Nuôi cá nước lạnh – hướng đi làm giàu đúng của 3 anh em người Mông
Tại địa bàn tỉnh Yên Bái, tận dụng lợi thế về nguồn nước, khí hậu, thời tiết, hiện nay huyện Mù Cang Chải đã có nhiều mô hình nuôi cá nước lạnh, hình thành chuỗi liên kết, trở thành sản phẩm đặc trưng mang lại thu nhập ổn định cho người dân vùng cao, trong đó mô hình nuôi cá hồi, cá tầm của 3 anh em người Mông Hờ A Sử, Hờ A Rùa và Hờ A Cha (ở bản Làng Sang, xã Nậm Khắt) là một điển hình.
Mô hình nuôi cá hồi, cá tầm của 3 anh em người Mông do người em A Sử khởi xướng xây dựng từ năm 2021 sau 7 năm ấp ủ. “Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, với mong muốn tận dụng lợi thế ‘thiên nhiên ban tặng’ để làm giàu trên mảnh đất quê hương, tôi đã tìm hiểu và đến Sa Pa (Lào Cai) học tập và nghiên cứu việc nuôi cá nước lạnh”, A Sử nói và cho biết khi đã có kinh nghiệm anh đã bàn với 2 anh trai cùng nhau góp vốn thực hiện mô hình.
Tin tưởng người em và cũng đã có thời gian nghiên cứu mô hình nuôi cá nước lạnh, 3 anh em nhà A Sử đã góp vốn, đầu tư trên 400 triệu đồng để san tạo mặt bằng xây ao và mua 4.000 con cá hồi giống về nuôi thử nghiệm.
Sau gần một năm, trên 2 tấn cá thịt đã được các anh xuất bán ra thị trường với tổng số tiền thu về trên 400 triệu đồng, trừ chi phí 3 anh em còn hơn 100 triệu đồng tiền lãi. Số hàng đầu tiên bán được đã tạo động lực, khuyến khích và giúp cho 3 anh em tiếp tục mở rộng trang trại nuôi cá nước lạnh.
“Ở xã Nậm Khắt của chúng tôi nguồn nước nhiều, thuận lợi và mát mẻ hơn Sa Pa nên tôi bảo các anh cùng nhau nuôi cá. Năm 2023 đã nuôi được và có sản phẩm bán ra thị trường. Tuy nhiên, hiện nay mương nước và đường đi hẹp nên còn nhiều khó khăn. Chúng tôi muốn được Nhà nước hỗ trợ làm đường, được hỗ trợ vốn để mở rộng mô hình”, anh A Sử bày tỏ.
Trước những khó khăn phải đối mặt, nhưng 3 anh em Hờ A Sử, Hờ A Rùa và Hờ A Cha vẫn quyết tâm tận dụng lợi thế nguồn nước, khí hậu, thời tiết để làm giàu cho chính mình. Theo các anh, việc nuôi cá nước lạnh không vất vả như sản xuất nông nghiệp, nhưng lại có giá trị kinh tế cao hơn nhiều. Từ đó, đầu năm 2024, 3 anh em lại tiếp tục đầu tư xây thêm 2 bể và mua 4.000 con cá hồi, 3.000 con cá tầm về nuôi. Đến nay cá tầm đã đạt trọng lượng khoảng 1kg/con và hứa hẹn sẽ đem lại thu nhập cao cho gia đình.
“Tôi thấy việc nuôi cá nước lạnh như này không vất vả so với trồng lúa, trồng ngô và chăn nuôi khác, cứ nuôi khi nào đủ trọng lượng là bán, thị trường tiêu thụ tốt. Tuy nhiên, nuôi cá này đòi hỏi kỹ thuật cao hơn so vật nuôi khác. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ mở rộng quy mô về ao và mua thêm con giống để nuôi và tạo công ăn việc làm cho các thành viên trong gia đình”, anh Hờ A Cha cho hay.
Sẽ nhân rộng mô hình nuôi cá nước lạnh đến các thôn
Hiện nay, ngoài nuôi cá nước lạnh, trên địa bàn xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế đem lại hiệu quả cao như: Mô hình trồng hoa hồng, trồng nấm; cà chua, ớt…
Qua các mô hình đã tạo công ăn việc cho hàng trăm lao động là người địa phương có thu nhập ổn định. Chính quyền địa phương cũng đang khuyến khích mở rộng các mô hình theo hướng hàng hóa.
Ông Lý A Sấu Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt, Mù Cang Chải khẳng định, trong nhiều năm trở lại đây trên địa bàn xã đã có nhiều thanh niên tự tìm tòi, học hỏi phát triển các mô hình. Điển hình trong 2 năm trở lại đây có mô hình của anh em anh Hờ A Sử. Ban đầu cũng rất bỡ ngỡ tuy nhiên sau 1 năm mô hình cho thấy hiệu quả kinh tế rất cao.
“Chúng tôi xác định, điều kiện của xã rất thuận lợi cho các mô hình như thế này nên tới đây chúng tôi sẽ nhân rộng đến các thôn nhất là các thôn đầu nguồn nước. Cho thanh niên đến mô hình của 3 anh em để học hỏi, hơn nữa có thể tổ chức học hỏi tại các tỉnh bạn”, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt nhấn mạnh.
Có thể nói, mô hình nuôi cá nước lạnh của 3 anh em Hờ A Sử, Hờ A Rùa và Hờ A Cha đã thể hiện được sự quyết tâm làm giàu của người dân vùng cao. Qua đó cho thấy nhận thức của người dân trong việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Leave a Reply