Chủ tịch Phú Thọ yêu cầu 35 doanh nghiệp dừng khai thác cát sỏi

UBND tỉnh Phú Thọ vừa ban hành văn bản 3601/UBND-NNTN (ngày 30/8) về chấn chỉnh tình trạng doanh nghiệp có dấu hiệu không tuân thủ các quy định về thiết kế mỏ trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, nội dung văn bản nêu rõ, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang yêu cầu 35 doanh nghiệp tạm dừng toàn bộ hoạt động khai thác đã được cấp phép khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông đang sử dụng các thiết bị, phương tiện khai thác có công suất khai thác không phù hợp (công suất khai thác lớn hơn so với công suất thiết bị, phương tiện khai thác theo thiết kế được Sở Xây dựng thẩm định, phê duyệt) để lựa chọn thiết bị, phương tiện đúng theo hồ sơ thiết kế khai thác đã được thẩm định, phê duyệt hoặc điều chỉnh công suất khai thác, chế độ khai thác của mỏ…

Theo đó, một số doanh nghiệp khai thác cát, sỏi phải tạm dừng hoạt động như: Công ty Cổ phần Hoàn Hảo, Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả – Huy Hoàng, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Hoàng Gia, Công ty CP Thương mại Hàng Không Nội Bài, Công ty TNHH Quý Viên…

Phú Thọ yêu cầu 35 doanh nghiệp tạm dừng khai thác cát sỏi- Ảnh 1.

Hoạt động khai thác cát ở sông Hồng (Phú Thọ). Ảnh: Hoan Nguyễn

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở TNMT, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên các tuyến sông.

Đồng thời tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến các doanh nghiệp để ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong khai thác khoáng sản, đặc biệt là các hành vi khai thác không đúng giấy phép. Trường hợp các doanh nghiệp không chấp hành hoặc phát hiện các vi phạm có dấu hiệu tội phạm, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, đánh giá, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Sở TNMT tỉnh Phú Thọ được giao chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành, thị tiếp tục rà soát đối với các công ty, doanh nghiệp được cấp phép trên địa bàn, kịp thời báo cáo đối với các trường hợp vi phạm, không để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật trong khai thác. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì kịp thời chuyển hồ sơ cho Công an tỉnh để xử lý theo quy định, đảm bảo ngăn chặn thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thoát tiền và tài sản của Nhà nước.

Ngoài ra, giao Sở TNMT phối hợp với Sở Xây dựng rà soát, yêu cầu các công ty, doanh nghiệp, sau khi đã thực hiện khắc phục các vi phạm, lựa chọn phương tiện, thiết bị theo đúng hồ sơ khai thác, thiết kế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, báo cáo UBND tỉnh Phú Thọ.

“Trong thời gian tạm dừng hoạt động khai thác cát, sỏi, nếu xảy ra tình trạng vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản tại các đơn vị nêu trên, Chủ tịch UBND các huyện thành thị có liên quan, Giám đốc Sở TNMT, Giám đốc Công an tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ”, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ nêu rõ.

Khai thác cát quá mức là nguyên nhân dẫn đến sạt lở ven bờ sông Hồng

Câu chuyện khai thác cát và nỗi lo biến dạng lòng dẫn, địa hình sông Hồng không phải là câu chuyện mới nhưng hệ lụy mà nó gây ra chưa bao giờ cũ.

Một nghiên cứu của Viện Quy hoạch thủy lợi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ ra rằng việc khai thác cát vượt quá mức và thiếu kiểm soát là nguyên nhân chính làm gia tăng tình trạng sạt lở ven bờ và thay đổi dòng chảy của sông Hồng.

Tại địa bàn giáp ranh giữa 2 xã Vĩnh Lại và Cao Xá, thuộc huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, chỉ một khúc sông có tới 5 doanh nghiệp được cấp phép và gia hạn giấy phép để khai thác cát.

Theo quy định, doanh nghiệp phải cắm mốc, thả phao để nhận diện vị trí ranh giới mỏ được phép khai thác, nhưng một số mỏ lại không có phao đánh dấu.

Ngoài ra, theo bản cam kết của doanh nghiệp với địa phương, vị trí khai thác gần nhất cũng phải đảm bảo khoảng cách tới chân đê tối thiểu 500m. Thế nhưng, một số phương tiện tàu hút lại không đảm bảo khoảng cách như vậy.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *