Bộ Công Thương “quay xe” mua điện mặt trời mái nhà giá 671 đồng/ kWh thay vì giá 0 đồng

Bộ Công Thương vừa mới báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về Dự thảo điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Đề xuất 3 cơ chế mua bán điện mặt trời mái nhà

Trước đó, ngày 10/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu thí điểm việc sản xuất điện dư không dùng hết thì được bán lên lưới điện quốc gia không quá 10% tổng công suất.

Bộ Công Thương “quay xe” mua điện mặt trời mái nhà giá 671 đồng/ kWh thay vì giá 0 đồng- Ảnh 1.

Bộ Công Thương “quay xe” đề xuất mua điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu dư thừa nối lưới với giá 671 đồng/kWh

Trên cơ sở ý kiến của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công Thương đề xuất lựa chọn phương án điện mặt trời tự sản, tự tiêu được thanh toán 10% sản lượng điện trên tổng sản lượng điện dư phát lên lưới điện quốc gia được ghi nhận bởi hệ thống đo đếm điện năng mua bán với khách hàng.

Đáng chú ý, về xác định giá mua bán điện dư, Bộ Công Thương đưa ra 3 phương án. Với tính toán theo số liệu của năm 2023, cả 3 phương án đều cho kết quả tương đương nhau, xấp xỉ từ 600 – 700 đồng/kWh.

Phương án 1, giá mua điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu dư thừa tính theo mức bình quân biểu chi phí tránh được hàng năm do Bộ Công Thương ban hành. Biểu phí tránh được là chi phí sản xuất 1 kWh tính theo thời gian sử dụng trong ngày và các vùng, mùa trong năm, áp dụng cho các nhà máy điện nhỏ dùng năng lượng tái tạo chưa có giá riêng, như thủy điện nhỏ.

Phương án 2, lấy bằng giá biên thị trường điện (SMP) từng giờ (không gồm giá công suất thị trường – CAN) và trừ đi chi phí phân phối trên 1 kWh. Đây là giá của tổ máy hay nhà máy cuối cùng tham gia phát điện vào hệ thống.

Phương án 3, điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu được thanh toán 10% sản lượng trên tổng sản lượng điện khách hàng mua từ lưới điện quốc gia được ghi nhận bởi hệ thống đo đếm điện năng mua bán với khách hàng.

Bộ Công Thương cho rằng, hiện không có phương pháp nào phù hợp để xây dựng giá mua điện dư thừa, nên không có đủ lý luận để lấy giá mua điện dư phát lên lưới quốc gia theo phương án 1 hay 2.

Vì thế, nhà chức trách đề xuất trước mắt tạm áp dụng giá mua điện dư phát lên lưới từ 600-700 đồng một kWh, cụ thể ở 671 đồng một kWh (tính theo chi phí tránh được bình quân năm 2023). Mức này thấp hơn 58-63% giá mua các dự án điện tái tạo chuyển tiếp đang áp theo khung giá của Bộ Công Thương (1.587-1.816 đồng một kWh).

Bộ Công Thương lựa chọn phương án 3 vì có cách tính đơn giản, dễ thực hiện và tiết kiệm được chi phí đầu tư của EVN. Giá này sẽ được xem xét, điều chỉnh (nếu có) hàng năm để đảm bảo khuyến khích phù hợp với từng thời kỳ phát triển của hệ thống điện quốc gia.

EVN sẽ có sẽ chịu trách nhiệm mua sản lượng điện dư và bảo đảm an toàn vận hành hệ thống điện, bảo đảm sự hài hòa và khuyến khích cơ chế này.

Trước đó, Bộ Công Thương đề xuất điện mặt trời mái nhà lắp tại nhà ở, cơ quan công sở để tự dùng và nối lưới quốc gia sẽ không được bán hoặc bán giá 0 đồng. Người dân có thể bán phần dư thừa nhưng Nhà nước chỉ ghi nhận sản lượng, không thanh toán tiền. Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của dư luận, chuyên gia và nhà đầu tư năng lượng.

Tại dự thảo gần nhất hồi tháng 6 về điện mặt trời tự sản tự tiêu, Bộ Công Thương vẫn giữ đề xuất loại hình này được sản xuất nhưng chỉ tiêu thụ tại chỗ, không bán cho tổ chức, cá nhân khác hay lên lưới điện quốc gia. Điện mặt trời mái nhà không nối lưới sẽ không giới hạn phát triển. Còn trường hợp nối lưới không được vượt công suất phân bổ theo Quy hoạch điện VIII (2.600 MW).


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *