Năm 2023, anh tổ chức live concert “Một mình bao la” đánh dấu 30 năm sự nghiệp sáng tác. Tại sự kiện này, giới chuyên môn đã bày tỏ sự thán phục bởi anh đã đảm nhận nhiều vai trò cùng lúc, từ chọn bài, biên tập sắp xếp ca sĩ hát, phối khí, tới đệm đàn, làm MC trong suốt gần 4 tiếng. Nhưng cũng có người cho rằng, anh đang ôm quá nhiều việc, tự làm khổ mình?
– Tôi là người luôn muốn mọi việc phải tốt nhất, nên tôi bắt buộc phải làm với khối lượng công việc như vậy. Có thể mỗi người có một quan điểm khác nhau, nhưng với tôi không thấy đó là khổ, mà tôi chỉ cố gắng để có được một đêm nhạc tốt nhất, làm khán giả hài lòng nhất và cũng là để giấc mơ của mình trọn vẹn nhất.
Như tôi đã tâm sự tại live concert này, đêm nhạc này hơn cả một giấc mơ vì có những giấc mơ chỉ cần 5-10 năm, một hai năm hoặc một vài tháng. Nhưng giấc mơ này là giấc mơ 30 năm, bởi từ khi bắt đầu viết nhạc, tôi đã mong muốn có một ngày tổ chức các đêm nhạc ở các thành phố trong cả nước.
Để có một live concert như “Một mình bao la”, tôi đã làm việc không có ngày nghỉ trong suốt 3 tháng. Trước đó, tôi có 14 tháng liên tục không nghỉ ngày nào, từ chương trình Sao Mai 2022 cho đến một số chương trình như “Con đường âm nhạc”, “Phú Quang – Đỗ Bảo với tựa đề “Hà Nội mùa chuyển”, chương trình “Đàn Chim Việt – Văn Cao 100 năm”.
Quá trình chuẩn bị và cường độ làm việc nghệ thuật bắt buộc phải như vậy, nên với tôi, để đạt được mục đích thì không có cách nào khác phải vắt kiệt sức.
Nhiều nhạc sĩ đã từng chia sẻ, trong mỗi bài hát về tình yêu luôn có câu chuyện tình cảm thật của nhạc sĩ trong bài hát đó. Với anh, các bài hát về tình yêu cũng không ít, đặc biệt trong liveshow “Một mình bao là” anh cũng từng thổ lộ, một bài hát được sáng tác từ cảm xúc một cô gái bày tỏ thích anh thời điểm anh ở Sài Gòn. Vậy, chắc hẳn đó không phải là cô gái duy nhất bày tỏ tình cảm với anh, mà còn nhiều hơn thế trong các bài hát của anh?
– Tôi khá bận rộn, đảm nhận nhiều vai trò khác nhau như sáng tác, giảng dạy, làm show của riêng mình, phối khí cho các bài hát của các ca sĩ, phụ trách âm nhạc tại các chương trình, sự kiện âm nhạc…vì vậy, tôi dường như không có thời gian để quan tâm đến những gì xảy ra xung quanh, bao gồm cả việc liệu rằng có ai đó cảm mến tôi. Thời học sinh sinh viên, tôi phởn phơ hấp dẫn, nhưng thật tiếc vì tôi chỉ thích âm nhạc nên luôn là người cuối cùng biết rằng ai đó từng thích (cười).
Tôi thường nói với bạn bè, tôi có đời thường khá buồn tẻ. Tôi chỉ uống cà phê, nghe nhạc, sáng tác mà không ăn nhậu, ít tụ tập bạn bè…Tôi cũng không thấy thoải mái để đến gần và trò chuyện với mọi người nói chung và phụ nữ nói riêng. Sau này khi có gia đình, tôi càng có vẻ như khắc kỷ trong vấn đề này, nên chưa bao giờ tôi có một người bạn gái đúng nghĩa bạn bè chuyện trò cởi mở thoải mái. Tôi nghĩ, những người con gái mến mộ tôi chủ yếu xuất phát từ việc yêu thích các sáng tác của tôi.
Một số bài hát ngày xưa thời tôi còn trẻ, những bài hát về tình yêu, nhắc đến cô gái nào đó có thể gắn với kỷ niệm, đến từng số phận ở thời điểm đó. Đôi khi chỉ là thoáng qua cũng có thể đi vào tác phẩm của tôi nhưng cũng có những tình cảm rất sâu đậm lại không xuất hiện trong bài hát nào cả. Tôi xin phép dừng câu chuyện tình cảm trong sáng tác tại đây, bởi tôi nghĩ, tôi còn trẻ chưa đến lúc nói về những chuyện này. Dành về già đi, lúc đó tôi sẽ chia sẻ.
Anh nói rằng, có những tình cảm rất sâu đậm nhưng lại không có trong sáng tác của anh, nhưng với một số nhạc sĩ như Phạm Duy, Phú Quang, Trần Tiến… câu chuyện tình sâu đậm thường lại được họ đưa vào ca khúc, là nguyên liệu để họ sáng tác, và những ca khúc đó thường để lại nhiều cảm xúc, tạo ấn tượng cho khán giả. Vậy anh có nghĩ mình đang đi ngược với những nhạc sĩ đó?
– Bởi vì mọi người cứ nghe những giai thoại truyền tụng và cứ nghĩ các sáng tác chỉ ra đời theo một cách, tôi không chắc về điều này. Tình yêu sâu đậm thường là nguyên liệu vô giá cho tình khúc. Với tôi thì tình yêu dù sâu đậm thế nào vẫn là câu chuyện nhỏ mang tính thời điểm trong đời người. Sâu đậm với người này nhưng có thể nhạt nhẽo với người khác, với chính mình ở thời điểm khác và ngược lại. Chẳng hạn bây giờ ta nhìn tình yêu lúc học sinh ngây ngô, ta mỉm cười nghĩ ồ đó không chắc là tình yêu. Cũng như thế, tôi rất sợ nhìn lại một sáng tác ngây ngô của mình nhân danh tình yêu sâu đậm. Do đó, từ lâu tôi thích chiêm nghiệm tất cả tình yêu đã có, đang có của tôi và của mọi người, tất cả như một đại dương cảm xúc hay kinh nghiệm lớn hơn và rồi viết phần lớn tác phẩm. Tất nhiên khi nguồn cảm xúc về một ai đó, một tình cảm cụ thể nào đó quá mạnh nhưng đủ chín chắn, thì một sáng tác có thể ra đời và ở lại ngay.
Tôi có thể sáng tác bằng cách quan sát một cặp đôi ở ngoài đời và sáng tác ra một ca khúc, hay thấy một hiện tượng xã hội xuất hiện nhiều trên báo, những câu chuyện đủ mạnh, đủ để làm tôi quan tâm thì tôi có thể sáng tác. Với người sáng tác chuyên nghiệp thì bất luận trong điều kiện như thế nào họ vẫn có thể viết.
Nhiều người cũng đã đặt cho tôi câu hỏi, chắc hẳn nhạc sĩ yêu nhiều lắm. Tôi thấy khá khó trả lời, vì tôi không biết trả lời như thế nào nữa. Nếu tôi yêu hàng trăm mối tình thì tôi sẽ không kịp làm gì, ngoài một trái tim vật vã, xoay tròn bốn phương chỉ để yêu. (cười).
Khi nhắc tới nhạc sĩ Đỗ Bảo, thường khán giả sẽ nhớ tới chuỗi ca khúc “Bức thư tình”, từ “Bức thư tình đầu tiên” đến thứ 2, 3, 4 và 5. Đặc biệt, “Bức thư tình thứ 2” đã trở thành bài hit lớn của Hồ Quỳnh Hương, giúp ca sĩ được biết đến nhiều hơn, nổi tiếng hơn. Vậy thời điểm đó, Hồ Quỳnh Hương đã tìm đến và xin hát bài này hay do anh mời Hồ Quỳnh Hương hát?
– Bài hát “Bức thư tình thứ 2” là thời điểm tôi định làm album “Cánh cung 1”. Tôi là người gửi cho Hồ Quỳnh Hương nghe bài hát này và sau đó thu âm với Hồ Quỳnh Hương ở Hồ Gươm Audio ở phố Hàng Bồ vào năm 2003.
Lúc đó tôi trẻ, hồn nhiên và nghĩ rằng mình làm tiếp seri bức thư tình mà không có suy nghĩ về số phận của tác phẩm. Tôi không nghĩ ca khúc lại có một đời sống lâu dài và được khán giả đón nhận, yêu thương nhiều đến thế. Và sau 20 năm, các ca khúc vẫn được đón nhận, được yêu thích, vẫn có đời sống tốt khiến tôi cảm thấy vui, hạnh phúc.
Với một người sáng tác, khi viết ra một ca khúc sẽ coi đó là “đứa con tinh thần” của mình, nên khi số phận nó tốt thì “bố mẹ” là người vui nhất.
Với ca khúc “Bức thư tình đầu tiên”, tôi sáng tác cho người bạn gái trước kia, thời còn trẻ. Còn “Bức thư tình thứ hai” được viết khi nhớ lại buổi gặp gỡ lần đầu tiên với vợ tôi.
Khi một ca khúc được đón nhận, ca sĩ cũng trở nên nổi tiếng. Tuy nhiên, sự nổi tiếng này có phần chưa công bằng với nhạc sĩ, người sáng tác ra ca khúc, bởi khán giả chỉ biết đến ca sĩ đã hát bài hát đó mà ít để tâm đến tác giả ca khúc là ai. Và thiệt thòi hơn nữa là tiền cát xê của ca sĩ cũng được nhiều hơn tiền tác quyền của bài hát. Anh nghĩ sao về điều này?
– Tôi nghĩ đây là vấn đề xã hội to tát, nên cũng khó nói. Còn để nói ngắn gọn thì tôi cho đó là văn hóa, ý thức của nghệ sĩ, các quy tắc tự phát trong ngành, còn xa hơn bao trùm hơn là câu chuyện luật và văn hóa, lối sống của cả đất nước, mọi việc đã được xây dựng thế nào và chúng ta hiện có gì. Luật bản quyền thực hiện tốt và có công nghệ tốt, thì tôi nghĩ nó sẽ tạo nên quy tắc ứng xử mới, khi có sự công bằng hơn, người ta cũng không cần yêu cầu nhau tình cảm ơn nghĩa kiểu cũ, chẳng hạn thế.
Cá nhân tôi, tôi không bức xúc về câu chuyện tại sao khán giả biết đến ca sĩ nhiều hơn hay tiền cát xê họ thu được nhiều hơn cả tiền tác quyền. Vấn đề bức xúc có chăng là tất cả chúng ta phải có thời gian để chờ đợi đời sống phát triển, giống như cơ sở hạ tầng của một thành phố, một đất nước cứ 5 – 10 năm thay đổi và tiến lên và điều này tự khắc con người văn minh, biết ứng xử đúng hơn. Lúc đó có muốn đi sai, làm sai cũng không được. Và trong quá trình chờ đợi thì tôi nghĩ mình làm được việc gì tích cực thì làm.
Trong một bài hát tôi đã từng viết: “Cứ mãi ngây thơ, cứ mãi đợi chờ”, quan điểm sống của tôi là vậy. Tôi thấy mình sống tích cực để mọi việc mình làm đều tích cực. Và mình hãy cứ lạc quan lên để biết đợi chờ, rồi sẽ văn minh hơn. Văn minh ở nhiều khía cạnh, trong đó có âm nhạc, có bản quyền, có ứng xử của nghệ sĩ với nghệ sĩ hay không gian truyền thông chất lượng hơn.
Vậy với cá nhân anh thì sao, đã bao giờ một ca sĩ nào đó có những ứng xử khiến anh cảm thấy chạnh lòng?
– Cũng có đấy, trong khi còn chờ quy hoạch phát triển thì nghệ sĩ mắc lỗi với nhau là thường, nên tôi thường bỏ ngỏ đó thôi (cười). Tôi hiểu cách mà ngành này đang diễn ra nên tôi không thấy sự thiệt thòi mà mọi người hay đề cập. Còn nếu mà cứ sợ thiệt thòi thì ta còn theo đuổi một việc nào đó làm gì.
Điều này có thể hiểu, một nhạc sĩ Đỗ Bảo hiền hay một Đỗ Bảo không cần tiền?
– Không cần tiền thì không đúng rồi, nhưng chắc tôi không làm việc với mục đích quá nhiều về tiền bạc. Tôi không đặt nặng mục đích tiền bạc nhưng tôi luôn đủ sống vì giá của tôi có rẻ đâu. Có đứa bạn nó trêu tôi trong giới nhạc tôi như kiểu Richkid, xem ra coi nhẹ tiền bạc. Chỉ là tôi hiểu quy tắc không gian mình sống, tôi hài lòng với bản thân nên không có sự bức xúc ở thời điểm này.
Nếu như ngày trước, thời điểm tôi 20 tuổi, tôi nhiều bức xúc, cái gì tôi cũng có thể bức xúc. Tôi nghĩ mình phải có quan điểm nhìn xã hội với tâm tư của mình, rồi đặt ra những phản biện, theo kiểu phản kháng, đấu tranh hay cải tạo gì gì đó…
Tôi nghĩ đó là quá trình mình đang đi học làm người trưởng thành cho đến khi tôi hiểu quy tắc, hiểu sự thiệt thòi, đáng thương, kể cả thế mạnh thì tôi không còn bức xúc nữa. Giống như bạn đã hiểu về bản đồ, lối đi đó, nếu bạn vẫn đi sai thì đó là lỗi của bạn.
Còn bây giờ, với các bạn trẻ, có thể các bạn đang phải học, vậy theo tôi các bạn ấy cứ học, học đi để rồi rút ra cho mình bài học thật nhanh thì tiết kiệm được thời gian của các bạn ấy. Xã hội tiết kiệm được một người bức xúc chưa đúng cách, bức xúc chưa tích cực.
Anh là nhạc sĩ nhạc nhẹ được đánh giá cao bởi chuyên môn, vậy anh đánh giá thế nào về thị trường nhạc nhẹ hiện nay, khi mà thị trường nhạc nhẹ ngày càng sôi động, đòi hỏi tính giải trí cao?
– Nhạc nhẹ Việt Nam trước và sau dịch Covid-19 tôi thấy phát triển rất tốt. Vì sao tôi nói tốt là bởi chất lượng sáng tác tốt hơn ngày xưa. Tác giả bây giờ sáng tác đã được tiệm cận với thế giới từ trào lưu, xu hướng, công cụ âm nhạc, phối khí, sáng tác…
Chưa kể thông tin học thuật, nghiên cứu, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất…tất cả đều được bán, được chia sẻ rất nhiều trên mạng, các chương trình…đã nâng chất lượng âm nhạc lên một bậc. Về cơ bản, tôi cho là nhạc đương đại Việt Nam đang đáp ứng tốt khán giả Việt.
Còn các nghệ sĩ trẻ, họ rất giỏi, nắm vững tất cả các kỹ thuật, xu hướng. Họ bước vào nền công nghiệp âm nhạc từ sớm và đầy tự tin. Tôi cho đó là sự thay đổi rất thành công của nền nhạc đương đại. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt, ví như chiếc smartphone cũng có mặt lợi và có mặt hại. Trong âm nhạc cũng vậy, do đó việc sử dụng công nghệ cũng cần người nghệ sĩ có ý thức và đủ năng lực làm chủ công nghệ kỹ thuật và để khai thác thế mạnh, cái tốt của nó mà không bị lạm dụng kỹ thuật đó để đánh mất đi sự sáng tạo của bản thân.
Về việc đi theo trào lưu tôi cho là hoàn toàn bình thường, đó là nhu cầu của con người muốn bắt chước cái hay, vui, đẹp. Vì nhu cầu bắt chước đó mà chất lượng sản xuất, về nghệ thuật cũng tăng lên và có thêm nhiều, tạm gọi là sản phẩm hay, tốt để mọi người tiêu dùng.
Tôi vẫn cho rằng trong các lĩnh vực, nghệ thuật nào bây giờ cũng có phần mà mọi người vẫn gọi là âm nhạc thị trường, tôi nghĩ đó là các sản phẩm cho xã hội tiêu dùng, cho cộng đồng tiêu dùng. Nó rất cần và nếu sản phẩm đó tốt thì khán giả sẽ được hưởng lợi. Nhưng điều quan trọng nhất mà tôi băn khoăn, đó là nếu số đông chạy theo sản xuất hàng tiêu dùng thì sẽ có rất ít cái riêng, cá tính âm nhạc, thiếu những cá tính sáng tạo nổi bật.
Tôi ví dụ có 100 nhạc sĩ, ca sĩ tham gia vào sản xuất, hát âm nhạc chung cho đời sống tiêu dùng thì chỉ có 10% hoạt động sáng tạo cái mới, cái riêng.
Hay như ca sĩ hát show, đi hát event, hát theo yêu cầu thì ở điểm hát đó khán giả yêu cầu hát những bài hát này và dù hay, hay dở họ vẫn hát, hát để kiếm tiền chứ không phải họ hát điều họ thích. Nếu 90% ca sĩ đi hát như vậy, thì chỉ có rất ít phần trăm họ hát điều họ thích và như vậy thì ở khía cạnh nào đó khán giả không được lợi. Khán giả sẽ không được thưởng thức sự sáng tạo, tìm kiếm cái mới.
Tôi từng được nghe kể khi còn nhỏ, lúc được bố mẹ cho đi học nhạc, anh có hứa với mẹ mình: “Khi con 50 tuổi con sẽ là nhạc sĩ nổi tiếng”. Và quả thật, bây giờ anh đã là nhạc sĩ nổi tiếng, được nhiều khán giả yêu mến. Ngày đó, vì sao anh lại hứa chắc chắn với mẹ điều này và cho đến thời điểm hiện tại, anh còn hứa tiếp điều gì với mẹ mình?
– (Cười) Bây giờ tôi không hứa gì với mẹ nữa. Tôi nghĩ đó là lời hứa lớn nhất rồi. Đúng là ngày đó, khi tôi mới 15 tuổi, tôi có hứa với mẹ đến năm 50 tuổi con sẽ là nhạc sĩ nổi tiếng. Thời điểm đó tôi nói với mẹ như vậy bởi đó là giấc mơ vào đời của một thiếu niên với nhiều hoài bão.
Khi bố mẹ cho tôi đi học nhạc, tôi cảm giác như mình nhìn thấy một kho vàng, tôi say mê tới mức, chỉ biết tập đàn. Một ngày của tôi chỉ ăn, tập đàn. Sau đấy là những năm tháng tôi học đàn, học nhạc, phối khí, chơi nhạc và sau nữa là thi vào Nhạc viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam bây giờ là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam học sáng tác… Tôi học tất cả các kỹ năng với một sự đam mê và khổ luyện.
Tôi được biết, thời trẻ anh từng có biệt danh “Bảo điếc”, biệt danh này có vẻ không hợp lý lắm với một người làm nhạc chuyên nghiệp. Tại sao mọi người lại gọi anh như vậy?
– Tôi nghĩ, tôi ở thời điểm đó đã góp phần làm nên âm nhạc của tôi sau này. Lúc đó, tôi tham gia chơi nhạc, sản xuất các chương trình, sự kiện âm nhạc, làm ở quầy bar liên tục, có thể vì thế mà thính lực bị quá tải. Tôi còn nhớ, trong một lần tham gia với vai trò là trưởng ban nhạc chương trình của chú Ngọc Tân, sau khi kết thúc, về nhà, ngủ qua một đêm, sáng hôm sau tôi thấy tai mình đau nhói. Không hiểu do tổn thương hay kích ứng nhưng tai của tôi nghe âm thanh bị phóng đại gấp nhiều lần so với người bình thường. Tôi nghe đài ở mức bình thường cũng cảm thấy rất đau đầu, do vậy tôi phải nghỉ làm nhạc trong 2 năm.
Trong 2 năm đó, nếu ra đường tôi phải bịt tai lại. Thực sự, tôi đã bị sốc, bởi lúc đó tôi mới 19 tuổi, đang đứng ở vai trò trưởng ban phụ trách âm nhạc của một chương trình lớn, tiền kiếm khá nhiều. Rồi tôi chơi nhạc tại vũ trường cùng ban nhạc các anh Quốc Trung, Trần Mạnh Tuấn. Tương lai đang rộng mở nhưng giờ cánh cửa đóng sập, mọi thứ tối đen chỉ sau một đêm khiến tôi tuyệt vọng…
Hai năm tôi đi khám chữa mòn mỏi ở các bệnh viện nhưng không tìm ra cụ thể là bệnh gì và buộc phải sống chung với nó và rồi một ngày cơn ác mộng tan biến. Đó là hôm tôi đi xem nhóm Tam ca 3A hát ca khúc “Tháng ngày chờ mong” ở Làn Sóng Xanh tại Giảng Võ (Hà Nội). Tôi đi xem vẫn phải bịt bông vào tai nhưng nhìn thấy khán giả yêu thích và đón nhận bài hát nồng nhiệt, tôi rất vui. Đêm hôm đó về, tôi vui lắm, bởi lần đầu tiên một bài hát của mình vang lên trên một sân khấu lớn, thế rồi tôi đi ngủ và sáng hôm sau ngủ dậy, tai tôi trở về bình thường, như chưa từng xảy ra chuyện gì.
Có thể nói, âm nhạc đối với tôi là một phép màu, nó đầy đọa tôi xuống đáy vực thẳm của cảm xúc trong 2 năm và cũng tái sinh tôi sau một khoảnh khắc. Tất cả với tôi như một công tắc, chỉ diễn ra trong một đêm.
Nhưng cũng phải nói thêm, trong 2 năm nghỉ ở nhà (1997 – 1999), tôi đã sáng tác rất nhiều ca khúc. Sau này nhìn lại, tôi nghĩ thời gian bị bệnh là quãng thời gian siêu vô giá của tôi. Bởi âm nhạc cho tôi trải qua hai thái cực của cảm xúc, đó là tích cực và tiêu cực.
Đâu đấy trong đời sống người ta nói đến số mệnh cũng không sai. Hai năm đó, tôi nghĩ đó có thể là số mệnh của mình như vậy.
Có một điều tôi luôn nhắc nhở mình không được quên, dù mình có làm gì đi chăng nữa, sáng tác hay đóng góp nhiều thế nào trong âm nhạc, thì cũng đều là việc làm nhỏ bé trong cuộc sống bao la này. Tôi chỉ mong luôn được thanh thản trong công việc của mình, không kiêu hãnh, biết rõ mình làm gì và thấy hạnh phúc khi đi theo con đường mình đã chọn.
Cảm ơn nhạc sĩ Đỗ Bảo về cuộc trò chuyện này!
Leave a Reply