông Hai Suối gặp không ít khó khăn bởi ca cao có nhiều giống, khi đưa về vùng đất mới nên đòi hỏi kỹ thuật trồng khó hơn. Tuy nhiên, với sự quyết tâm, cần cù và tỉ mỉ trong khâu chăm sóc, cây trồng cây mới này cũng không làm khó được ông. 

Trong quá trình trồng, ông đánh giá cây ca cao dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, cho trái quanh năm, giá cây giống rẻ chỉ từ 16.000 đồng/cây. Điểm đặc biệt của loại cây này so với nhiều cây trồng khác là sức chống chịu độ mặn tốt và chỉ cần tưới 1-2 lần/tuần.

Theo ông Hai Suối, nếu trồng chuyên canh có thể trồng với mật độ dày khoảng 80 cây/1.000m2, nếu trồng xen với vườn dừa có thể trồng dừa khoảng cách 7-8 m/cây và xen ca cao vào các điểm trống khoảng 40 cây ca cao và 20 cây dừa. 

Từ khi trồng đến 18 tháng tuổi cây bắt đầu ra hoa. Khoảng 22 tháng nhà vườn đã có khoản thu nhập đầu tiên từ vườn ca cao. 

Cây ở tuổi thứ 3 cho năng suất trái 30 kg/cây/năm. Mỗi năm sau đó, năng suất tăng thêm từ 5-10 kg/cây. Đến nay, vườn ca cao của ông Hai Suối đã trưởng thành, cho năng suất ổn định, sản lượng đạt khoảng 80 kg/cây/năm. 

Khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 12 âm lịch là mùa thuận của cây sẽ cho sản lượng quả ổn định. Vào mùa nghịch sản lượng giảm khoảng 70-75%. Hiện nay, giá ca cao rất ổn định, bình quân 5.500 đồng/kg, mỗi năm 1,5ha trồng ca cao đem lại thu nhập gần 500 triệu đồng cho ông Hai Suối.

Ông Nguyễn Văn Kiều (74 tuổi, ngụ xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) đang có trên 1,5ha vườn dừa xen ca cao. 

Cứ khoảng 1.000m2 ông trồng 20 cây dừa xen thêm 40 cây ca cao. Qua chăm sóc, lão nông này cho biết cây cao cao chịu được nước nhiễm mặn khá tốt. 

“Vườn ca cao của tôi khoảng 7 năm tuổi, những tháng cho thu hoạch rộ sản lượng khoảng 600 kg/tuần. Những tháng mùa nghịch, sản lượng giảm còn khoảng 200kg/tuần. Mỗi tháng, nhờ vườn ca cao mà tôi thu lãi trên 10 triệu đồng mà không tốn quá nhiều công chăm sóc”.

Thời gian qua, Hợp tác xã Nông nghiệp Tích Khánh tổ chức sản xuất và liên kết thu mua ca cao cho bà con nông dân địa phương. 

Đến nay, tổng diện tích vùng nguyên liệu ca cao của hợp tác xã đã lên đến 140ha, trồng khoảng 140.000 cây, với 220 hộ dân trong và ngoài huyện tham gia, năng suất bình quân đạt khoảng 10 tấn/ha/năm. 

Ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Ôn, cho biết, thời gian qua, huyện khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng ở những nơi phù hợp. Trong đó, cây ca cao đang có triển vọng, giúp nông dân có thu nhập khá từ mô hình này.’


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *