Lũ vừa về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, báo hiệu mùa lũ năm nay nước dồi dào hơn. Như vậy, sau nhiều năm chỉ được đón lũ nhỏ, người dân miền Tây đang chờ một mùa nước nổi lại về mang đến sinh kế và cân bằng hệ sinh thái miền sông nước này.
Sản vật mùa nước nổi miền Tây: Cá linh non đã về
Nhiều ngày qua, mực nước đầu nguồn tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp liên tục biến đổi theo con nước, mang theo nhiều sản vật mùa nước nổi. Trong đó có cá linh – sản vật mỗi năm chỉ có một mùa.
Ông Phùng Thế Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú (An Giang) cho biết, hiện nay mực nước lũ đầu nguồn sông Hậu đã tràn đồng vào các xã giáp biên giới Campuchia như: Phú Hội, Nhơn Hội, Phú Hữu…
Cá linh non cùng các sản vật mùa nước nổi cũng đã xuất hiện nhiều ở các chợ biên giới An Phú. “Nước lũ năm nay có lên cao hơn chút so với cùng kỳ.
Chúng tôi đang chờ nông dân thu hoạch lúa hè thu xong rồi làm việc với các xã để thống nhất xả lũ vào tháo chua rửa phèn cho ba xã bờ đông này”, ông Vinh cho biết.
Từ cuối tháng bảy, vùng đầu nguồn sông Hậu ở huyện An Phú, tỉnh An Giang nước đã tràn đồng. Ảnh: Phương Bằng.
Từ cuối tháng 7, dọc kênh Vĩnh Tế, đoạn phường Nhơn Hưng, thị xã Tịnh Biên và xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, nước tràn đồng, cá linh non đầu mùa lũ bắt đầu về, người dân tranh thủ giăng lưới và đặt dớn khắp nơi.
“Con nước lũ năm nay đến sớm hơn, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái vài tấc, bà con phấn khởi lắm. Hy vọng năm nay nước lớn sẽ mang theo nhiều phù sa. Nếu có nước lớn thì bà con mưu sinh bằng nghề đánh bắt thủy sản cũng có công ăn việc làm, tăng thu nhập mùa lũ”, ông Cao Xuân Điệu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nhơn Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang chia sẻ.
Tuy nhiên, so với giai đoạn cuối tháng 7 vừa qua, thì những ngày đầu tháng 8 mực nước sông Mê Công giảm nhanh, do mưa ít trong khi các đập thủy điện thượng nguồn tiếp tục tăng cường tích nước, khiến nhịp lũ bị tác động mạnh.
Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, mực nước lũ chịu sự tác động từ thượng nguồn sông Mê Công đổ về, lượng mưa tại chỗ và thủy triều.
Theo Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam (SIWRP), ảnh hưởng của bão trên Biển Đông gây mưa lớn ở khu vực hạ Lào và Campuchia trong giai đoạn cuối tháng 7 khiến mực nước hạ nguồn sông Mê Công lên nhanh và vượt mức trung bình nhiều năm.
Người dân huyện An Phú, tỉnh An Giang đón lũ để đánh bắt thủy sản, trong đó có cá linh non mùa nước nổi. Ảnh: Phương Bằng.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 8 đến nay, mực nước đã giảm nhanh về dưới mức trung bình nhiều năm. Cụ thể, ngày 7/8, mực nước đo được tại trạm Tân Châu trên sông Tiền là 2,26m so với trung bình nhiều năm thấp hơn 0,32m và thấp hơn năm 2023 là 0,13m. Song mực nước tại trạm Châu Đốc trên sông Hậu là 2,29m so với trung bình nhiều năm cao hơn 0,14m và cao hơn năm 2023 là 0,05m.
Lũ năm nay sẽ khác?
Nhiều năm nay, Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có lũ nhỏ hoặc cực nhỏ do biến đổi khí hậu làm lượng mưa thay đổi và đập thủy điện ở thượng nguồn ngăn dòng.
Về mức lũ hồi tháng 7 cao hơn cùng kỳ năm ngoái, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng: Vừa qua vào mùa mưa nên mực nước sông Mê Công bắt đầu lên.
Song hiện tượng mực nước ở vùng đầu nguồn như Tân Châu, Châu Đốc cao hơn cùng kỳ năm ngoái có thể chỉ là hiện tượng ngắn hạn do ảnh hưởng của trận bão gây mưa tại vùng biên giới Việt Nam-Lào giữa tháng 7 đổ về hạ lưu.
Theo đó, mực nước sông Mê Công chỉ thấy dâng cao từ khoảng Stung Treng, Campuchia xuống châu thổ Cửu Long, còn đoạn từ biên giới Trung Quốc-Lào xuống Campuchia vẫn thấp hơn trung bình vì các đập lớn ở Trung Quốc như đập Tiểu Loan vẫn đang tích cực trữ nước.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện nhận định, tình trạng La Nina được dự báo xuất hiện trong giai đoạn tháng 8-11 tới đây, với khả năng cao đến 70%. Khi đó lượng mưa trong lưu vực sẽ tăng cao. Tuy nhiên, khí hậu vẫn còn đang trong tình trạng ENSO trung tính.
“Do đó hiện tượng mực nước cao hơn cùng kỳ quan sát được ở vùng đầu nguồn Đồng bằng sông Cửu Long chưa được hỗ trợ bởi mực nước phía thượng nguồn sông Mê Công đổ xuống và chưa có hiện tượng La Nina gây mưa nhiều thì khó có khả năng tăng mạnh bất thường trong thời gian ngắn tới đây.
Mực nước sông Hậu ở Tân Châu, Châu Đốc cũng biến động lên xuống theo thủy triều từ Biển Đông theo chu kỳ nước ròng, nước kém.
Còn theo ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, dòng chảy sông Mê Công hiện tại không còn thuận tự nhiên mà phụ thuộc vào sự điều tiết của các quốc gia dọc theo lưu vực sông.
Dự báo, trong ba tháng tới, mực nước tại các trạm đầu nguồn sông Cửu Long, nội đồng vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên sẽ lên nhanh. Trong tháng 10/2024, lũ đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng đạt đỉnh, sau đó xuống dần. Từ giữa tháng 11 đến tháng 12, mực nước các trạm sẽ xuống nhanh và chuyển sang chế độ triều.
Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam cũng đưa ra nhận định, đỉnh lũ chính vụ năm nay có khả năng xuất hiện vào nửa đầu tháng 10.
Đỉnh lũ chính vụ trên dòng chính khu vực đầu nguồn Đồng bằng sông Cửu Long được dự báo đạt mức cao nhất 3,5 m tại Tân Châu-An Giang (tương đương mức báo động 1, cao hơn đỉnh lũ năm 2023 là 0,41 m). Đỉnh lũ tại Châu Đốc-An Giang đạt 3,2 m – cao hơn mức báo động 1 là 0,2 m, xấp xỉ hoặc cao hơn đỉnh lũ năm 2023 khoảng 0,27 m.
Nhìn nhận mùa lũ năm nay, PGS, TS Lê Anh Tuấn, Trường đại học Cần Thơ cho rằng, những tháng cuối năm, mưa bão và áp thấp nhiệt đới tăng lên nhiều do hiện tượng El Nino chuyển sang La Nina, sẽ gây mưa nhiều và bổ sung nguồn nước vào dòng chảy.
“Nhiều người cho rằng, năm nay là năm Thìn nên sẽ có lũ lớn, song điều này còn tùy thuộc vào cường độ bão. Tôi cho rằng, lũ năm nay ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ở mức trung bình, cao hơn hai năm qua, dù vậy còn tùy thuộc vào sự vận hành của các đập thủy điện”, PGS, TS Lê Anh Tuấn nhận định.
Lũ về giúp vệ sinh đồng ruộng, bồi đắp phù sa, người dân sống bằng nghề khai thác thủy sản vùng đầu nguồn có cơ hội tăng thu nhập, bởi cá tôm sẽ về theo con nước. Hơn bao giờ hết, người dân miền Tây đang mong chờ một mùa lũ đúng nghĩa mang đến mùa màng bội thu.
Leave a Reply