“Cuộc cách mạng” thanh toán QR Code của Việt Nam và sự sống còn của ví điện tử

Mới đây, báo cáo về thị trường Fintech (công nghệ tài chính) ở Việt Nam của công ty Acclime cho biết, Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn nhất khu vực châu Á đối với mối quan tâm của các nhà đầu tư trong lĩnh vực Fintech và tiềm năng tạo ra giá trị đáng chú ý.

Acclime dẫn chứng thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các giao dịch không dùng tiền mặt trong năm 2023 cao gấp 23 lần GDP, ước tính đạt mức 9.890 tỷ USD, trong khi GDP của Việt Nam đạt khoảng 430 tỷ USD.

Thanh toán QR Code đang rất phổ biến, từ thành thị tới nông thôn với các giao dịch từ lớn tới nhỏ.

FinTech Việt Nam phần lớn được thúc đẩy bởi thanh toán trung gian và ví di động (ví điện tử). Đến cuối năm 2023, Việt Nam có 32,77 triệu ví điện tử hoạt động. Đáng chú ý, số lượng và giá trị thanh toán qua QR Code tăng hơn 170%. Trong khi số lượng giao dịch thanh toán qua các kênh internet và di động tăng trưởng hàng năm lần lượt là 52% và 103,3% vào năm 2021 và năm 2023. 

Trong 4 tháng đầu năm 2024, các giao dịch không dùng tiền mặt tiếp tục tăng trưởng mạnh. Giao dịch không dùng tiền mặt tăng 57,11% về số lượng và 39,49% về giá trị, với giao dịch qua internet tăng 47,48% về số lượng và 30,20% về giá trị và giao dịch qua di động tăng 59,26% về số lượng và 35,91% về giá trị.

“Fintech Việt Nam đang trải qua sự thay đổi với phương thức thanh toán QR Code. Ở quốc gia, nơi mà giải pháp thanh toán di động được ưu tiên, QR Code trở thành lựa chọn phổ biến thay cho các giao dịch tiền mặt”, báo cáo của Acclime viết.

Theo thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, giao dịch bằng QR Code tăng mạnh lần lượt 846,41% về số lượng và 1.146,14% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, năm 2023 còn chứng kiến việc ra mắt liên kết thanh toán QR xuyên biên giới giữa Việt Nam và Campuchia. Điều này cho phép người dân có thể quét mã QR để thanh toán ở hai quốc gia. Ngoài ra, Việt Nam đã cùng với Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Singapore hợp tác để kết nối hệ thống thanh toán, bao gồm cả mã QR cho các giao dịch bán lẻ.

Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của QR Code như hiện tại rõ ràng có thể đe doạ vị thế của các ví điện tử trong thị trường thanh toán kỹ thuật số. Hãy nhìn vào bức tranh của các ví điện tử để thấy rõ hơn.

Hiện tại, MoMo chiếm tới 68% thị phần ví điện tử tại Việt Nam, nhưng cũng là ví điện tử lỗ nhiều nhất. Năm 2020 và 2021, lợi nhuận sau thuế MoMo ghi nhận âm khoảng 880 tỷ đồng. Vào năm 2022, con số âm còn lên tới gần 1.150 tỷ đồng.

Với ZaloPay, ví điện tử này cũng ghi nhận âm gần 680 tỷ đồng năm 2020, mức lỗ tiếp tục tăng 82,5% vào năm 2021 và tăng thêm 6,5% vào năm 2022, âm hơn 1.300 tỷ đồng.

Trong khi đó từ ngày 1/7, Công ty cổ phần Công nghệ và Dịch vụ Moca thông báo dừng cung cấp dịch vụ ví điện tử trên ứng dụng Moca và trên ứng dụng Grab. Thực tế, động thái dừng cuộc chơi trên thị trường ví điện tử của Moca không gây xáo trộn gì tới các tên tuổi còn lại. Nhưng, việc Moca dừng hoạt động cho thấy sự khốc liệt của cuộc đua giành thị phần ví điện tử tại Việt Nam.

Sự sống còn của các ví điện tử sẽ phụ thuộc vào việc các ví có tạo ra lợi nhuận thực sự bền vững hay không.

Trả lời PV Dân Việt, ông Lê Hải – CEO Công ty CP Công nghệ Tài chính Việt cho biết: “Thói quen thanh toán truyền thống của người Việt đang dịch chuyển nhanh chóng sang thanh toán không dùng tiền mặt. QR Code đang được ưa chuộng. Chúng ta có thể thấy những tính năng trên các ví điện tử hầu hết được các ứng dụng ngân hàng số tích hợp. Nhu cầu giao dịch của người dùng trên các ứng dụng ngân hàng đều được đáp ứng”.

“Điểm trừ của ví điện tử là đã tạo ra một thói quen xấu cho người tiêu dùng là phải có khuyến mãi thì mới dùng. Không có khuyến mãi thì họ ngại dùng vì nạp tiền mất công từ gắn ngân hàng liên kết, nộp tiền vào tài khoản ví, rồi sử dụng thanh toán mở ví. Khi công nghệ phát triển, ứng dụng ngân hàng đua nhau phát triển và việc người dân mở tài khoản ngân hàng là đăng nhập ứng dụng quét mã QR rất đơn giản”.

Ví điện tử được dự báo vẫn tăng về số lượng người dùng tuy nhiên hầu hết các “ông lớn” phát triển ví dẫn đầu vẫn đang trong giai đoạn “đốt tiền”, chưa có lãi. Trong khi công ty thanh toán trung gian có lãi vì sản lượng thanh toán đủ lớn để phủ chi phí vận hành. 

Với QR Code, lợi thế quan trọng trong cuộc đua với ví điện tử mà không cần “đốt tiền”, đó là tính năng thanh toán liền mạch – người dùng dễ dàng chuyển tiền trực tiếp từ tài khoản mình sang tài khoản của người bán mà không cần nạp tiền vào ví.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *