“Bão” Dịch tả lợn châu Phi quét qua: Tiêm vắc xin, tấm “lá chắn” phòng Dịch tả lợn châu Phi hiệu quả (Bài cuối)

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) khẳng định: Tiêm vắc xin là tấm “lá chắn” phòng Dịch tả lợn châu Phi hiệu quả.

  Ông đánh giá như thế nào về tình hình Dịch tả lợn châu Phi hiện nay? 

 – Đến ngày 23/7/2024, cả nước có 342 ổ dịch thuộc 91 huyện của 25 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy tại các địa phương này là 35.441 con. Trong đó, có một số tỉnh, dịch diễn biến rất phức tạp. 

Ví dụ, tại Bắc Kạn, từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xảy ra trầm trọng và đang diễn biến phức tạp ở trên 90% địa phương cấp xã của tất cả 8/8 địa bàn cấp huyện của tỉnh Bắc Kạn, buộc tiêu hủy trên 16.500 con lợn, chiếm hơn 33% số lợn bị tiêu hủy do bệnh DTLCP của cả nước; tiếp đến là tỉnh Lạng Sơn, dịch bệnh đã xuất hiện tại 154 xã của tất cả 11/11 địa bàn cấp huyện, buộc tiêu hủy hơn 13.700 con lợn, chiếm 28%. 

 Trước nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng, ngày 06/12/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố “Tập trung chỉ đạo, ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo quy định của pháp luật về thú y, chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (tại các Chương trình, Kế hoạch quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các Công điện, Chỉ thị đã ban hành) và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó đẩy mạnh việc tiêm vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên đàn lợn thịt”. 

 Ngay khi Dịch tả lợn châu Phi có dấu hiệu diễn biến phức tạp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, yêu cầu các địa phương vào cuộc quyết liệt. Cụ thể, ngày 16/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện số 58/CĐ-TTg về việc tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. 

Tiếp đó ngày 14/7/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Về phía Bộ NNPTNT cũng đã thường xuyên, liên tục có cảnh báo, chỉ đạo và yêu cầu để kiểm soát dịch bệnh trên vật nuôi, đặc biệt là Dịch tả lợn châu Phi. 

Nông dân huyện Mỹ Đức (TP.Hà Nội) tiêm phòng vắc xin Dịch tả lợn châu Phi đã mang lại hiệu quả thiết thực. Ảnh: T.Quân.

 Trong tháng 6 và những ngày vừa qua của tháng 7, Bộ NNPTNT ban hành liên tiếp các gửi các địa phương: tỉnh Hòa Bình, tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Bắc Kạn, tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi. 

 Ngày 2/7/2024, Bộ NNPTNT ban hành Công văn số 4687/BNN-TY gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh trên đàn vật nuôi. 

 Ngày 10/7/2024, NNPTNT ban hành Tờ trình số 4885/TTr-BNN-TY trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 14/7/2024 về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi. 

 Đặc biệt Bộ NNPTNT đã thành lập trên 35 đoàn công tác đến 35 tỉnh, thành phố kiểm tra thực tế, chỉ rõ nhiều nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh Dịch tả lợn châu Phi lây lan diện rộng và nguy cơ tiếp tục diễn biến phức tạp và yêu cầu các địa phương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ NNPTNT. 

 Theo ông, nguyên nhân khiến dịch bệnh Dịch tả lợn châu Phi lây lan và diễn biến phức tạp là gì? 

– Qua kiểm tra cho thấy có trách nhiệm rất lớn của chính quyền các cấp còn rất chủ quan, lơ là, nhất là người đứng đầu chính quyền khi không kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đầy đủ, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh đã được quy định, chỉ đạo rất đầy đủ của Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và PTNT; Không hoặc chậm bố trí kinh phí triển khai phòng chống dịch bệnh, đùn đẩy giữa các cấp, tỉnh đẩy cho huyện, huyện đẩy cho xã trong khi xã thì không có nguồn lực; Không hoặc chậm công bố dịch bệnh, điển hình như Bắc Kạn, Lạng Sơn,… và cũng không tổ chức kiểm soát vận chuyện lợn, sản phẩm của lợn ra, vào vùng dịch, dẫn đến tình trạng bán chạy, giết mổ lợn bệnh, nghi mắc bệnh làm dịch bệnh lây lanh nhanh, ở phạm vi rộng; Đặc biệt không hoặc chậm chỉ đạo tổ chức tiêm vắc xin; Không kiện toàn hệ thống thú y cấp xã, huyện dẫn đến các cấp thi nhau ban hành văn bản nhưng không có người thực hiện;… 

 Đánh chú ý, ở nhiều địa phương vẫn còn tình trạng người dân bán chạy lợn bệnh, nghi mắc bệnh, người mua lợn và phương tiện vận chuyển lợn làm dịch bệnh lây lan diện rộng, công tác quản lý giết mổ, vận chuyển lợn trong vùng dịch chưa thực hiện theo quy định. Mặc dù đã có vaccine Dịch tả lợn châu Phi nhưng các địa phương và người chăn nuôi chưa tổ chức tiêm phòng cho đàn lợn thịt; công tác giám sát, phát hiện, báo cáo dịch bệnh chưa kịp thời. 

Tiêm vắc xin Dịch tả lợn châu Phi tại huyện Phù Yên, Sơn La. Ảnh: CMK

 Để phòng chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi, theo ông cần những giải pháp gì? 

 – Trong các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NNPTNT cũng đã nêu rất rõ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; trong đó, các địa phương cần tập trung nguồn lực của địa phương, kịp thời hỗ trợ, bố trí kinh phí cho chính quyền cấp xã tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch do bệnh Dịch tả lợn châu Phi, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết do bệnh; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp bán chạy, buôn bán, vận chuyển lợn bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường; thực hiện nghiêm việc giết mổ, kiểm dịch vận chuyển lợn trong vùng dịch theo đúng quy định. 

 Hướng dẫn người chăn nuôi hàng ngày áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh; yêu cầu và có biện pháp bảo đảm chủ hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy do dịch bệnh thực hiện đầy đủ việc sát trùng, vệ sinh, tiêu độc để tiêu diệt mầm bệnh, không để phát tán làm lây lan dịch bệnh. 

 Rà soát, yêu cầu các lực lượng tham gia chống dịch áp dụng nghiêm các biện pháp bảo hộ cá nhân, vệ sinh, sát trùng, tiêu độc để không làm lây lan dịch bệnh trong quá trình xử lý, vận chuyển, tiêu hủy lợn bệnh; có biện pháp xử lý các hố chôn lợn bệnh không làm phát sinh ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh. 

 Một giải pháp rất quan trọng và cần làm ngay là các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 14/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất rõ việc rà soát, thống kê cụ thể, chính xác tổng đàn lợn và số lượng đàn lợn thịt đã được tiêm vắc xin phòng bệnh DTLCP; trên cơ sở đó phê duyệt kế hoạch, ưu tiên bố trí kinh phí mua vắc xin tập trung và tổ chức tiêm phòng đồng bộ, cùng thời điểm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ NNPTNT tại Công văn số 4870/BNN-TY ngày 24/7/2023 về việc sử dụng vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. 

 Thực tế, để tổ chức tiêm vắc xin thương mại, Cục Thú y và các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y 40 tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp tổ chức tiêm phòng giám sát, kết quả đã có hơn 650.000 liều vắc xin được sử dụng, chất lượng đạt 100%. Lợn sau tiêm phòng đều khỏe mạnh và sinh trưởng bình thường, đáp ứng miễn dịch sinh kháng thể cao, đạt trung bình trên 95%. 

 Đến nay, các doanh nghiệp đã sản xuất, cung ứng ra thị trường 5,7 triệu liều vắc xin phòng bệnh. Trong đó, nhiều địa phương đã tiêm vắc xin nên đã kiểm soát tốt dịch bệnh như tỉnh Cao Bằng, Sơn La, Bến Tre, Trà Vinh. 

Ngay tại tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Lạng Sơn, nhiều hộ chăn nuôi đã tiêm vắc xin nên đàn lợn của họ đều được bảo hộ an toàn, phát triển tốt và nhiều hộ đã xuất bán, trong khi các hộ xung quanh không tiêm nên các đàn lợn đều đã bị bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy. 

Như vậy, đến nay khẳng định vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi đã được chứng minh an toàn và có hiệu quả phòng bệnh rất tốt trong thực tiễn sản xuất tại nhiều địa phương trên phạm vi cả nước. Các ổ dịch phát sinh thời gian qua chủ yếu tại những địa bàn chưa tiêm vắc xin. 

Do vậy, ngoài các giải pháp an toàn sinh học, thì theo tôi, tiêm vắc xin Dịch tả lợn châu Phi vẫn là tấm “lá chắn” phòng bệnh hiệu quả nhất. 

 Xin chân thành cảm ơn ông!  


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *