Vị trí thứ 7 đã đưa cụm Cái Mép – Thị Vải đứng trên cả cảng Yokohama Nhật Bản (thứ 9), Hồng Kông (thứ 15), và Singapore (đứng 17). Điều này càng khẳng định tính hợp lý trong ưu tiên phát triển ngành cảng biển và logistics quốc tế của Bà Rịa – Vũng Tàu.
Cái Mép – Thị Vải nổi bật trong hải trình quốc tế
Trong tháng 6/2024, cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải được Ngân hàng Thế giới (World Bank Group) và S&P Global Market Intelligence xếp thứ 7 thế giới về chỉ số CPPI (Container Port Performance Index – chỉ số hoạt động cảng container). S&P Global Market Intelligence là một phần của S&P Global, công ty Mỹ chuyên về xếp hạng nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh và cung ứng hàng hóa của thế giới.
Chỉ số CPPI được thế giới đánh giá dựa trên trên các yếu tố liên quan tới thời gian tàu vào luồng, cập cảng, năng suất bốc và dỡ hàng lên xuống cảng cùng tổng lượng hàng/chuyến, tàu rời cảng ra luồng. Ngoài ra, còn cả các yếu tố như tàu lớn, công nghệ thông tin, số hóa.
Cách đây một năm, Cái Mép – Thị Vải đứng thứ 12. Như vậy, cụm cảng nước sâu tại thị xã Phú Mỹ đã nhảy lên 5 bậc trong vòng một năm.
Hệ thống Cái Mép – Thị Vải nằm dọc bờ sông Thị Vải và chỉ cách TP.HCM trong vòng chưa đầy 2 giờ theo đường bộ – khoảng 60km. Cụm này gồm các cảng quốc tế như Gemalink của Gemadept (“đại gia” ngành logistics Việt Nam), cảng CMIT, TCIT, TCCT, cảng SP-PSA, cảng SITV và cảng container Cái Mép.
Ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital, cho biết Gemadept (mã chứng khoán: GMD) đã có kế hoạch tăng gấp đôi số cầu cảng của công ty tại cụm Cái Mép – Thị Vải trong năm 2025.
Theo ông Kokalari, tổng công suất tại cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải dự kiến sẽ tăng hơn 10% vào năm tới.
Theo ông Cao Hồng Phong, Phó Tổng Giám đốc Cảng Gemalink, công ty này đang nỗ lực thực hiện giai đoạn 2 của cảng Gemalink với mức vốn đầu tư ước tính 300 triệu USD. Sau khi hoàn thành, tổng công suất thiết kế của cảng này sẽ đạt 3 triệu TEU, mức cao nhất so với các cảng lớn trong khu vực Đông Nam Á.
Cảng CMIT, nơi tiếp nhận siêu tàu container Margrethe Maersk trọng tải 214.121 DWT ngày 26/10/2020, đang tiếp tục tăng năng lực khai thác cảng theo hướng số hóa, tự động hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Nhờ đó, hàng hóa ngày càng nhiều hơn, lịch tàu dày hơn nhưng cảng vẫn duy trì được năng suất cao khi có thể xếp dỡ 130 container/giờ.
DWT (Deadweight Tonnage) là thuật ngữ chỉ trọng tải toàn phần của tàu biển, được sử dụng để đo tổng năng lực vận tải của tàu thủy. Tổng năng lực vận tải chính là tổng khối lượng hàng hóa mà tàu có thể chở an toàn. TEU là đơn vị đo lường trong vận tải container quốc tế, tương đương 1 container loại 20 feet.
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) nằm trong cụm Cái Mép – Thị Vải, nhấn mạnh việc cụm này đứng 7 thế giới về hiệu suất hoạt động có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh ngành hàng hải thế giới đang chịu tác động của tình hình căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ nằm giữa Châu Á và Châu Phi.
Do tình hình tại Biển Đỏ, nhiều cảng biển lớn tắc nghẽn do các tàu phải định tuyến lại, làm thay đổi lịch trình. Với vị trí thứ 7 của Cái Mép – Thị Vải, các hãng tàu quốc tế và chủ hàng có thể yên tâm đưa những tuyến tàu mới và hàng hóa đến Việt Nam.
Về phía tỉnh, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã quyết tâm phát triển và hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép – Thị Vải thành cảng trung chuyển lớn nhất cả nước, có tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Mai Ngọc Thuận, Tổ trưởng Tổ nghiên cứu Đề án cảng trung chuyển Cái Mép – Thị Vải, cho biết tại hội thảo về kế hoạch này trong tháng 5/2024: Thủ tướng Chính phủ quy hoạch Vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 trong đó khẳng định vai trò của cụm cảng Cái Mép-Thị Vải không chỉ là cảng cửa ngõ của vùng Đông Nam bộ, của cả nước mà còn là cảng biển đặc biệt cấp quốc gia.
Ông Thuận cho biết: “Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đặt cụm cảng Cái Mép-Thị Vải vào vị thế trên để xây dựng đề án”.
Chính thức được phép tiếp nhận siêu tàu container
Tháng 5/2024, Bộ Giao thông Vận tải đã thông qua chủ trương cho Cảng container quốc tế Cái Mép (CMIT) do Công ty trách nhiệm hữu hạn Cảng quốc tế Cái Mép làm chủ đầu tư chính thức tiếp nhận tàu container có trọng tải đến 214.121 DWT giảm tải.
Cảng CMIT có độ sâu trước bến tối thiểu -16.5m với 600 m cầu bến và diện tích 48 ha; và công suất đạt hơn 1,1 triệu TEU. TEU là đơn vị đo lường trong vận tải container quốc tế, tương đương 1 container loại 20 feet.
Về trang thiết bị, CMIT có 6 cần cẩu bờ kích thước Super Post-Panamax (22+1 hàng container), thiết bị gắp dỡ container rỗng, thiết bị gắp dỡ container nặng, xe rơmooc chuyên dụng, 15 cẩu khung RTG và nhiều thiết bị khác.
Trước đó, CMIT đã được Bộ Giao thông Vận tải cho phép thử nghiệm và gia hạn thử nghiệm tiếp nhận tàu container có trọng tải đến 214.121 DWT từ năm 2020 và được Cục Hàng hải Việt Nam phê duyệt phương án bảo đảm an toàn hàng hải cho tàu container trọng tải 214.121 DWT giảm tải rời cảng CMIT.
Sau đó, Bộ cho phép cảng thử nghiệm đón tàu container có trọng tải đến 214.121 DWT giảm tải vào, rời cảng. Giảm tải nghĩa là chở ít hơn con số cực đại nói trên.
Vị trí thuận lợi của Cái Mép – Thị Vải
Lợi thế của hệ thống cảng này là nằm giữa các tuyến đường biển và đường bộ quan trọng, kết nối liên tỉnh (tỉnh lộ 965 và quốc lộ 51) và toàn vùng Đông Nam bộ. Cái Mép – Thị Vải đang kết nối các khu công nghiệp lớn của tỉnh (như KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, KCN Mỹ Xuân B1 – Conac, KCN Cái Mép, KCN Long Sơn, KCN Châu Đức, KCN Đá Bạc, KCN Đất Đỏ…) với TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và các tỉnh lân cận khác.
Chính nhờ Cái Mép – Thị Vải, thời gian vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với rất nhiều thị trường quốc tế được rút ngắn, giảm chi phí logistics, hỗ trợ hiệu quả cho nền kinh tế hướng về xuất khẩu của đất nước.
Thực tế cho thấy cụm cảng này là điểm trung chuyển thuận lợi cho giao thương giữa Việt Nam và nhiều nước, nhất là các vùng thị trường xuất nhập khẩu chính như châu Mỹ, châu Âu và châu Á… Theo thông tin từ Bà Rịa-Vũng Tàu, cảng nước sâu này chỉ cách trạm hoa tiêu Vũng Tàu 18 hải lý.
Leave a Reply