Do cấu tạo của địa hình, thiên nhiên đã ban tặng cho huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) những khu sinh thái thác nước vô cùng quyến rũ.
Trước hết chúng ta đến với cụm thác Nàng (thác công chúa) – thác Chàng (thác hoàng tử) – thác Bêrê Y (thác Yàng – Trời theo nghĩa tiếng tộc người Hlăng). Đây là cụm thác ba tầng nằm trên suối Đăk Cha, thuộc địa phận xã Rờ Kơi.
Từ xã Rờ Kơi đi vào chúng ta sẽ bắt gặp dòng suối Đăk Cha trong ngầm chảy êm đềm trên những hòn đá tròn trịa.
Khi chúng ta đang thả hồn theo dòng nước, nếu bất chợt nhìn lên sẽ có một cảnh tượng thật tuyệt vời đập vào mắt với dòng nước tuôn trào trải đều, trắng xóa phủ trên các hòn đá trông như bầu sữa mẹ – đó là thác Nàng.
Từ giã thác Nàng, chúng ta leo lên cao, nghe tiếng thét gào của dòng nước dội từ trên cao xuống trông rất hùng vĩ – đó là thác Chàng. Dòng nước mới từ trên ào ào lao xuống vách đá, bọt tung trắng xóa trông thật hùng dũng.
Chia tay thác Chàng chúng ta tiếp tục lên cao hơn là thác Bêrê Y. Mặc dù ở trên cao nhưng thác Bêrê Y chảy rất hiền hòa. Ở đây có một đoạn suối khá dài bằng phẳng trông như hồ nước mát, vừa trông thấy ai cũng muốn thả mình hòa vào dòng nước trong xanh.
Thác Khỉ, một thác nước đẹp ở xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Đặc biệt trên đường tới thác Khỉ còn có rất nhiều loài cây ăn quả tự nhiên, đến mùa quả chín thì rất nhiều loài chim, khỉ, voọc hội tụ về đây tạo nên khung cảnh vô cùng huyên náo. Ảnh: NGUYỄN BAN
Tạm biệt thác ba tầng, chúng ta đến với thác Khỉ nằm cách trung tâm huyện Sa Thầy 15km, thuộc xã Sa Sơn.
Thác Khỉ cao 20m, nằm trên suối Ia Trol có nước chảy quanh năm. Do nằm trọn trong Vườn Quốc gia Chư Mom Ray nên khi đến với thác Khỉ, chúng ta được ngắm nhiều cảnh quan của hệ sinh thái rừng tái sinh, rừng nguyên sinh giàu có và đa dạng.
Trên đường đi chúng ta còn bắt gặp nhiều cây đa, cây sấu cổ thụ xanh rợp một vùng trời. Đặc biệt nơi đây còn có rất nhiều loài cây ăn quả tự nhiên, đến mùa quả chín thì rất nhiều loài chim, khỉ, voọc hội tụ về đây tạo nên khung cảnh vô cùng huyên náo.
Ấn tượng hơn là những ngày có nắng, các loài linh trưởng kéo nhau ra ngồi trên các hòn đá dưới chân thác cùng nhau nô đùa, tắm nắng và cũng vì thế nên người dân làng Bar Gốc đặt tên là thác Khỉ.
Sau khi dừng chân trên bãi đá dưới chân suối nghỉ ngơi, chúng ta tiếp tục đi xuyên rừng nguyên sinh leo lên đỉnh Yên Ngựa cao 1.200m để ngắm phong lan rừng bám chặt vào các thân cây cổ thụ và nhìn toàn cảnh huyện Sa Thầy với những vườn cà phê, cao su xanh mướt, bạt ngàn bao quanh, cho ta cảm giác vô cùng thư thái.
Chia tay thác Khỉ, chúng ta đến với thác Nàng Tiên, cách trung tâm huyện Sa Thầy 15km, thác nằm trên suối Đăk Tơ Nu, xã Sa Nhơn. Từ xa nhìn dòng suối từ trên cao đổ xuống ta thấy phía trên dòng nước túm lại sau đó bung ra xõa đều, trông mượt mà như mái tóc người con gái rất kiêu sa và lộng lẫy.
Với hình ảnh ấn tượng và đẹp đẽ này, người dân Gia Rai thôn Nhơn Bình đặt tên là thác Tiên. Dưới chân thác có hồ nước trong xanh, mát rượi quanh năm làm mê hoặc những người thích bơi lội.
Không chỉ thế suối Đăk Tơ Nu còn có rất nhiều loài cá, trong đó có loài cá bản địa mà người dân ở đây rất quí và các du khách khi đến Kon Tum đều muốn được một lần thưởng thức, đó là cá niêng. Loài cá này thường sống đầu nguồn các dòng suối, thịt trắng ăn thơm và ngọt, ruột hơi nhân nhẩn đắng và chính vị đắng đã làm nên thương hiệu của loài cá này.
Theo Tỉnh lộ 674, chúng ta đến với thác 7 tầng nằm trên suối Ya Trí, xã Mô Rai cách trung tâm huyện Sa Thầy 25km về phía Đông Bắc. Để đến với thác 7 tầng, du khách phải băng qua những cánh rừng già với những cây gỗ lớn và xen kẽ những khoảnh lồ ô tạo nên không gian kỳ thú hấp dẫn.
Không chỉ thế du khách còn phải vượt qua 2 thác nhỏ và đi tiếp khoảng 50m mới tới chân thác 7 tầng. Thác nước được tạo nên bởi 7 bậc thác nước liên tiếp và mỗi bậc các tảng đá lại được tạo hóa xếp đặt theo các tầng lớp rất đều đặn khá an toàn cho những ai thích trải nghiệm.
Dòng suối chảy xiết, nước đổ ào ào xuống các bậc đá tung bọt trắng xóa làm mê hồn du khách đường xa.
Đến với thác 7 tầng, ngoài chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thác, ta có thể trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị: hai bên bờ suối có những khoảng đất rộng bằng phẳng thuận tiện cho cắm trại nghỉ qua đêm hoặc tổ chức các sinh hoạt tập thể; dọc bờ suối có rất nhiều loại rau rừng dễ thu hái để phục vụ cho bữa ăn tại chỗ hoặc mang về; dưới lòng suối có nhiều cua, ốc, cá suối thuận lợi cho một bữa cải thiện thực phẩm tươi sống.
Sau các hoạt động, mọi người lại tụ hội trên các phiến đá rộng dưới chân thác để thư giãn, ngắm cảnh, tắm nắng, chụp ảnh kỷ niệm và cùng nhau thưởng thức những thành quả lao động hái lượm, săn bắt vừa được chế biến thơm ngon, nóng hổi.
Đã mấy ngày gắn bó với rừng, với những dòng thác mà sao lúc chia tay lòng chúng tôi vẫn bồi hồi, ngẩn ngơ trước vẻ đẹp hoang sơ kỳ bí của thiên nhiên huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Một vùng đất cách mạng, giàu truyền thống, giàu tiềm năng mà vẫn chưa cất cánh như kỳ vọng của bao người.
Đến đây tôi nhớ lại lời tâm sự của anh lãnh đạo huyện trong một chuyến dã ngoại cách đây mấy năm: Sa Thầy có nhiều lợi thế và giàu tiềm năng thế nhưng chỉ dừng lại ở hình tượng như những nàng công chúa đang ngủ trong rừng mà chưa có người đánh thức.
Chúng tôi đi xa vẫn còn nghe vang vọng tiếng thác nước réo rắt, như tha thiết mời gọi các nhà đầu tư đến vùng đất này để giúp huyện Sa Thầy khai thác tiềm năng sớm cất cánh bay cao.
Leave a Reply