Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi GS Joanna Bettmann từ Đại học Utah (Mỹ) đã phân tích tổng hợp dữ liệu của gần 1.500 người được tổng hợp bởi 45 nghiên cứu khác nhau trong 30 năm, trong đó theo dõi chi tiết về tình trạng stress cũng như các vấn đề sức khỏe tâm thần khác nhau.
Các hoạt động những người này tham gia cũng được ghi lại, trong đó phân biệt rõ thời gian họ tiếp xúc với thiên nhiên trong các môi trường, hoàn cảnh khác nhau.
Kết quả cho thấy dù tiếp xúc với thiên nhiên theo cách nào, sức khỏe thể chất và tâm thần cũng được tăng cường.
Nhưng có một số khác biệt giữa các kiểu môi trường khác nhau và cách mà bạn tiếp xúc.
Theo bài công bố trên tạp chí khoa học Ecopsychology, lượng thời gian mà những người tham gia nghiên cứu dành cho thiên nhiên rất khác biệt.
Một số người chỉ dành 10 phút trong công viên thành phố, trong khi những người khác dành nhiều ngày trong các trải nghiệm đắm chìm trong thiên nhiên.
Trong đó, các tác giả chỉ ra phương án 10 phút trong công viên và cố gắng làm điều đó nhiều lần trong tuần hay trong tháng là hiệu quả và phù hợp với số đông hơn cả.
Dành hàng tuần ở thiên nhiên có thể thú vị với một số người, nhưng có thể không hề “xả tress” chút nào với một số người khác, những người không quen và yêu thích các chuyến du lịch hoang dã hay mạo hiểm.
Về mặt không gian, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng không gian ngoài trời ở khu vực có mặt nước – sông, hồ, đại dương – và các hoạt động cắm trại, làm nông và làm vườn có tác động tích cực lớn nhất.
Xếp sau là thiên nhiên đô thị, núi và rừng, với tác động ở mức “đáng kể”.
Ngoài những vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến như stress, lo âu, có xu hướng trầm cảm nhẹ, những người thực sự có bệnh, gặp rắc rối lớn về sức khỏe tinh thần cũng được hưởng lợi từ việc tiếp xúc với thiên nhiên.
Leave a Reply