Sớm đưa vào chương trình tiêm bắt buộc
Là địa phương đang là điểm nóng về dịch tả lợn châu Phi, ông Đỗ Xuân Việt – Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn cho rằng: Tính đến nay toàn tỉnh đã có khoảng 16.0000 con lợn bị dịch và buộc phải tiêu hủy. Dù địa phương đã triển khai rất quyết liệt nhiều biện pháp nhưng vẫn chưa ngăn được đại dịch lây lan.
Ông Việt cho biết, song song với công tác phòng chống dịch, dập dịch tại các địa phương. Bắc Kạn cũng xác định biện pháp tiêm phòng vaccine cho đàn lợn sẽ là giải pháp hữu hiệu để phòng dịch.
Theo đó, mới đây, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành kế hoạch triển khai đồng loạt tiêm vaccine phòng, chống dịch tả lợn châu Phi năm 2024. Từ ngày 12/7 đến ngày 30/8/2024, tỉnh Bắc Kạn triển khai tiêm vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi đồng loạt trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Bắc Kạn tập trung và ưu tiên tiêm phòng thứ tự các vùng, từ địa bàn các thôn, xã chưa có bệnh dịch tả lợn châu Phi, đến các xã, phường, thị trấn đã công bố hết dịch và địa bàn các thôn chưa có dịch thuộc các xã đã công bố dịch (nếu hộ dân có nhu cầu).
Hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi lựa chọn, sử dụng một trong hai loại vaccine đã được cấp phép lưu hành gồm: vaccine NAVET- ASFVAC của Công ty CP Thuốc thú y Trung ương NAVETCO nghiên cứu, sản xuất và vaccine AVAC ASF LIVE của Công ty CP AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất.
Theo ông Việt, để kế hoạch tiêm phòng triển khai đạt hiệu quả, Sở NNPTNT tỉnh chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp UBND các huyện, thành phố kiểm tra, giám sát và hướng dẫn kỹ thuật, cử cán bộ chuyên môn hỗ trợ xử lý sự cố trong quá trình tiêm phòng vacine dịch tả lợn Châu Phi tại cơ sở.
“Kế hoạch tiêm phòng đã được tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai từ đầu năm nhưng do lực lượng mỏng nên các huyện, thị không triển khai được. Đợt tiêm phòng mới này, chúng tôi đã triển khai quyết liệt và bài bản hơn để giúp người dân phòng, chống hiệu quả dịch tả lợn châu Phi”, ông Việt khẳng định.
Cũng theo ông Việt, sau khi triển khai tiêm phòng toàn tỉnh, đến thời điểm này tại một số huyện đã có báo cáo về con số tiêm phòng khá tích cực. Cụ thể như tại huyện Bạch Thông đã tiêm được khoảng 500 con.
Để công tác tiêm phòng đạt hiệu quả cao hơn, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn kiến nghị Cục Thú y sớm đưa vaccine dịch tả lợn châu Phi vào diện tiêm phòng bắt buộc, có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn về kinh phí để khuyến khích người dân yên tâm tiêm phòng nhiều hơn.
“Khi đưa vaccine mới vào diện tiêm phòng bắt buộc, chúng ta vừa cho chính sách hỗ trợ vừa có chế tài để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm tiên phòng. Hiện giờ việc tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi mới ở mức kêu gọi, khuyến cáo chung chung sẽ khó thực hiện, người dân vẫn còn tâm tư, băn khăn khi tiêm phòng”, ông Việt nói.
Cần cho loại vaccine tiêm cho nhiều đối tượng lợn
Trao đổi với chúng tôi, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng cho biết, sau khi có khuyến cáo của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), Hà Nội đã có văn bản gửi xuống các huyện cho người dân tự tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi.
Theo ông Đảng, hiện Hà Nội chưa có chủ trương tiêm cho đàn lợn thương phẩm mà chỉ dùng vaccine dùng cho đàn lợn từ 6 đến 10 tuần tuổi. Từ trước đến nay, Hà Nội mới hỗ trợ các loại vaccine cho đàn nái, đực giống.
“Dù Hà Nội có tổng đàn lợn lớn khoảng 1,47 triệu con nhưng nhiều năm nay, tại các vùng của Thủ đô không xảy ra các ổ dịch lớn, nghiêm trọng mà hàng năm chỉ xuất hiện các ổ dịch nhỏ và đã được địa phương xử lý kịp thời. Tuy vậy, thành phố vẫn thường xuyên khuyến cáo người dân phải chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp với tiêm vaccine để phòng, chống hiệu quả đại dịch nguy hiểm.
Đối với vaccine dịch tả lợn châu phi, chúng tôi chỉ khuyến cáo người dân tự lựa chọn các loại vaccine gồm NAVET- ASFVAC và AVAC ASF LIVE để tiêm theo quy định. Như vậy, người dân phải tự bỏ tiền ra mua vaccine để tiêm chứ thành phố chưa có chủ trương hỗ trợ”, ông Đảng khẳng định.
Về chính sách hỗ trợ tiêm phòng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho rằng: Do Hà Nội có đàn lợn, gia cầm thương phẩm rất lớn nên từ trước đến nay thành phố không có chủ trương hỗ trợ tiêm phòng với các các loại vaccine.
Phóng viên hỏi: Theo ghi nhận của chúng tôi tại các vùng chăn nuôi, hiện người nuôi lợn vẫn còn tâm lý e ngại mua sử dụng vaccine mới khiến tỷ lệ tiêm phòng còn rất thấp, ông có nhìn nhận gì về tình trạng này?
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng khẳng định: Đó là thực tế, hiện vaccine dịch tả lợn châu Phi chưa được đưa vào diện tiêm bắt buộc mà chỉ ở mức khuyến cáo thì người dân tự chủ động mua để tiêm cho lợn. Khi bà con phải bỏ tiền ra mua vaccine thì họ phải tự chịu trách nhiệm với tài sản của mình nên người dân phải tính toán, cẩn thận hơn. Theo đó, khi có trại mua sử dụng như thế nào họ sẽ truyền tai nhau, nếu vaccine hiệu quả bà con sẽ mua tiêm nhiều.
“Điều này, chúng ta phải chấp nhận, vì cái gì mới đưa vào áp dụng trong thực tế cũng khó và phải mất thời gian. Sau này khi vaccine ổn định hon và Bộ NNPTNT đưa ra văn bản đưa vaccine dịch tả lợn châu phi vào diện tiêm bắt buộc như tai xanh, lở mồm long móng thì người dân sẽ cảm nhận và tiếp nhận tốt hơn”, ông Đảng nói thêm.
Ông Trương Văn Mùi, đại diện một doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn ở Ninh Bình cho rằng: Tiêm vaccine là giải pháp hiệu quả nhất để phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam mới chỉ có 2 loại vaccine tiêm cho lợn từ 6 đến 10 tuần tuổi, trong khi đó, điều nhiều người chăn nuôi lợn cần nhất lúc này là vaccine tiêm cho lợn thương phẩm, nái, đực giống.
“Nhu cầu tiêm vaccine cho lợn nái rất cao nên nhiều người dân vẫn chưa mặn mà với 2 loại vaccine mới. Chúng tôi rất mong, nhà nước sớm đưa các loại vaccine tiêm được cho nhiều đối tượng lợn ra thị trường để người dân yên tâm sử dụng cho chăn nuôi an toàn hơn”, ông Mùi kiến nghị.
Về phía nhà sản xuất vaccine dịch tả lợn châu phi, bà Nguyễn Thị Kim Lan – Tổng Giám đốc Công ty CP Thuốc thú y Trung ương Navetco khẳng định: Khâu quan trọng đầu tiên là chúng ta phải làm tốt công tác tuyên truyền về hiệu quả của vaccine dịch tả lợn châu Phi. Để làm tốt khâu này, một mình chúng tôi không thể tự làm được hết mà cũng cần có sự phối hợp của hệ thống thú y từ trung ương đến địa phương và các cơ quan truyền thông.
Sau khi vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi NAVET-ASFVAC được công bố lưu hành, công ty đã phối hợp với 63 tỉnh, thành tổ chức tuyên truyền, phổ biến về kết quả nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vaccine mới giúp nâng cao nhận thức của người dân về mức độ nguy hiểm của dịch tả lợn châu Phi và các hiệu quả khi sử dụng vaccine mới để tiêm phòng, bảo vệ đàn lợn.
Từ đầu năm đến nay, Navetco đã triển khai tiêm khoảng gần 200.000 liều tại các tỉnh, thành. Trong quá trình triển khai tiêm phòng, đơn vị đều công khai giá để người dân biết và yên tâm sử dụng vaccine mới.
“Chúng tôi cũng rất mong nhà nước sớm đưa ra cơ chế, chính sách hỗ trợ rủi ro sau tiêm phòng để các địa phương thuận tiện trong việc hỗ trợ người dân chăn nuôi lợn tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi đạt hiệu quả cao hơn, phòng chống dịch tả lợn châu Phi tốt hơn”, bà Lan đề nghị thêm.
Leave a Reply