An Giang là tỉnh đầu nguồn 2 dòng sông nổi tiếng, vẫn còn mùa nước nổi, sao mùa cá hội cứ mất dần?

Sông nước An Giang vẫn thế, vẫn con nước lớn, nước ròng, vẫn mùa nước nổi (còn gọi mùa lũ) tràn về, vẫn nhiều ngư dân ra sông nhưng đã đầy lo toan. 

Lúc trước, ngư dân mang chài, lưới ra sông, ra đồng là bắt vô số nhóm cá bản địa như cá da trơn (cá lăng, cá hú, cá ba sa, cá vồ đém, cá giáo…), họ cá linh, họ cá chốt, họ cá trèn, họ cá lòng tong, cá thiểu, cá heo, cá mè vinh, cá sát, cá lóc, cá rô, cá sặc, cá ngựa, cá sơn, cá rô biển, cá lưỡi trâu… 

Còn bây giờ, họ đánh bắt trong thấp thỏm vì nhiều lần về tay không.

Mất dần mùa cá hội

Loài cá giảm dần đi, cùng theo đó là những mùa cá hội độc đáo biến mất, như mùa hội cá leo trong đầu mùa nước nổi, mùa cá hô hội sau Tết cổ truyền, mùa cá ngựa “phi” khi nước nổi vào đồng… 

Ông Phan Văn Thứ, ngụ xã Bình Thủy, huyện Châu Phú nổi tiếng về tài nghệ bắt cá hô kể, gọi là mùa cá hô hội vì những ngày sau Tết, ra bến sông Vàm Nao sẽ thấy bóng cá bơi lượn lờ, chúng nhào lên lộn xuống mặt nước gây tiếng động lớn như bom nổ. 

An Giang nhiều sông, kênh rạch nhưng có lẽ do Vàm Nao có nhiều hố ngầm sâu nên loài cá khổng lồ mới kéo về đây trú ẩn, bắt cặp hội nhau sinh sản! 

Vì thế, làng săn cá hô miệt này nổi tiếng khắp vùng đồng bằng, lúc đó cá hô chưa có tên trong Sách đỏ Việt Nam nên việc đánh bắt loài cá hiếm này chưa bị cấm.

Cá hô ở Vàm Nao rất to, một con thường nặng từ 80 kg trở lên, có con cân nặng hơn 150 kg. Giải nghệ hơn 20 năm vì cá hô không còn nhưng ông Thứ vẫn nhớ rõ cảm giác nôn nao khi bắt chúng.

Bắt được con cá hô to như nuôi được con lợn đến lúc xuất chuồng. Trước kia, tập tục ở vùng sông nước này quy ước: Ai thấy nơi cá hô hay lên ngớp chỉ lại cho những người săn cá hô thì khi bắt được cá cũng có phần. Ngư dân nào lần đầu tiên bắt cá hô thì con cá đó dù to hay nhỏ phải khao cả con cho hết xóm.

An Giang đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu, mùa nước nổi sao chả thấy cá hội, cá hô sách Đỏ đi đâu mất?- Ảnh 1.

Đánh bắt cá linh trong mùa nước nổi vùng đầu nguồn An Giang.

Ông Thứ kể, Bình Thủy là vùng cù lao ngăn cách sông nước nên việc tiêu thụ một con cá khổng lồ không phải dễ dàng. Lúc đó, ngư dân xẻ thịt cá bán cho dân trong vùng, quy ra tỷ lệ trả bằng gạo hay thóc. 

Rồi sau này, nhiều nơi biết danh tiếng làng cá hô nên đến mua đưa về các nhà hàng lớn vì thịt chúng chế biến ngon. Làng cá hô Bình Thủy dùng lưới dài 50 m, bề xuống khoảng 70 m, mắt lưới to 4,5 tấc để bắt các loại cá hô lớn. 

Cá hô rất kỳ lạ, chúng to lớn nhưng săn bắt được chúng phải có cái duyên vì không phải ngư dân nào giăng lưới là bắt được. 

Nhưng vì thế như cái nghiệp, người nào bắt cá hô thì bắt cá khác lại không dính. Thế nên sau khi buông bỏ cá hô, những tay săn cá vang bóng một thời đoạn tuyệt nghề bà cậu, chuyển lên bờ sống bằng ruộng rẫy.

Rồi mùa cá hô hội tan tác, sông Vàm Nao mất biệt cá hô, cá hô ngày này đã sinh sản nhân tạo thành công nhưng để có được con cá hô khổng lồ như cá hô Vàm Nao là cả một quá trình. 

Làng cá hô dần phai nhạt trong ký ức người cao niên, cảnh sôi động vào mùa hội cũng không còn. Cùng với đó, mùa hội các loài cá khác cũng tàn theo. Như mùa cá ngựa sông hội, các ngư lão lại bồi hồi nhớ loài cá lạ lùng phóng nhảy như ngựa nên ngư dân đặt tên cá ngựa. 

Thập niên 80 đến 90 thế kỷ trước, ngư dân độ tuổi nào cũng đều biết loài cá ngựa nhưng bây giờ nhiều ngư dân còn trẻ xa lạ loài cá này. Cá ngựa nước ngọt cân nặng lớn nhất 2 kg/con, chúng là cá có vảy, có vây kỳ mầu đỏ, miệng rộng và răng kim lởm chởm rất hung dữ hay rượt bắt các loài cá nhỏ ăn.

An Giang đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu, mùa nước nổi sao chả thấy cá hội, cá hô sách Đỏ đi đâu mất?- Ảnh 2.

Cá hô nuôi trong ao ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

Lão ngư Nguyễn Văn Ngáo ở xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang kể, lúc trước mùa nước nổi về là mùa cá ngựa hội, từ sông lớn chúng phóng rào rào vào những đồng ngập nước bắt cặp sinh sản. 

Ngư dân bắt chúng phải bắt khác với cá thường, đó là giăng lưới trên khỏi mặt nước từ 1 m mới dính chúng. Nhưng ông nói, đó đã là chuyện xưa vì về sau, đê bao khép kín xứ cù lao nên nước nổi cũng không vào đồng. Từ đó, ngư dân không còn chứng kiến được mùa cá ngựa “phi”.

Bảo vệ cá sông

Sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao đoạn chảy qua An Giang ngoài cá hô khổng lồ còn có các loài cá to lớn khác như cá tra dầu, cá vồ cờ, cá đuối nước ngọt, cá lăn chiên… 

Nhưng ngày nay, các loài cá khổng lồ ấy thi thoảng mới xuất hiện. Các ngư dân bùi ngùi, những dòng sông theo quy luật vẫn nước lớn, nước ròng nhưng dòng nước không còn cưu mang được tôm cá tự nhiên. 

Ngày trước, mang lưới, chài, cần câu đi là chuyến về bắt cá ngựa sông, cá hô, cá bông lau, cá hú, cá rô biển… vài chục cân là chuyện bình thường. Còn ngày nay, bắt được vài ba con cũng mừng.

Anh Nguyễn Văn Nhân, ngụ phường Mỹ Quý, thành phố Long Xuyên khi ra chợ thấy cá rô biển mừng lắm cân mua hết 4 ký với giá 100.000 đồng/kg. Cá rô biển ngày trước nhiều lắm, dễ bắt, chỉ chế biến được món cá chiên và kho, lại nhiều xương nên ít ai ăn. Vậy mà giờ đây lại thành hàng hiếm, thỉnh thoảng các chợ cá mới có bán.

An Giang có hai nhóm cá gồm cá đen và cá trắng. Cá linh chiếm hơn 70% tổng lượng khai thác của ngư dân, đồng thời chúng cũng là nguồn thức ăn cho cá trắng và cá đen. 

Nói đến cá linh, ngư dân Phan Văn Dũng, ngụ xã Nhơn Hưng, thị xã Tịnh Biên kể: “Năm 1970 đến 1990 cá linh nhiều lắm, chài dính cá nhiều quá gỡ không xuể nên phải rũ chài thật mạnh cho cá văng ra khỏi các mắt lưới. Khi mùa nước nổi về là lúc cá linh non từ thượng nguồn vào đồng trốn sóng gió. 

Đến tháng 11, nước từ đồng rút ra sông biển là lúc cá linh lớn bằng ngón tay cái. Cá bơi bầy bầy, lội rào rào xanh mặt nước nên đánh bắt kiểu nào cũng dính. 

Ngư dân bắt cá bán cho các cơ sở, người dân trong vùng ủ làm nước chấm thương hiệu cá linh ngon nức tiếng. Cá linh ủ trong lu, trong khạp da bò gặp nắng nóng thì rục xương càng mau, còn gặp mưa dầm ủ rất lâu”.

Nhưng ông Dũng nói, từ năm 1996 trở về sau nguồn cá linh giảm dần, cảnh ngồi trên xuồng ghe nghe cá lội rào rào xanh mặt nước không còn. Cá linh nhiều xương nên lúc trước ít ai ăn, chủ yếu làm nước mắm bán nhưng bây giờ cá linh là món ăn ngon được ví là “đặc sản mùa nước nổi”. 

Nhưng điều ông Dũng lo lắng là, mùa nước nổi ngày càng cực đoan nên nguồn cá linh giảm sút đã tác động đến cuộc sống của đời ngư dân như ông. 

Mùa nước nổi rút, ngư dân bắt được cá linh nhưng so với thời trước số lượng đánh bắt chỉ bẳng một phần mười. Và theo luật tương tác, nghề cá giảm đã tác động tiêu cực đến các làng nghề lưỡi câu, đan lưới, đan lờ lọp…

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, sản lượng khai thác thủy sản tự nhiên của tỉnh theo từng năm giảm dần, cụ thể, năm 2001 hơn 96 nghìn tấn nhưng đến năm 2011 chỉ còn hơn 41 nghìn tấn, năm 2021 là 14,8 nghìn tấn. 

Ông Trần Anh Dũng, Chi Cục trưởng Thủy sản tỉnh An Giangcho biết, nguồn thủy sản giảm do ngư dân sử dụng nhiều lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hay xung điện kết hợp với ngư cụ; đánh bắt trong mùa vụ sinh sản của cá, đánh bắt nhiều cá con… 

Rồi cá giảm cũng do việc xây đập các thượng nguồn tác động đến chu trình di cư, sinh đẻ của chúng và diện tích ngập lũ tự nhiên của tỉnh giảm dần hằng năm do sản xuất lúa ba vụ. 

Quá trình đô thị hóa nông thôn, các khu công nghiệp phát triển nhiều, các vùng nuôi thủy sản quy mô lớn cũng hình thành, do vậy vùng nước ngập lũ tự nhiên để chúng di cư từ thượng nguồn về sinh sản, sinh trưởng còn lại rất ít làm giảm khả năng tự phục hồi.

Do đó, Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang đang tính toán tổ chức lại hoạt động khai thác nội địa hợp lý, phù hợp với điều kiện tự nhiên, lợi thế về nguồn lợi thủy sản, đặc điểm sinh kế của cộng đồng dân cư từng địa phương; tiến tới loại bỏ hẳn các loại hình, phương tiện mang tính hủy diệt như sử dụng xung điện, hóa chất độc…

Ngành chức năng cũng tính đến việc xây dựng, tổ chức các mô hình đánh bắt theo hình thức đồng quản lý, kết hợp bảo vệ và phát triển nguồn cá; chọn lọc, khôi phục các loại nghề, ngư cụ đánh bắt truyền thống hiệu quả, thân thiện với môi trường hệ sinh thái thủy vực, không tận diệt…


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *