Chăn nuôi chả cần nhốt chuồng là chăn nuôi kiểu gì mà bà chủ tha hồ nhặt trứng, bán giá cao?

Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia tại hội thảo “Chuyển đổi chăn nuôi gà không lồng: Cơ hội và thách thức” do Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (VFAEA) cùng Khoa Chăn nuôi – Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) đồng tổ chức mới đây.

Cơ hội và thách thức trong chăn nuôi gà không lồng

Tại hội thảo, TS Bùi Huy Doanh – Phó Trưởng Khoa Chăn nuôi (VNUA) cho biết: Chăn nuôi gà đẻ nhốt truyền thống phát triển từ những năm 20-30 của thế kỷ trước tại Mỹ, sau đó phổ biến khắp thế giới. Tuy nhiên, phương thức chăn nuôi này vi phạm nhiều về phúc lợi động vật (PLĐV), con vật bị stress vì không được vận động, thể hiện tập tính của loài như tắm táp, mổ đẻ và bị tổn thương như rụng, xơ lông… 

Vì vậy, nhiều nước đã cấm nuôi nhốt gà và chuyển sang nhiều phương thức không lồng như nuôi bán chăn thả, nuôi dưới nền, nuôi nhiều tầng hở…

“Xu thế chuyển đổi chăn nuôi gà đẻ không lồng đang phát triển nhanh ở nhiều nước. Song thực tế cũng cho thấy, mặc dù phương pháp chăn nuôi này mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe và năng suất của vật nuôi, nhưng cũng đối mặt với các khó khăn như chi phí cao và rủi ro về dịch bệnh” – ông Doanh nói.

Lợi ích mô hình chăn nuôi không nhốt lồng - Ảnh 1.

Mô hình nuôi gà đẻ lấy trứng với quy mô lớn và hiện đại của anh Nguyễn Quang Hạnh (thôn Tiên Phong, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc). Ảnh: Thảo My

“Thời gian tới, nhóm sẽ đề xuất thành lập ban chỉ đạo cấp quốc gia hoặc cấp Bộ để xây dựng PLĐV trong chăn nuôi và mời các đơn vị quản lý để xây dựng thể chế để PLĐV được thực thi vào thực tiễn đời sống”.

Bà Hạ Thúy Hạnh

GS-TS Nguyễn Xuân Trạch (Khoa Chăn nuôi, VNUA) bổ sung rằng, PLĐV là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự bền vững trong chăn nuôi. Các vi phạm về PLĐV như nuôi nhốt ở mật độ cao đã gây ra những hành vi bất thường ở vật nuôi và ảnh hưởng đến năng suất, như cắn đuôi, nhổ lông…

PGS – TS Bùi Hữu Đoàn (Hội Chăn nuôi Việt Nam) cũng chỉ ra những hạn chế khi nuôi gà không chuồng lồng, đó là gà đẻ rải rác trong khu vực chăn nuôi khiến trứng bẩn tăng, gà ăn cả trứng, công nhân sẽ mất nhiều thời gian thu nhặt trứng; việc kiểm soát dịch bệnh gặp khó khăn; chi phí làm vệ sinh cao hơn và đặc biệt là khi chăn thả, tiêu tốn thức ăn cao hơn so với nuôi nhốt. 

Thực tế cho thấy, quá trình chuyển đổi sang hình thức chăn nuôi này cần có sự đầu tư ban đầu lớn và chăm sóc của người nuôi, nhưng khi đã thành công thì đem lại ý nghĩa rất lớn. 

Với sự hỗ trợ kỹ thuật từ tổ chức Humane Society International (HSI), Công ty chăn nuôi Năm Hưởng (Tiền Giang) là một trong những đơn vị đầu tiên tiến hành chuyển đổi 2 nhà nuôi nhốt sang mô hình chăn nuôi không sử dụng chuồng lồng. Trong năm đầu tiên đã có hơn 3.000 gà mái được giải phóng ra khỏi lồng nhốt, gà mái được thể hiện các hành vi vốn có như tắm cát, đẻ trong ổ, ngủ trên sào, đào bới trên nền chuồng…

Đáng chú ý, sản phẩm trứng gà chăn nuôi đạt tiêu chuẩn nhân đạo hiện đang được bán với giá cao hơn trứng thường. Ví dụ, trứng gà Care Free của Vĩnh Thành Đạt có giá 32.500 đồng/6 quả; trứng gà San Hà có giá 3.500 đồng/quả; trứng gà tươi Kê Phi của Ba Huân giá 4.000 đồng/quả…

Lợi ích mô hình chăn nuôi không nhốt lồng - Ảnh 2.

Trại nuôi gà đẻ trứng thương phẩm theo phương thức không sử dụng chuồng lồng tại Công ty Chăn nuôi Năm Hưởng (Tiền Giang). Ảnh: N.H

Kết nối hệ sinh thái chăn nuôi không lồng

TS Hạ Thúy Hạnh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho biết, PLĐV đã được luật hóa trong Luật Thú y 2015 và Luật Chăn nuôi 2018, cùng các văn bản hướng dẫn. 

Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện các tiêu chuẩn về PLĐV theo chương trình Humane Farm Animal Care (HFAC) và thu mua sản phẩm trứng từ các trại trang trại đảm bảo PLĐV để có nhãn hiệu trên sản phẩm là đã sản xuất nguyên liệu từ các trang trại PLĐV này.

Tuy nhiên, việc kết nối giữa các trang trại chăn nuôi và doanh nghiệp thu mua vẫn còn hạn chế, đồng thời, người tiêu dùng chưa thực sự quen thuộc với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn PLĐV. Việc áp dụng các tiêu chuẩn về PLĐV, đặc biệt với nhóm gà đẻ trứng chưa được triển khai, thực hiện mạnh mẽ trong thực tế.

Vì vậy, Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam – nơi có hơn 735 thành viên, trong đó khoảng 125 là đơn vị đối tác tập thể, các trang trại, doanh nghiệp – nhận thấy cần thiết phải thành lập ban đối tác nhằm kết nối hệ sinh thái chăn nuôi không lồng tại Việt Nam, với các thành viên liên quan từ khâu cung cấp vật tư (thức ăn chăn nuôi, giống, thuốc thú y, vaccine, thiết bị), đến nhà bảo quản và người tiêu dùng.

Thành viên của nhóm đối tác chăn nuôi không lồng nhốt gồm: Trưởng ban là đại diện Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam; Phó ban là đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp lớn về thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi như C.P. Việt Nam, De Heus, San Hà, Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương; đại diện từ Viện Chăn nuôi, Viện Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các chi cục thú y và đại diện một số doanh nghiệp tiêu thụ.

“Chúng tôi dự kiến xây dựng tiêu chuẩn PLĐV tối thiểu, dự kiến áp dụng tại Việt Nam để đưa những kiến thức, kỹ năng về chăn nuôi gà, lợn PLĐV vào các trang trại chăn nuôi; giống như trước kia áp dụng an toàn sinh học, dần dần đưa vào thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, nhà chăn nuôi, người làm chính sách” – bà Hạ Thúy Hạnh cho biết.

Ông Vũ Anh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (thuộc Tập đoàn C.P Thái Lan) cho biết, Tập đoàn C.P Thái Lan đã ký kết với Hội Animal Welfare thế giới và C.P Việt Nam đã có kế hoạch thực hiện chủ trương này. Trước đó, từ năm 2019, chuồng trại nuôi lợn của C.P đã xây dựng tiêu chuẩn PLĐV, giết mổ lợn cũng tuân thủ điều này. Thời gian tới, C.P Việt Nam sẽ xem xét chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn PLĐV để phục vụ cho các khách hàng như San Hà, Ba Huân…

Cùng với C.P. Việt Nam, Công ty Mondelez Kinh Đô đã thu mua trứng chăn thả không chuồng lồng (Cage free) từ năm 2022 để sản xuất bánh. Các năm 2023 và 2024, công ty tiếp tục tăng mua trứng theo phương thức này. Theo lộ trình, đến năm 2030, công ty sẽ sử dụng 100% trứng Cage free. 


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *