“Cho đến bây giờ, mặc cảm tuổi thơ vẫn đeo bám tôi…”

Đào Tố Loan: “Cho đến bây giờ, mặc cảm tuổi thơ vẫn đeo bám tôi…”- Ảnh 1.

Thời gian gần đây, tên tuổi của Đào Tố Loan được nhắc đến thường xuyên trong các chương trình âm nhạc lớn. Người ta ưu ái gọi chị là “giọng ca opera hàng đầu”. Tuy nhiên, không ít người vẫn cho rằng, chị không hát được nhạc Việt. Chị nghĩ sao về điều này?

– Mục tiêu của tôi là được mọi người công nhận mình là một ca sĩ Việt Nam hát âm nhạc Việt Nam. Tôi yêu đất nước và con người Việt Nam. Vì thế, trước đây, dù có rất nhiều lời mời hấp dẫn ở nước ngoài nhưng tôi vẫn nhất quyết về Việt Nam để làm nghề chứ không ở lại. Nếu không hát được nhạc Việt thì tôi sẽ không bao giờ theo con đường này cho đến hôm nay.

Ngày xưa, khi chưa theo học ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam thì tôi đã toàn đi hát kiếm tiền nhờ các bài nhạc Việt. Tôi hát tất cả thể loại, từ nhạc trẻ, nhạc trữ tình cho đến dân gian… May mắn là sau khi đoạt giải Quán quân dòng nhạc Thính phòng cuộc thi Sao Mai (còn có tên gọi là Liên hoan Tiếng hát truyền hình toàn quốc) năm 2011, tôi nhận được học bổng đào tạo thanh nhạc cao cấp tại Đức.

Đào Tố Loan hát “Mẹ yêu con” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.

Học opera đòi hỏi phải rất khổ luyện và phải mất rất nhiều thời gian cho sự khổ luyện nên tôi không có nhiều thời gian để dành cho các thể loại âm nhạc khác. Nếu thường xuyên hát opera thì cũng sẽ bị quen, khi chuyển sang một thể loại âm nhạc khác thì cần phải có một thời gian để thích nghi, tiếp cận… nhưng không có nghĩa là tôi sẽ không hát được nhạc Việt nữa. Tương tự, nhiều nghệ sĩ Việt Nam dù được đào tạo kỹ thuật thanh nhạc opera nhưng chuyển qua hát thính phòng hay bán cổ điển một thời gian dài, đến khi hát lại opera đều phải mất rất nhiều thời gian tập luyện.

Thú thật, tôi rất buồn khi người ta nói tôi không hát được nhạc Việt. Vì khả năng của tôi đến đâu tôi biết rất rõ. Nhiều đêm về tôi nằm khóc một mình và suy nghĩ rất nhiều. Tôi không hiểu sao mình hát như thế mà người ta vẫn nói là không hát được nhạc Việt. Phải chăng họ đang ác cảm gì đó với mình?

Đào Tố Loan: “Cho đến bây giờ, mặc cảm tuổi thơ vẫn đeo bám tôi…”- Ảnh 2.

Vậy chị đã tìm được câu trả lời hay một hướng nào đó để thay đổi?

– Tôi nghĩ, một khi người ta đã nhận xét như vậy thì mình cũng nên suy nghĩ lại. Có thể mình chưa có đủ sự mềm mại, nhẹ nhàng, tinh tế khi hát nhạc Việt. Và như thế nghĩa là mình phải tập luyện để làm tốt hơn. Còn hát nhạc Việt thì chắc là tôi hát được vì tôi yêu âm nhạc Việt Nam vô cùng. Mỗi khi tôi hát nhạc Việt và đưa lên trang cá nhân thì vẫn có rất nhiều người đón nhận. Nếu không hát ra hồn chắc người ta đã góp ý thẳng cho tôi rồi. Tôi có nhiều người bạn đi du học ở nước ngoài về không thể hát được nhạc Việt và biểu hiện của việc không hát được nhạc Việt là kiểu rất khác.

Tôi nghĩ rằng, có thể thời gian qua tôi dành cho opera nhiều quá. Bây giờ là thời điểm tôi phải dành cho nhạc Việt nhiều hơn. Cố gắng rèn luyện để kỹ thuật của mình nhẹ nhàng hơn, hòa quyện với âm nhạc Việt Nam hơn.

Trích đoạn trong vở opera “Công nữ Anio” do Đào Tố Loan thủ vai Công nữ Anio.

Trong các thể loại âm nhạc, thể loại âm nhạc nào khiến chị khó tiếp cận hơn cả?

– Cá tính con người tôi là cái gì không làm được thì tôi sẽ khẳng định không làm được. Trong các thể loại âm nhạc thì chắc chắn là tôi không hát được rock. Tôi khẳng định luôn là không thể hát được rock dù đã một vài lần thử hát. Riêng với dòng nhạc nhẹ thì tôi vẫn hát tốt khi được mời diễn trong các sự kiện hoặc giao lưu với bạn bè.

Thỉnh thoảng tôi có đăng những bài nhạc Việt lên trang Facebook cá nhân, bạn bè và đồng nghiệp nghe xong tỏ ra rất thích thú. Nhiều người vẫn không nghĩ người hát opera cổ điển như tôi lại hát được cả nhạc nhẹ và nhạc dân ca. Tất nhiên, mình sẽ không hát ra được chất dân ca thuần như các cụ nghệ nhân hát nhưng tôi vẫn hát được. Tôi cũng mấy lần tìm đến các nghệ nhân hát văn để nhờ các cụ chỉ dạy cho hát văn theo lối xưa, tôi cũng đã nẩy mũi và nẩy họng được khi hát các làn điệu chầu văn.

Phải nói thêm rằng, khi tham gia vở opera “Công nữ Anio” tôi phải tập thổi sáo trúc để phục vụ cho một cảnh diễn. Khi biết tôi học sáo trúc mà lại học sáo ngang, ai cũng bảo không học được vì rất khó. Nhưng tôi vẫn quyết tâm tập và cam đoan với mọi người là sẽ học được vì tôi rất yêu âm nhạc Việt Nam, nhất là âm nhạc dân tộc. Tôi nhận thấy âm nhạc dân tộc của mình cực kỳ hay. Mỗi nhạc cụ, mỗi làn điệu, mỗi thể loại dân ca… đều chứa đựng những giá trị vô cùng độc đáo. Âm nhạc dân tộc cũng được xem như là những thanh âm quốc hồn hồn quốc túy của đất nước vậy.

Khi tham gia vở “Công nữ Anio”, tôi nhận thấy, họ cũng kết hợp giữa âm nhạc truyền thống của Nhật Bản với âm nhạc truyền thống của Việt Nam để tạo ra một sự mới lạ hòng thu hút khán giả. Vậy tại sao mình không làm thế. Thời đại 5.0 rồi mà, mình đi du học để mang những điều tốt đẹp về để làm ra sự mới mẻ chứ không làm theo lối mòn cũ.

Đào Tố Loan: “Cho đến bây giờ, mặc cảm tuổi thơ vẫn đeo bám tôi…”- Ảnh 3.
Đào Tố Loan: “Cho đến bây giờ, mặc cảm tuổi thơ vẫn đeo bám tôi…”- Ảnh 4.

Thời điểm đi du học về, có vẻ như chị phải mất một thời gian khá dài, loay hoay để định hình con đường âm nhạc của mình?

– Thời điểm tôi đi du học về, tôi lập gia đình rồi sinh con nên cũng gián đoạn hoạt động âm nhạc một thời gian. Tôi chỉ có một dây thanh, một cổ họng, một giọng hát thôi nên nếu không theo âm nhạc, tôi không biết làm gì khác cả. Tôi cứ đau đáu rằng, mình sẽ phải theo đam mê âm nhạc của mình đến cùng.

Quãng thời gian đi du học, do theo opera nên tôi phải khổ luyện rất nhiều và không có thời gian để làm những việc riêng cho mình. Chẳng hạn, hát một bản Romance hoặc Aria của nước ngoài đã mất cả tuần để vừa vỡ nhạc, vừa thuộc lời. Thời gian luyện các bài nhạc của nước ngoài bao giờ cũng tốn hơn luyện bài nhạc Việt. Việc đóng một vở nhạc kịch lại càng mất nhiều thời gian hơn vì phải hát rất nhiều đoạn, trường đoạn. Vì lẽ đó, tôi không có nhiều thời gian để đầu tư một sản phẩm âm nhạc nào thật công phu và xứng tầm. Tôi nghĩ đó cũng là một sự hy sinh của tôi cho âm nhạc opera.

Ngày xưa, khi nghe các ca sĩ nước ngoài hát opera, tôi cứ thắc mắc “Tại sao họ lại làm được những điều tuyệt vời thế này mà Việt Nam mình chưa làm được?”. Tôi cứ trăn trở mãi với điều đó nên dù mình là một cá thể rất nhỏ nhưng vẫn ấp ủ mong muốn thúc đẩy nền âm nhạc cổ điển của nước mình lên cao hơn.

Chúng ta cứ quen phân biệt âm nhạc cổ điển với âm nhạc không cổ điển chứ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của nước mình đều bước ra từ cái nôi cổ điển. Có thể do khi bước ra khỏi Học viện Âm nhạc, họ hát những dòng nhạc khác nên quên mất cái nôi ban đầu chứ không có nghĩa là họ không hát được âm nhạc cổ điển. Tôi sẽ luôn giữ song song, vừa hát nhạc cổ điển phương Tây, vừa hát nhạc Việt. Vì mình xác định, mình là người Việt Nam, sống ở Việt Nam mà hát nhạc Việt không hay là không được rồi. Chính ra đầu tiên mình phải hát nhạc Việt hay đã rồi mới hát các thể loại khác. Lúc đang du học, tôi chưa bao giờ nghĩ mình phải ở lại nước ngoài hay chỉ hát opera không thôi.

Bây giờ một ngày không đi biểu diễn, chị sẽ tập luyện như thế nào?

– Ngày bình thường của tôi, không đi diễn thì sẽ dạy học và tập luyện. Tập thì tôi chú trọng tập hơi nhiều nhất. Đối với tôi, dù hát nhạc nhẹ hay opera thì phải có cột hơi thật tốt. Tôi tập hơi trước rồi mới tập các vị trí âm thanh khép – mở. Ví dụ, tôi hát nhạc Tây thì giọng bao giờ cũng dựng lên và mở ra. Nhưng khi hát sang nhạc Việt thì bao giờ tôi cũng khép phần cộng minh lại.

Đào Tố Loan: “Cho đến bây giờ, mặc cảm tuổi thơ vẫn đeo bám tôi…”- Ảnh 5.

Nhiều ca sĩ Việt Nam kể rằng, để luyện hơi họ phải sử dụng rất nhiều phương pháp, dụng cụ và uốn mình trong nhiều tư thế hơi “lạ đời”. Chị có phải khổ luyện như thế không?

– Thời đi học ở nước ngoài tôi cũng tập luyện như thế. Tức là tùy vào từng học viên mà có những phương pháp luyện tập khác nhau. Riêng tôi thì khi tập sẽ thả lỏng cơ thể, chỉ dồn vào cơ bụng để giữ hơi và cố gắng khi hát sẽ không được cau mày. Tôi có nhiều “tật” mà giáo sư là người dạy trực tiếp cho tôi đã chỉnh sửa được, riêng cái vụ cau mày là không chỉnh được và tôi cố gắng mấy cũng không sửa được. Bà giáo sư có nói với tôi: “Thôi, cái này thì phải chấp nhận, vì nhiều nghệ sĩ opera trên thế giới cũng mắc phải lỗi này. Nếu con có thể rèn luyện để sửa được thì càng tốt, còn nếu không sửa được thì không sao cả. Nhiều người cau mày khi hát nhưng giọng hát của họ vẫn rất tuyệt vời”.

Khi tập, tôi thường thả lỏng hết, không rướn, không căng, không làm động tác thừa… vì như thế sẽ tạo thành một thói quen, khi ra sân khấu biểu diễn cũng bị như thế. Tuy nhiên, cũng có những người phải luyện tập như thế mới có cảm giác nhưng khi ra sân khấu họ lại tiết chế và điều chỉnh được. Nhiều bạn học của tôi được bà giáo sư vừa cho tập gym, vừa hát opera. Bà còn đeo găng tay y tế, cho tay vào miệng để chỉnh vị trí âm thanh cho học viên.

Ngày xưa, khi thi Sao Mai, tôi được xem là có kỹ thuật khá ổn rồi nhưng khi sang nước ngoài tôi phải học nhiều thứ mới lạ. Tôi mắc cái tật là cái lưỡi bị cứng nên không đưa được hết âm thanh ra ngoài. Và bà giáo dạy tôi từng cầm lưỡi tôi kéo ra ngoài. Có một số bạn, bà giáo phải thọc tay vào mồm vì họng của các bạn không mở được. Các bạn không biết làm thế nào để mở trong, trong khi opera bắt buộc phải mở.

Bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn liên hệ với giáo sư của mình. Bà bảo: “Loan ơi, con giỏi hơn cô rồi đấy! Con vừa hát được cổ điển, vừa hát được nhạc nhẹ… sao con có thể hát được như thế?”. Bà nói thế là vì bà chỉ có thể hát thuần opera thôi. Bên nước ngoài họ rất thích tâm sự, trao đổi kinh nghiệm và rất khiêm tốn. Bà giáo dạy chúng tôi, dù là giáo sư và đã dạy bao nhiêu thế hệ học trò nhưng rất khiêm tốn. Bà cứ bảo: “Loan nói cho cô biết hát cổ điển, sang bán cổ điển rồi nhạc nhẹ thì phải tập luyện như thế nào? Cảm giác của con lúc đó thế nào, vòm họng ra sao?”. Khi tôi chia sẻ với bà thì bà bảo: “Đấy là Thượng đế đã ban cho con sự nhạy bén để điều chỉnh linh hoạt giọng hát của mình, chứ cô thì chỉ có thể hát opera và opera chứ không hát được gì khác”.

Thời điểm Đào Tố Loan tái xuất, từng có thông tin sẽ về giảng dạy tại khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nhưng cuối cùng lại về đầu quân cho Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Lí do vì sao?

– Có thể do tôi chưa đáp ứng đủ điều kiện để về giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn khi mình còn trẻ thì được biểu diễn nhiều hơn. Tôi muốn có sự cọ sát và kinh nghiệm thực tế để sau này có nhiều kiến thức truyền dạy cho các em. Với opera thì sức bền không thể như những dòng nhạc khác nên tôi cũng sẽ toàn tâm toàn ý cho công tác giảng dạy sau khi đã thỏa mãn đam mê.

Đào Tố Loan: “Cho đến bây giờ, mặc cảm tuổi thơ vẫn đeo bám tôi…”- Ảnh 6.

Thông thường, những người được tiếp cận với âm nhạc phương Tây từ sớm, họ sẽ rất hiện đại, phóng khoáng, rộng mở… Tuy nhiên, nhiều người lại nhìn nhận Đào Tố Loan đôi khi hơi khép kín, khó gần. Phải chăng có điều gì đó xuất phát từ hoàn cảnh gia đình khiến chị trở nên như thế?

– Tôi có một tuổi thơ đặc biệt hơn mọi người và sự đặc biệt đó ảnh hưởng rất nhiều đến việc hình thành con người tôi. Sau này, khi theo đuổi âm nhạc, nhiều người tỏ ra thắc mắc khi thấy tôi hơi lạnh lùng, khó gần… nhưng thực ra không phải thế. Mặc dù theo đuổi nghệ thuật nhưng tôi sống hơi nội tâm, khép kín. Xuất phát điểm của tôi rất khó khăn nên tôi gần như co mình lại trong “vở óc” của riêng mình.

Tôi không bao giờ nghĩ mình lại có được cuộc sống như ngày hôm nay. Từ một cô bé mồ côi mẹ, nghèo khổ, đến việc đi học còn khó khăn… thì tôi không bao giờ dám mơ mình trở thành một ngôi sao. Cho đến tận bây giờ, dù đã có chút tên tuổi, cuộc sống ổn định nhưng tôi vẫn không thể thay đổi được bản thân. Tôi vẫn là cô bé có gì đó chân chất, mộc mạc, giản dị, khép kín và hướng nội. Tôi vẫn thích giữ mình như con người cũ. Tôi nghĩ, đôi khi những điều đó sẽ làm cho âm nhạc của mình hay hơn vì âm nhạc xuất phát từ tâm hồn.

Đào Tố Loan: “Cho đến bây giờ, mặc cảm tuổi thơ vẫn đeo bám tôi…”- Ảnh 7.

Có thể hiểu, mất mát và tổn thương lớn nhất của chị chính là phải rời xa mẹ vĩnh viễn từ khi còn bé?

– Thời điểm mẹ tôi qua đời, tôi còn bé lắm nhưng đã cảm nhận rõ nỗi buồn. Hồi đó, tôi cứ đi vật và vật vờ khắp nơi, không ai quan tâm cả. Có những lúc tôi leo lên nằm trên đống rơm hoặc trên nóc nhà nhìn lên bầu trời nghĩ về mẹ. Lúc đó, trong suy nghĩ non nớt của đứa trẻ thơ, tôi cứ đinh ninh mẹ ở trên bầu trời. Có những lúc ba lên cơn say rượu, ba đuổi tôi đi, không cho ở nhà thì tôi lại lang thang lên mộ mẹ nằm. Có lần nằm ngủ quên luôn bên mộ mẹ và trong giấc mơ cứ nghe có ai đó gọi bên tai mình “Loan ơi… dậy đi, Loan ơi… dậy về đi con”, khi tỉnh dậy thấy trời đã nhá nhem tối. Tôi hoảng sợ chạy quáng quàng về nhà, vừa chạy vừa khóc vì tủi thân, vì nhớ mẹ.

Bây giờ, cứ mỗi khi biểu diễn, nhận được những tràng pháo tay của khán giả là tôi luôn có thói quen nhìn lên trên cao. Tôi luôn nghĩ mẹ đang ở trên cao đó và dõi theo mình. Trong sâu thẳm, tôi luôn mơ ước và khát khao được một lần gặp mẹ trong mơ. Cứ mỗi lần nghĩ về mẹ, tôi lại có cảm giác như có một mũi dao đâm xuyên tim mình. Có những lúc tôi khựng lại, nước mắt giàn dụa khi nghĩ đến mẹ. Có thể mọi người chưa ở vào hoàn cảnh của tôi nên nói ra sẽ rất khó để cảm nhận hết. Nhưng quả thật, cứ hễ nghĩ về mẹ là tim tôi đau nhói.

Tuổi thơ của tôi kể ra có thể chỉ vài tiếng đồng hồ là hết nhưng chuỗi ngày đi qua tuổi thơ khủng khiếp đó của chị em tôi lại rất dài. Bây giờ, mỗi khi chị em ngồi nói chuyện với nhau, chúng tôi đều nói mình không có tuổi thơ.

Dù sao tôi cũng cảm ơn những điều được mất trong cuộc đời. Nhờ những điều đó mà mới có Đào Tố Loan ngày hôm nay. Đi lên từ khó khăn nên tôi luôn cứng cáp và mạnh mẽ trước mọi thử thách, mọi sóng gió của cuộc đời. Đối diện với nhiều việc tôi không còn thấy khó khăn hay vất vả nữa. Có lẽ, hoàn cảnh đã rèn cho tôi một ý chí và nghị lực hơi khác mọi người.

Đào Tố Loan: “Cho đến bây giờ, mặc cảm tuổi thơ vẫn đeo bám tôi…”- Ảnh 8.

Ai bước ra đời với hoàn cảnh như chị cũng luôn chất chứa những mặc cảm. Chị phải đối diện và vượt qua mặc cảm đó như thế nào?

– Nhận được câu hỏi này tôi lại nhớ về tuổi thơ mặc quần thủng đít của mình ngày xưa. Ngày đó, cứ mỗi khi thấy tôi mặc quần rách là bạn bè lại chế giễu, trêu chọc, khiến tôi không dám chơi với ai. Cứ lầm lũi đến lớp học rồi lại lầm lũi đi về. Có lần không có tiền đóng học phí đành phải nghỉ học, cô giáo biết chuyện đến nhà động viên và đóng tiền học phí cho.

Chính những mặc cảm tuổi thơ đó như một tấm lá chắn khiến tôi không thể mở lòng để hòa đồng với mọi người được. Cho đến bây giờ mặc cảm đó vẫn đeo bám tôi…

Những người như chị rất khó để hòa nhập với thế giới xung quanh và người xung quanh cũng rất khó để tiếp cận với chị. Vậy chắc hẳn chồng chị cũng phải rất khó khăn để có được trái tim của chị?

– Chồng tôi là mối tình đầu tiên của tôi. Chúng tôi đến với nhau cũng là duyên số. Anh ấy vốn dĩ là bạn thân của anh rể tôi nên anh em biết nhau từ khi tôi còn trẻ. Anh rể tôi mỗi khi sang tán chị gái thường dắt anh bạn thân này đi cùng. Và khi gặp nhau năm tôi 17 tuổi, chúng tôi như trúng tiếng sét ái tình, phải lòng nhau luôn. Nhưng dĩ nhiên, trước khi trở thành tình nhân, hai anh em cũng trải qua một thời gian làm bạn bè trước. Anh ấy thấy tôi có năng khiếu âm nhạc nên hướng cho tôi theo con đường này.

Lúc đầu tôi chủ yếu hát nhạc nhẹ. Ngày xưa giọng tôi như giọng ca sĩ Thu Minh, thậm chí giọng cao hơn. Anh Phúc Tiệp, Lê Anh Dũng là những người biết rõ tôi nhất vì ngày xưa chúng tôi hay đi hát với nhau. Nhưng khi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia thì tôi lại học cổ điển. Nếu hồi đó, có người định hướng kỹ hơn và theo học khoa nhạc nhẹ bên quân đội thì chắc tôi sẽ phát huy được nhiều sở trường và thế mạnh của mình hơn.

Đào Tố Loan: “Cho đến bây giờ, mặc cảm tuổi thơ vẫn đeo bám tôi…”- Ảnh 9.

Ông xã đã hậu thuẫn cho chị như thế nào để chị kiên trì và bền bỉ với dòng nhạc opera – một dòng nhạc vốn cực kỳ kén khán giả, nhất là khán giả Việt?

– Trước hết phải nói, anh ấy là người đã đưa tôi đến với nghệ thuật chuyên nghiệp. Anh ấy không chỉ định hướng mà còn hỗ trợ tôi rất nhiều trong việc học. Mặc dù chỉ cảm nhận bằng tai nghe của một khán giả bình thường nhưng anh ấy đã đưa ra cho tôi rất nhiều góp ý chuẩn xác và khách quan. Nhất là hồi tôi tham gia cuộc thì Sao Mai.

Tôi nhớ mãi, hồi đó tôi chọn bài “Ở rừng nhớ anh” của cố nhạc sĩ An Thuyên để thể hiện. Chính nhạc sĩ An Thuyên lúc đó là thành viên Hội đồng giám khảo đã nhận xét tôi hát bài này hay nhất trong số các ca sĩ từng thể hiện. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì công sức hai anh em ngày đêm tập luyện đã được đền đáp. Anh ấy đã kiên trì ngồi nghe tôi hát, đưa ra các nhận xét để tôi điều chỉnh và điều đó giúp tôi thành công hơn khi thể hiện tác phẩm này.

Kể cả ngày xưa, khi tôi tập vở opera Cô Sao, Lá đỏ… thì anh ấy đều đóng vai trò là khán giả trung thành để góp ý cho tôi. Anh ấy nói cho tôi biết chỗ này của tôi chưa ổn, chỗ kia của tôi cần làm khác đi. Trong cảm nhận của tôi, chồng mình là một người có tâm hồn nghệ thuật và có kiến thức âm nhạc tương đối rộng. Anh cũng là người cảm âm rất tốt.

Chị có chia sẻ là phải lòng ông xã từ năm 17 tuổi. Vậy tại sao đến mãi sau này hai người mới yêu nhau?

– Tức là hồi mới gặp nhau, anh ấy đã thích tôi, tôi cũng thích anh ấy nhưng theo kiểu “tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Cả hai thích nhau nhưng không dám nói ra. Phải đến hai năm sau mới chính thức yêu nhau. Hồi đó, anh ấy giúp đỡ tôi rất nhiều nhưng vì thấy tôi còn quá trẻ nên cũng chưa muốn đặt vấn đề gì vội. Sau này, khi nhận lời yêu nhau rồi thì tôi lại phải đi du học ở Đức, anh vẫn chờ đợi tôi.

Có một kỷ niệm rất đáng nhớ đó là hồi tôi đi du học ở Đức, do khoảng cách địa lý xa xôi, lệch múi giờ nên để nói chuyện được với nhau anh ấy toàn phải thức đến nửa đêm. Thức đêm nhiều khiến anh trở nên hốc hác, gầy guộc… Thế nhưng ngày nào anh cũng thức để trò chuyện với tôi. Ngày tôi về nước, gặp anh mà tôi nhìn không ra nữa vì trông anh tiều tụy quá.

Chúng tôi yêu nhau tới 11 năm mới chính thức nên duyên vợ chồng. Anh ấy biết tôi quá đam mê, quá yêu nghệ thuật nên sẵn sàng hy sinh, đợi chờ tôi.

Đào Tố Loan: “Cho đến bây giờ, mặc cảm tuổi thơ vẫn đeo bám tôi…”- Ảnh 10.

Phải chăng ở giây phút đầu tiên gặp gỡ, chị phải lòng ông xã của mình là bởi ở anh có những điều mà chị thiếu vắng, chị khát khao từ người bố của mình?

– Đúng là như thế. Trong hai năm để chuyển từ tình bạn lên tình yêu, anh ấy với tôi là tất cả. Anh ấy vừa như một người bố, một người mẹ, một người bạn, một người yêu. Cảm giác như anh ấy luôn bảo bọc, chở che, chăm sóc cho mình. Hồi đó, tôi mới 17 – 18 tuổi, lại nhà quê đặc sệt… nên không biết một cái gì cả. Anh ấy là người đã tìm hiểu rồi định hướng cho tôi.

Đào Tố Loan: “Cho đến bây giờ, mặc cảm tuổi thơ vẫn đeo bám tôi…”- Ảnh 11.

Có một thời gian, chúng tôi “cơm không lành, canh không ngọt”, định chia tay nhau. Nhưng tôi đã kịp nhận ra, không có anh ấy, mình trống vắng và hụt hẫng kinh khủng. Kiểu như đang có một chỗ dựa vững chãi, tự nhiên bị mất đi khiến mình hụt hẫng và mất phương hướng. Lúc đó tôi nhận ra, mình không thể thiếu anh ấy được. Không bao giờ tôi tìm được một người đàn ông yêu mình bằng cả trái tim, chăm sóc, chiều chuộng và làm cho mình nhiều thứ đến thế.

Người ta nói, trong tình yêu, tuổi tác đôi khi không quan trọng nhưng để giữ được lửa hôn nhân thì việc xóa nhòa ranh giới tuổi tác cũng là điều rất cần thiết. Vậy, giữa chị và chồng phải hài hòa thế nào để tuổi tác không bao giờ là trở ngại của hôn nhân?

– Tôi may mắn khi gặp được chồng mình là người hài hước, trẻ trung và yêu nghệ thuật. Từ khi sống đời vợ chồng, anh ấy gắn bó với âm nhạc hơn. Anh ấy có sáng tác và là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Anh ấy cũng mở một phòng thu nho nhỏ tại nhà. Những gì anh ấy làm khiến tôi nhận ra là anh luôn cố gắng làm mọi thứ để hòa hợp với tôi.

Đến bây giờ, anh ấy đã ngoài 50 tuổi, còn tôi mới 38… nên thỉnh thoảng chúng tôi cũng có những sự bất đồng do tầm nhìn thế hệ. Tuy nhiên, trong những lần căng thẳng, chúng tôi đều ngồi nói chuyện với nhau và anh ấy luôn nhường tôi. Tôi nhận thấy anh rất cố gắng để hòa hợp với mình về mọi thứ. Đó là điều mà tôi luôn trân trọng và biết ơn anh.

Chị có hài lòng với cuộc sống mà mình đang có?

– Tôi khá hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình. Nếu nói về sự dư giả thì tôi không có, tôi chỉ sống ở mức bình thường. Nhưng nếu nói về tinh thần thì tôi đang có rất nhiều. So sánh với xuất phát điểm của tôi thì tôi không dám mơ gì hơn nữa. Điều quan trọng là tôi đã lấy được một người chồng luôn ủng hộ vợ trong mọi đam mê. Tôi là người sống rất đơn giản, điều mong ước lớn nhất của tôi chỉ là được hát, không đòi hỏi gì thêm nên mọi thứ đối với tôi rất thoải mái. Tôi không cần phải dùng hàng hiệu, không đòi hỏi xe xang, không yêu cầu biệt thự… tôi chỉ cần được hát là đủ.

Trước đây, có nhiều người nói tôi đơn giản quá, lúc đầu tôi không nghe, cứ nghĩ mình sống sao cho thoải mái là được. Nhưng nhiều người góp ý quá nên tôi cũng dần chú ý hơn đến hình thức bên ngoài của mình. Tôi cũng đồng ý quan điểm là nghệ sĩ thì nên chú ý cả việc ăn mặc vì vừa hát tốt, vừa xinh đẹp thì bao giờ cũng sẽ được yêu mến hơn.

Đào Tố Loan: “Cho đến bây giờ, mặc cảm tuổi thơ vẫn đeo bám tôi…”- Ảnh 12.

Được biết nhà chị có 3 chị em gái. Mẹ mất sớm, các chị đã thay mẹ chăm sóc và nuôi dưỡng chị. Vậy chị đáp nghĩa các chị gái của mình như thế nào khi giờ đây đã thành một ca sĩ tên tuổi?

– Sau khi mẹ tôi mất, bố tôi đã đi thêm bước nữa. Nhà tôi có 3 chị em gái nhưng chị thứ hai bị bệnh từ bé, không được bình thường. Ngày xưa, khi còn học ở Học viện Âm nhạc, tôi phải đi làm rất nhiều là để kiếm tiền nuôi chị gái bị bệnh. Tôi và chị cả đã thay nhau chăm sóc người chị thứ hai này. Bây giờ, chị đã đi xa rồi và ở Hà Nội tôi cũng thờ cúng chị.

Nếu hỏi tôi tiếc nuối điều gì nhất trên đời thì tôi sẽ trả lời là mẹ mất quá sớm. Bây giờ con cái phương trưởng, thành công… muốn đền đáp và bù đắp cho mẹ thì mẹ đã không còn. Chị gái cả của tôi bây giờ cũng ở Hà Nội. Hai chị em tôi sống cạnh nhau. Nếu có chuyển nhà thì cũng chuyển cùng nhau vì hai chị em giờ là người thân duy nhất của nhau, chúng tôi nương tựa vào nhau mà sống.

Có lẽ vì thiếu thốn tình cảm của mẹ từ bé nên bây giờ tôi có cảm xúc rất đặc biệt với những ca khúc nói về tình mẹ con. Tôi cũng cảm thấy mình rất đầy đặn cảm xúc khi hát bài Mẹ yêu con của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Có lần tôi đi biểu diễn cùng nghệ sĩ Đăng Dương và khi thấy tôi hát bài này trên sân khấu thì vợ của anh Đăng Dương đã rất xúc động. Chính vì thế mà trong liveshow “Tổ quốc gọi tên mình” của anh Đăng Dương hồi tháng 8/2023, anh ấy đã mời tôi hát lại ca khúc Mẹ yêu con.

Cảm ơn Đào Tố Loan đã chia sẻ thông tin!

Đào Tố Loan: “Cho đến bây giờ, mặc cảm tuổi thơ vẫn đeo bám tôi…”- Ảnh 13.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *