Chiều 15/4, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh một bé gái đang nằm thì bị một cậu bé hàng xóm 6 tuổi sang gọi. Sự việc xảy ra ở Thái Nguyên.
Tuy nhiên, sau đó bé gái 3 tuổi bị cậu bé hàng xóm đánh túi bụi nhiều lần vào mặt, người. Bé gái nằm đau đớn, khóc thét mà không có người lớn can thiệp.
Không chỉ đánh, cậu bé này còn cầm dây quật liên tiếp vào người, thậm chí kéo quần bé gái này ra để đánh và cắn.
Toàn bộ vụ việc đã được camera của gia đình ghi lại và chia sẻ lên mạng xã hội. Theo nội dung chia sẻ, vụ việc xảy ra vào 15h ngày 14/4. Lý do xảy ra vụ bạo hành này chỉ là bé trai hàng xóm chạy vào gọi bé gái dậy nhưng không được nên đã đánh.
Bé gái bị bé trai hàng xóm đánh. Clip: MXH
Theo chia sẻ của gia đình, hôm xảy ra vụ việc là ngày Chủ nhật nên 2 con ở nhà được mẹ và bà nội trông. Sau khi ngủ trưa, bà nội dậy trước còn bé gái vẫn nằm. Cậu bé hàng xóm sang chơi, con trai lớn của gia đình đi cùng cậu bé này, thấy em gái vẫn đang ngủ nên vào gọi không được, cậu đã có hành động đánh đập bé.
Gia đình cho biết, trước đây cậu bé hàng xóm từng nhiều lần có hành động bạo hành khác. Gia đình đã nhắc nhở bố mẹ cậu bé dạy bảo con. Thời gian gần đây không xảy ra chuyện gì khiến gia đình chủ quan. Khi thấy em gái bị đánh, anh trai của bé đã đi gọi bà nội mới biết để vào can ngăn.
Trao đổi với PV báo Dân Việt, TS Chu Thị Hồng Nhung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Khoa học Giáo dục, giảng viên Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay: “Xem clip tôi rất bất bình về hành vi này. Một đứa trẻ 6 tuổi bạo hành liên tiếp lên đứa trẻ khác một phần do người lớn không chỉ bảo đến nơi đến chốn, cũng có thể do ảnh hưởng bởi hành vi của bố mẹ, mọi người xung quanh nên cậu bé ấy đã bắt chước”.
TS Hồng Nhung cũng nhấn mạnh: “Quyền trẻ em là tất cả những gì trẻ em cần có để được sống và lớn lên một cách lành mạnh và an toàn.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, trẻ em là các đối tượng dưới 16 tuổi (Điều 1, Luật trẻ em 2016) có rất nhiều chuyển biến và non nớt về thể chất, tâm sinh lý, do vậy, đây là nhóm xã hội dễ bị tổn thương, cần được quan tâm, bảo vệ và đảm bảo các quyền hợp pháp theo quy định.
Bên cạnh đó, chính bố mẹ cũng phải đảm bảo quyền của trẻ em, hướng dẫn con tự bảo vệ bản thân và đặc biệt không xâm hại đến người khác”.
Viện y học ứng dụng Việt Nam nêu nguyên nhân, hành vi bạo lực được định nghĩa là những hành động mạnh mẽ, có tính chất thù địch được sử dụng để đe dọa và làm những người khác sợ hãi. Ở trẻ em, hành vi bạo lực tồn tại dưới một vài dạng khác nhau, phụ thuộc vào độ tuổi và môi trường sống của trẻ. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thể hiện hành vi bạo lực và gây hấn thông qua: Quấy khóc; Cắn đồ vật hoặc người; Đánh lại người khác
Những trẻ độ tuổi học đường thể hiện hành vi bạo lực thông qua: Tranh luận; Đánh nhau; Cấu véo bạn bè; Đe dọa người khác; Bắt nạt bạn bè; Có những hành vi gây rối và thách thức trong trường học.
Khi trẻ xuất hiện những hành vi có tính chất bạo lực và gây hấn, đây vừa là hồi chuông cảnh báo vừa là một thử thách không nhỏ đối với gia đình, nhà trường và những người chăm sóc trẻ. Tuy nhiên, nên nhớ rằng trẻ em khi sinh ra không hề mang sẵn tính bạo lực; tất cả những hành vi tiêu cực tại thời điểm hiện tại là hậu quả từ rất nhiều những tác động từ môi trường xung quanh.
Chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam cho biết, hành vi bạo lực của trẻ ngày nay chính là hệ quả những hành vi bạo lực của trước hết là cha mẹ, giáo viên và người lớn ứng xử với trẻ trước đây khi chúng còn nhỏ.
Muốn con không hành xử bạo lực, cha mẹ trước hết phải học cách quản lý cảm xúc của mình, phải ý thức rõ để tự học và tự thực hành kỹ năng làm cha mẹ tích cực. Tương tự ở trường, giáo viên cũng cần học cách kiểm soát cảm xúc bản thân để ứng xử với các em theo nguyên tắc kỷ luật tích cực.
Nhìn nhận trẻ có hành vi bạo lực như sự thiếu hụt các kỹ năng. Cha mẹ và giáo viên thay vì quy gán con là đứa hư hỏng hay cháu là học sinh cá biệt, hãy trang bị thêm cho con các kỹ năng như nhận diện và diễn giải vấn đề một cách khách quan; giải quyết vấn đề linh hoạt, nhận diện và hiểu cảm xúc người khác; kiểm soát hành vi – cảm xúc bản thân.
Leave a Reply