Sinh viên cầu cứu vì Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật TƯ không dạy vẫn bắt đóng tiền: Giảng viên tiết lộ “nội tình”

Vụ sinh viên cầu cứu vì Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương không dạy vẫn bắt đóng tiền: “Chúng tôi không biết đề cương dạy học phần này là gì”

Liên quan đến vụ sinh viên lớp K8 Thanh nhạc, khoa Piano và Thanh nhạc cầu cứu vì Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương không dạy vẫn “bắt” đóng tiền được báo Dân Việt phản ánh mới đây, trao đổi với PV báo Dân Việt, một số giảng viên cũng tiết lộ “nội tình” học phần “Chương trình biểu diễn nghệ thuật tốt nghiệp”.

Vụ sinh viên cầu cứu Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật TW không dạy vẫn

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương kêu cứu vì bị trường không cho thi tốt nghiệp sau thắc mắc đóng học phí nhưng không được học. Ảnh: FPNT

Một giảng viên (xin được giấu tên) của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương khẳng định: “Trong thông báo của nhà trường có thông tin về 14 tín chỉ học phần “Chương trình biểu diễn nghệ thuật tốt nghiệp. Mặc dù giảng dạy nhiều năm nhưng chúng tôi không biết tồn tại sự việc sinh viên đóng tiền nhưng không được học. Cách đây 2, 3 năm, sinh viên khóa trước cũng xôn xao về học phần này vì sao không học vẫn phải đóng tiền. Năm nay các em lớp K8 làm thành văn bản để xin trường lý giải nên nhiều người mới biết.

Chúng tôi là giảng viên, nhiệm vụ của chúng tôi là được trường phân công dạy gì, lịch thế nào thì cứ đến trường dạy thôi. Còn học phí ra sao là việc giữa nhà trường và sinh viên. Sau khi nghe các em chia sẻ, tôi cũng bất ngờ”, giảng viên cho hay. 

Khi được hỏi về học phần “Chương trình biểu diễn nghệ thuật tốt nghiệp” sẽ học gì, một giảng viên khác thẳng thắn: “Nếu công khai học phần này có 14 tín chỉ thì trường phải có lịch dạy, lịch học rồi mới đóng tiền nhưng thực tế không chỉ sinh viên không có lịch học mà giảng viên cũng không có lịch dạy. 

Học phần này công khai trên trang tín chỉ là tự học. Do các em kết thúc chương trình học vào ngày 9/5 cho tới 2 tháng sau là đầu tháng 7 mới thi, chúng tôi lo lắng, thương sinh viên nghỉ dài sẽ ảnh hưởng đến bài thi tốt nghiệp nên cô trò tự sắp xếp hướng dẫn nhau. Nghệ thuật là một môn học đặc thù nên bằng kinh nghiệm chúng tôi dạy các em những gì hay nhất, đẹp nhất chứ xưa nay chúng tôi không biết đề cương chi tiết của học phần này là gì.

Mỗi giảng viên chỉ hướng dẫn cho 1, 2 em nên chúng tôi xem các em như người nhà. Tôi khẳng định, chúng tôi có dạy, có hướng dẫn cho sinh viên, nhưng là dạy ở nhà, là tinh thần tự nguyện của giảng viên yêu thương các em và danh dự của giảng viên. Việc dạy học này không liên quan đến trường và cũng không được nhận chế độ gì từ trường”.

Một giảng viên khác bức xúc sau khi nghe thông tin một nhóm khoảng hơn 10 sinh viên đã được thi học phần “Chương trình biểu diễn nghệ thuật tốt nghiệp” vào đầu tháng 7 vừa qua, trong khi đó vẫn còn hơn 10 em bị trường cho hoãn thi, chờ xem xét do thắc mắc việc học phí: “Nếu trường tổ chức cho sinh viên thi là sai vì đây là một môn học. Sinh viên chưa được học mà đã thi là không hợp lý”.

“Chúng tôi rất thương sinh viên”

Không chỉ khẳng định việc dạy học là tự dạy cho sinh viên, một số giảng viên còn cho biết rất thương học trò của mình vì sau 4 năm học với thành tích giỏi, xuất sắc nhưng cuối cùng các em lại chưa được thi tốt nghiệp, hoãn nhận bằng vì “sự cố” này.

“Các em hoàn toàn không vi phạm gì trong suốt mấy năm học, ngược lại các em có thành tích rất tốt, đủ điều kiện thi tốt nghiệp. Sinh viên thắc mắc việc đóng tiền nhưng không được học là chuyện bình thường. Nhà trường nên giải thích cho các em và làm rõ vấn đề thay vì hoãn thi tốt nghiệp của các em”, giảng viên của trường nói.

Một số giảng viên của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho hay: “Chúng tôi không biết vụ việc cho đến khi các em gửi đơn lên Bộ GDĐT cầu cứu và căng băng rôn trước cổng Bộ. Tôi có gọi cho học trò của mình để hỏi tình hình và nghe các em kể mà thực sự sốc. Các em làm đơn bằng văn bản nhưng bị trường dọa kỷ luật. Ngay cả sinh viên của tôi hướng dẫn, thành tích học tập rất tốt nhưng chỉ vì thắc mắc học phí mà bị trường chèn ép không được thi dẫn đến ảnh hưởng tâm lý. Có em còn bị ngất giữa đường vì lo sợ quá nhiều, có em thì hoảng loạn, suy nhược”.

“Chúng tôi khẳng định phản ánh, phát ngôn trên là đúng sự thật. Chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm sẵn sàng làm việc với cơ quan chức năng để làm rõ. Còn việc sinh viên bị hoãn thi nghĩa là các em bị chậm nhận bằng tốt nghiệp sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội việc làm. Hiện tại các đoàn nghệ thuật đang tổ chức tuyển dụng sinh viên mới ra trường”, giảng viên của trường nói.

Sinh viên hoang mang, nhà trường vẫn im lặng

Trong suốt 2 tháng qua, chưa ngày nào, hơn 10 sinh viên K8 Thanh nhạc chưa được thi tốt nghiệp được ngủ ngon giấc hay có tâm lý bình thường.

Nhóm sinh viên bày tỏ: “Một số bạn đã được thi tốt nghiệp còn chúng em thấy vô cùng bất lực, hoang mang. Chúng em cảm thấy rất bơ vơ, không biết cầu cứu đến ai. Gửi đơn cầu cứu đến Bộ thì Bộ trả về trường giải quyết, trong khi trường nhất định bắt chúng em phải làm tường trình nhận lỗi nhận sai. Chúng em phải viết tường trình nhận mình đã thông suốt, đã hiểu giải thích của trường, không thắc mắc gì thì mới được đưa vào danh sách xét có cho thi hay không. Giờ cơ hội thi của chúng em đã bị vụt mất.

Với tình hình hiện tại, chúng em chỉ có thể chờ đợi để thi đợt 2 mà còn không biết khi nào đợt 2 mới diễn ra. Thật bất công trong khi chúng em đều đủ điều kiện để thi đợt 1. Và theo quy định nhà trường thì thi đợt 2 được tính là đợt thi của những bạn không qua môn trong đợt 1, phải đóng lệ phí thi lần 2. Thầy Phó hiệu trưởng Lê Vinh Hưng nói với phụ huynh sẽ tạo mọi điều kiện để chúng em được thi, vậy mà bây giờ hơn 10 người đủ điều kiện thi vẫn bị kẹt lại”.

Liên quan đến lời cầu cứu của sinh viên, ngày 9/7, PV báo Dân Việt đã gửi Công văn tới Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. PGS. TS. Lê Vinh Hưng, Phó Hiệu trưởng phụ trách của trường xác nhận “đã nhận công văn và sẽ trả lời”. Sau đó, ngày 12/7, ông Đỗ Anh Tuấn, phòng Truyền thông của trường đã liên hệ hẹn gặp nhưng sau đó cả 2 lần đều báo bận công tác. PV cho biết có thể phỏng vấn qua điện thoại nhưng ông Tuấn từ chối “Việc này phải trao đổi trực tiếp”.

Ngày 22/7, PV liên lạc với ông Lê Vinh Hưng về việc trả lời bằng Công văn sau khi không thống nhất được lịch gặp trực tiếp nhưng ông Hưng im lặng không phản hồi.

Ngày 5/8, PV tiếp tục liên hệ với ông Đỗ Anh Tuấn và nhận phản hồi “Nhà trường đang làm việc với cơ quan chức năng”. Tuy nhiên, đến nay sau 1 tháng gửi công văn, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương vẫn chưa trả lời câu hỏi vì sao sinh viên không được học nhưng vẫn phải đóng học phí 14 tín chỉ, tương đương hơn 5 triệu đồng, cho học phần này.

Tham khảo “Chương trình biểu diễn nghệ thuật tốt nghiệp” ở trường khác, PV đã có cuộc trao đổi với đại diện một trường âm nhạc ở Hà Nội. Đơn vị này cho biết: “Mỗi đợt tốt nghiệp, Học viện tổ chức 2 lần biểu diễn: Một lần chung cho tất cả sinh viên tốt nghiệp và một lần cho những sinh viên xuất sắc.

Các em tham gia không phải đóng bất kỳ khoản học phí nào. Đây là quyền lợi các em được hưởng khi là sinh viên của Học viện. Nếu có, các em chỉ góp chung nhau khoản rất nhỏ để mua nước uống thêm hoặc tặng hoa cho giám khảo. Các khâu tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật tốt nghiệp như mời giám khảo, sân khấu, âm thanh đến nước uống… là nhiệm vụ của Nhà trường.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *