Mở ra triển vọng mới trong quan hệ hợp tác
Chiều 29/8, ông Trần Hồng Minh, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng đã tiếp đoàn công tác của thành phố Bách Sắc, Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) do ông Hoàng Nhữ Sinh, Bí thư Thành ủy Bách Sắc làm trưởng đoàn.
Tại buổi làm việc, ông Trần Hồng Minh – Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng (Việt Nam) nhận định, trong những năm qua, trên cơ sở định hướng của lãnh đạo cấp cao hai nước, tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) đã triển khai hiệu quả các nhận thức chung quan trọng đạt được giữa lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước; mở ra nhiều triển vọng mới trong quan hệ hợp tác hữu nghị, thực chất trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối giao thông, giao lưu văn hóa, quản lý biên giới đạt được nhiều thành quả mới.
“Tỉnh Cao Bằng sẽ tích cực phối hợp với thành phố Bách Sắc triển khai hiệu quả các nội dung hợp tác, góp phần xây dựng vùng biên giới giữa hai bên ngày càng giàu đẹp, phồn vinh. Trong đó, hai bên tăng cường hợp tác giao lưu hữu nghị; hợp tác trong lĩnh vực du lịch, văn hóa, xã hội; nghiên cứu, hợp tác, xây dựng tuyến du lịch đỏ từ Pác Bó, Cao Bằng (Việt Nam) – Bách Sắc, Quảng Tây (Trung Quốc); hợp tác tuyến du lịch qua Mốc 589 Thiêng Qua (huyện Bảo Lạc, Cao Bằng, Việt Nam) – Khe Hổ Nhảy (huyện Nà Po, Bách Sắc, Trung Quốc)…”, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng nhấn mạnh.
Song song với đó là tăng cường kết nối giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng cửa khẩu, mở, nâng cấp cửa khẩu. Tỉnh Cao Bằng đề xuất thành phố Bách Sắc tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cửa khẩu, thúc đẩy mở cặp cửa khẩu song phương Pò Peo (Việt Nam) – Nhạc Vu (Trung Quốc) đồng thời thúc đẩy thông quan bình thường vào cuối tuần và ngày lễ tại cửa khẩu Trà Lĩnh (Việt Nam) – Long Bang (Trung Quốc) bao gồm lối thông quan Nà Đoỏng (Việt Nam) – Nà Ráy (Trung Quốc).
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Cao Bằng mong muốn có cơ hội hợp tác tiếp nhận chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ thông minh, công nghệ cao trong việc trồng giống cây ăn quả; thúc đẩy công tác kêu gọi, xúc tiến đầu tư vào các sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng và giá trị…
Tỉnh Cao Bằng đề nghị hai bên nghiên cứu việc thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh Trà Lĩnh (Việt Nam) – Long Bang (Trung Quốc); phối hợp hoàn thiện thủ tục để trình cấp có thẩm quyền phê chuẩn công trình phục vụ việc mở đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc cửa khẩu song phương Sóc Giang (Việt Nam) – Bình Mãng (Trung Quốc). Trong hợp tác quản lý công tác biên giới, hai bên tiếp tục tuyên truyền, thực hiện hiệu quả ba văn kiện pháp lý về biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc và các thỏa thuận có liên quan.
Thúc đẩy các nhận thức chung, tăng cường hợp tác nhiều lĩnh vực
Tại buổi làm việc, ông Hoàng Nhữ Sinh – Bí thư Thành ủy Bách Sắc, Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) mong muốn hai bên tăng cường hơn nữa các cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo các cấp của hai địa phương để thúc đẩy các nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, hai tỉnh.
Hợp tác về du lịch giữa hai địa phương, Bí thư Thành ủy Bách Sắc nhấn mạnh, cặp cửa khẩu Trà Lĩnh (Việt Nam) – Long Bang (Trung Quốc) được khơi thông đã giúp du khách đi qua cặp cửa khẩu ngày càng tăng. Ông Hoàng Nhữ Sinh mong muốn kết nối tuyến du lịch Tịnh Tây (Trung Quốc) – Tp. Cao Bằng (Việt Nam); thúc đẩy du lịch mạo hiểm.
Cũng theo Bí thư Thành ủy Bách Sắc, du lịch qua biên giới đang được được tăng cường ở Cao Bằng, nếu địa phương làm tốt công tác này, hằng năm Cao Bằng sẽ đón một lượng khách du lịch lớn của Trung Quốc sang tham quan các danh thắng của tỉnh Cao Bằng.
Theo ông Hoàng Nhữ Sinh, hai bên cần thúc đẩy hơn nữa về hợp tác nông nghiệp, nhất là hoa quả và rau xanh. Đặc biệt, Cao Bằng có thể kết nối hàng hóa với chuyến tàu chuyên dụng chở nông sản từ thành phố Bách Sắc đi Bắc Kinh, vùng Trung Âu…
Đối với lĩnh vực giao thông, Bí thư Thành ủy Bách Sắc vui mừng và nhận định khi tuyến cao tốc Trà Lĩnh – Đồng Đăng được khởi công, sẽ là con đường để hai bên tăng cường hơn nữa về thông quan hàng hóa, đầu tư hạ tầng cửa khẩu. Đặc biệt, ông Hoàng Nhữ Sinh mong muốn hai bên chung tay xây dựng hợp tác ngành nghề qua biên giới, trong đó có ngành khai thác, chế biến bô-xít, nhôm.
Leave a Reply