“TTVN và Đông Nam Á vẫn ở “vùng trũng” của thế giới”
Tại Olympic Paris 2024, TTVN đã không thể giành được huy chương. Đây là lần đầu tiên TTVN trắng tay ở hai kỳ Olympic liên tiếp, kể từ mốc son nữ võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân giành HCB lịch sử tại Olympic Sydney 2000.
Trong khi đó, có 5 nước Đông Nam Á giành được huy chương tại Thế vận hội lần này. Philippines (2 HCV thể dục dụng cụ của ngôi sao Carlos Yulo, 2 HCĐ boxing), Inodonesia (2 HCV leo núi tốc độ, cử tạ, 1 HCĐ cầu lông), Thái Lan (1 HCV taekwondo, 3 HCB cử tạ, cầu lông; 2 HCĐ boxing, cử tạ); Malaysia (2 HCĐ cầu lông), Singapore (1 HCĐ thuyền buồm).
Dưới góc nhìn của mình, cựu tuyển thủ karate Việt Nam là Bùi Việt Bằng đã có bài viết riêng cho Dân Việt nhìn nhận về thể thao Đông Nam Á nói chung và TTVN nói riêng tại Olympic.
Bùi Việt Bằng viết: “Philippines và Indonesia đã có 2 HCV để lần lượt xếp thứ 33, 34 trên bảng tổng sắp huy chương. Thái Lan cũng có HCV taekwondo ở nội dung sở trường của họ. Đây có thể coi là sự khích lệ cho thể thao Đông Nam Á nhưng phải nhìn nhận Đông Nam Á vẫn ở “vùng trũng” của thể thao thế giới.
Theo tôi, cơ bản, các nước Đông Nam Á đều có những khó khăn tương tự nhau trong việc thi đấu tại Olympic như: Thể trạng tương đồng nhau; Tiềm lực kinh tế hạn chế; Chiến lược phát triển thể thao tương đối giống nhau; Trình độ đào tạo và huấn luyện ngang nhau.
Có thể hiểu là với thể trạng không thể tốt bằng các VĐV châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, VĐV châu Á rất khó cạnh tranh ở các môn như điền kinh, bơi lội, bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá…
Về tiềm lực kinh tế thì các nước Đông Nam Á dao động quanh 500 tỷ đô GDP khó có thể so sánh với các nước hàng ngàn tỷ đô ở châu Âu, châu Mỹ, Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc).
Tiềm lực kinh tế ảnh hưởng tới hạ tầng đời sống sinh hoạt và hạ tầng chất lượng tập luyện thể thao của các quốc gia.
Đây là điều mà các nước Đông Nam Á cơ bản đều giống nhau và hạn chế. Trong võ thuật có câu “nhà giàu học võ, nhà nghèo học văn”, với các nước Đông Nam Á (trừ Singapore, Brunei) thì việc chơi thể thao chuyên nghiệp vẫn là hoạt động xa xỉ, tốn kém.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa cứ “to khoẻ” và “giàu có” mới có thể giành huy chương Olympic. Đơn giản, Thế vận hội có nhiều môn thể thao mà người nhỏ bé có ưu điểm hơn như: Bắn cung, trượt ván, leo núi, bóng bàn… Hay như những nước có kinh tế hạn chế như CHDCND Triều Tiên, Jamaica, Ukraine, Cuba…, họ vẫn có những thành tích nhất định ở một số môn.
Ở Đông Nam Á, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore cũng có những tấm huy chương khi phát huy thế mạnh ở các hạng cân nhỏ của taekwondo, cử tạ, boxing, cầu lông… Tức là vẫn có cách để các nước có thể trạng, tiềm lực kinh tế hạn chế như khu vực Đông Nam Á bước lên bục cao nhất tại Olympic nếu có chiến lược đúng và kế hoạch thực thi bài bản kiên trì.
“TTVN không thể trông chờ ngân sách nhà nước”
Sau những kỳ thi đấu SEA Games, tôi có quan sát và nhận định rằng: Chiến lược phát triển thể thao các nước Đông Nam Á khá giống nhau và tương đồng về cách tiếp cận. Do hạn chế về thể trạng và tiềm lực kinh tế dẫn tới Chiến lược phát triển thể thao tầm vĩ mô của các nước Đông Nam Á thường bao cấp (bằng cách này hay cách khác ) từ ngân sách nhà nước, tập trung vào thành tích ngắn hạn (SEA Games).
Trong khi đó, các nước có nền thể thao phát triển hàng đầu thế giới thường có những điểm giống nhau như: Phát triển hệ thống thể thao nhà nghề (mô hình câu lạc bộ); Nhà nước đầu tư vào các Liên đoàn thể thao bộ môn (xã hội hoá) hạn chế đầu tư vào đội tuyển hay cá nhân VĐV cụ thể nào; Phối kết hợp với thể thao học đường (khối đại học) để sử dụng hiệu quả tài nguyên con người và hạ tầng tập luyện môn thể thao.
Chính sách quản lý vĩ mô theo mô hình câu lạc bộ thể thao nhà nghề đã thúc đẩy đúng vào bản chất của “game thể thao” là cạnh tranh và động lực tự thân của mỗi VĐV.
Thay vì dồn nguồn lực lớn tương đương rủi ro vào bất cứ cá nhân VĐV nào, nhà nước sẽ đầu tư vào “hệ thống đánh giá và tuyển chọn” để đảm bảo có được VĐV tốt nhất và phong độ nhất ở thời điểm tham gia thi đấu Olympic.
Đa phần các nước có nền thể thao phát triển họ tuyển chọn VĐV qua hệ thống tính điểm tích lũy (cá nhân hoá) thay vì ganh đua thành tích thể thao địa phương (tập thể), nên tạo ra một hệ thống mở không giới hạn trong việc tuyển chọn nhân tài mà họ gần như không mất công đầu tư (rủi ro).
Trình độ đào tạo và huấn luyện của các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng còn khoảng cách xa so với châu lục và thế giới.
Từ những nguyên nhân trên dẫn tới việc phát triển kinh tế thể thao thành một nền công nghiệp văn hóa giải trí để thúc đẩy phát triển nghiên cứu và nhân sự chuyên sâu của các quốc gia đều còn hạn chế.
Như báo cáo tổng kết, số lượng HLV bóng đá có bằng pro của Thái Lan nhiều nhất khu vực chỉ hơn 50 người. Việt Nam và các nước khác loanh quanh khoảng 20 HLV.
Còn với đa phần môn thể thao khác, lực lượng HLV nội (bản địa) có trình độ châu lục và thế giới rất ít ỏi.
Để một VĐV thi đấu quốc tế tốt, thì người HLV đã từng trải qua quá trình thi đấu đỉnh cao sẽ là lợi thế rất lớn. Do thiếu HLV đẳng cấp, đa phần các nước Đông Nam Á khi phát hiện được “tài năng đặc biệt” thì đều phải thuê chuyên gia nước ngoài hoặc đưa sang các nước có trình độ cao hơn để tập luyện mới có khả năng phát triển.
Ngoài ra, khi bước vào các giải đấu lớn có sự cạnh tranh khốc liệt như Olympic, các nước phát triển có một hệ thống chuyên nghiệp hỗ trợ như: Phân tích thống kê thể thao, tình báo thể thao, tâm lý thể thao… mà tất cả những điều này các nước Đông Nam Á đều chưa có nền tảng và điều kiện phát triển.
Thể thao hiện đại ngày càng đổi mới và phát triển với sự hỗ trợ của công nghệ phân tích thống kê để giúp đỡ HLV và VĐV cải thiện thành tích hiệu quả hơn.
Tổng kết lại, tôi nghĩ rằng với cách tổ chức như hiện nay, các nước khu vực Đông Nam Á cần có những quyết định thay đổi vĩ mô để phù hợp. Phải trả thể thao về với bản chất tự thân, nhà nước chỉ tạo hệ thống, cơ chế giám sát và hỗ trợ để tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, tích cực. Từ đó mới có thể đưa ra các chiến lược cạnh tranh hay chọn lựa môn thể thao phù hợp nhất với điều kiện xã hội để phát triển”.
Leave a Reply