Dòng sông dài 325km chảy từ Lào vào Thanh Hóa, dưới đáy là ngôi mộ bí ẩn của Hoàng Thái hậu nhà Hậu Lê

Sông Chu hay còn gọi là sông Lường bắt nguồn từ một vùng núi tây bắc Sầm Nưa ở Lào, chảy theo hướng tây bắc-đông nam, đổ vào bờ phải sông Mã ở Ngã Ba Giàng (Ngã Ba Đầu, Ngã Ba Bông), cách cửa sông 25,5km. 

Với chiều dài 325km, phần chảy ở Việt Nam là 160km, sông Chu qua các huyện Quế Phong (Nghệ An) và Thường Xuân, Thọ Xuân, Thiệu Hóa (Thanh Hóa).

img

Sông Chu được mệnh danh là một trong những dòng sông đẹp nhất Bắc Trung Bộ.

Trong giai đoạn 1921-1929, Pháp đã xây dựng đập dâng nước Bái Thượng dài 160m, cao 23,5m; tưới cho hơn 50.000ha đất ruộng hai vụ của Thanh Hoá. 

img

Đập Bái Thượng xây dựng trên thượng nguồn sông Chu (Thanh Hóa) được coi là hệ thống thủy nông hiện đại đầu tiên được xây dựng ở Trung Kỳ.

Ngày 2/12/2006, dòng sông Chu đã được chặn lại, luồng nước được dẫn tới hồ chứa nước thủy lợi – thủy điện Cửa Đạt (có dung tích lớn nhất ~ 1,45 tỷ m3 nước) để có nước tưới cho 87.000ha đất nông nghiệp của tỉnh Thanh Hoá, đồng thời có thể phát điện với công suất 97MW, phục vụ nước sinh hoạt cho cư dân các huyện miền xuôi và TP Thanh Hoá, cấp nước cho sông Mã vào mùa kiệt.

Không chỉ có vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất và sinh hoạt, sông Chu còn mang trong mình những câu chuyện kỳ bí và những dấu tích lịch sử. 

Cụ thể, ở đoạn sông chảy qua xã Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) có một khối đá lớn bằng phẳng, hình chữ nhật nằm im lìm suốt hàng trăm năm.

Qua những câu chuyện truyền miệng đậm chất huyền sử, người dân địa phương vẫn tin rằng đây là ngôi mộ của Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần – người phụ nữ trung liệt đã hiến mình cho thần sông, giúp Lê Thái Tổ “mười năm nằm gai nếm mật”, đánh đuổi giặc Minh, giành lại cơ đồ và mở ra một thời kỳ thịnh trị bậc nhất thời phong kiến nước Nam ta.

img

Đền thờ Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần tại làng Thượng Vôi.

Sau khi Lê Lợi lên ngôi vua đã cho lập đền thờ bà, gọi là Quốc Thái mẫu linh từ tại làng Thượng Vôi. Đến năm Bảo Đại thứ 16 (1942), sông Chu đổi dòng, ngôi đền có nguy cơ bị lở xuống sông, nhân dân chuyển ngôi đền vào địa điểm ngày nay.

Bên cạnh đó, hơn 30 hiện vật núi Đọ có mặt tại Bảo tàng Thanh Hóa gồm các hạch đá, mảnh tước và phác vật rìu. 

Những mảnh tước ở đây mang đặc trưng của mảnh tước Clacton – đặc trưng kỹ thuật cơ bản trong chế tác công cụ của “người khôn ngoan” thuộc sơ kỳ thời đại đồ đá cũ. 

Những mảnh tước được sử dụng như một loại công cụ chính, có thể dùng để cắt, gọt, nạo, chặt. Dựa vào loại hình và kỹ thuật chế tác công cụ đá ở núi Đọ, các nhà nghiên cứu cho rằng, núi Đọ từng là “công xưởng” chế tác công cụ của cư dân sơ kỳ thời đại đồ đá cũ. 

Điều này chứng tỏ vùng đất ven sông Mã, sông Chu từng là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại.

img

Sông Chu sở hữu cảnh quan sinh thái phong phú, tươi tốt.

Sông Chu đã góp phần khắc họa nên diện mạo đời sống vật chất và tinh thần xứ Thanh rất đẹp, rất riêng. So với toàn bộ sông Mã, rừng ở vùng này dày hơn, nhiều rừng già hơn. 

Nằm trong vùng của dãy núi Nam sông Mã, gồm nhiều núi vào loại cao nhất tỉnh Thanh Hóa, được cấu tạo bởi nhiều loại đá khác nhau dẫn đến địa hình rất phức tạp, hình thành nét đẹp cảnh quan sinh thái đến mê hồn.

Không những tạo nên một giá trị khảo cổ về mặt lịch sử, nơi sông Mã, sông Chu đi qua đã “hình thành” lên nhiều bản, làng cổ như Sơn Ôi (nay là xã Định Công, Yên Định), làng Đa Quả (Hà Trung)… Đặc biệt, làng cổ Đông Sơn đến nay đã trở thành di tích lịch sử được bảo tồn.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *