Bộ NNPTNT phản hồi về đề nghị nhận chìm 2,2 triệu m3 chất nạo vét của dự án nhiệt điện Vũng Áng II xuống biển

Trước đó, ngày 28/6/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xin ý kiến với hồ sơ đề nghị cấp phép nhận chìm chất nạo vét ở biển và giao khu vực biển của Công ty TNHH Nhiệt điện Vũng Áng II (Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vũng Áng II).

Đề nghị thận trọng khi tiến hành nhận chìm, bởi vị trí nhận chìm từng xảy ra sự cố môi trường biển

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vị trí khu vực biển đề nghị cấp phép để nhận chìm ở biển và giao khu vực biển của Công ty TNHH Nhiệt điện Vũng Áng II có diện tích sử dụng 200ha, độ sâu từ 39-42m, cách bờ biển khoảng 22km, tổng khối lượng vật, chất nhận chìm khoảng 2,2 triệu m3. Thành phần vật, chất nạo vét và nhận chìm chủ yếu là sét, bùn, cát và sỏi hạt nhỏ (với tỉ lệ như sau: cát chiếm 57,2%; sét, bùn chiếm 41,1 %; sỏi hạt nhỏ chiếm khoảng 1,7%).

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, vị trí khu vực biển này đã từng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển năm 2016 do nhà máy Formosa gây ra; hoạt động nạo vét, nhận chìm có thể làm phát tán vật, chất tích tụ trong trầm tích, gây ô nhiễm môi trường nước biển xung quanh, làm suy thoái đa dạng sinh học, gây suy giảm nguồn lợi thủy sản. Do vậy, việc triển khai dự án nạo vét và nhận chìm cần hết sức thận trọng để tránh những tác động, ảnh hưởng xấu đến môi trường nước biển, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản tại khu vực này.

Đồng thời, vị trí khu vực biển này được xác định không thuộc phạm vi quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 742 ngày 26/5/2010; không thuộc phạm vi các khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn quy định tại Văn bản hợp nhất số 21 ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; không chồng lấn với khu vực biển dự kiến thành lập khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn tại dự thảo Quy hoạch bảo vệ và khai thác thủy sản thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, lân cận khu vực đề nghị cấp phép nhận chìm có các khu vực quy hoạch vùng cấm khai thác thủy sản có thời hạn (vùng ven biển Cẩm Xuyên cách 18,5 hải lý về phía Tây Bắc, vùng biển Kỳ Anh cách 9,7 hải lý về phía Tây Nam, vùng biển Quảng Trạch cách 20 hải lý về phía Nam).

Bộ NNPTNT phản hồi về đề nghị nhận chìm 2,2 triệu m3 chất nạo vét của dự án nhiệt điện Vũng Áng II xuống biển- Ảnh 1.

Toàn cảnh Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 nhìn từ trên cao. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Đề nghị nhận chìm xa bờ, không ảnh hưởng đến các khu vực bảo tồn biển

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, xung quanh khu vực biển đề nghị cấp phép để nhận chìm vật, chất nạo vét của Công ty TNHH Nhiệt điện Vũng Áng II có một số hộ dân địa phương làm nghề khai thác thủy sản quy mô nhỏ, ven bờ.

Trong quá trình thẩm định Hồ sơ đề nghị cấp phép nhận chìm ở biển và giao khu vực biển để nhận chìm của Công ty TNHH Nhiệt điện Vũng Áng II, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu chủ dự án: tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về đa dạng sinh học, pháp luật về thủy sản; thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học biển, nguồn lợi thủy sản, sinh kế của cộng đồng ngư dân khai thác, nuôi trồng thủy sản tại địa phương.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường giám sát chặt chẽ trước, trong và sau quá trình triển khai hoạt động nhận chìm; Công ty chịu trách nhiệm nhận chìm theo phương án được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt; đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường biển, đa dạng sinh học, hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản.

Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu địa phương cần rà soát, quy hoạch khu vực biển để phục vụ cho hoạt động nhận chìm của các dự án tương tự trong thời gian tới, hoặc chỉ đạo địa phương xác định khu vực biển sử dụng để nhận chìm xa bờ, không gần các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng dân cư địa phương trong quá trình triển khai thực hiện dự án; có cam kết bồi thường thiệt hại (nếu có) cho các bên liên quan khi xảy ra sự cố.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *