Biển Đông có thể đón bão những ngày tới
Hệ thống Dự báo toàn cầu thuộc Trung tâm dự báo môi trường Hoa Kỳ (GFS) và Trung tâm Dự báo Thời tiết hạn vừa Châu Âu (ECMWF) đưa ra nhận định, trong khoảng cuối tuần này và đầu tuần tới, trên biển Đông có khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới hoạt động.
Biển Đông có thể đón 2 cơn bão những ngày tới.
Cụ thể, khoảng cuối tuần này (13-14/7), trên biển Đông có khả năng hình thành một dải hội tụ nhiệt đới. Trên dải hội tụ nhiệt đới này có thể hình thành nên xoáy thuận nhiệt đới (bão/áp thấp nhiệt đới) gây ảnh hưởng đến thời tiết miền Bắc, miền Trung nước ta.
Ngoài ra, khoảng cuối tuần này trên khu vực giữa Biển Đông có thể thiết lập một dải hội tụ nhiệt đới. Trên dải này khả năng cao sẽ hình thành các nhiễu động, có thể mạnh lên thành vùng áp thấp, áp thấp nhiệt đới hoặc bão. Những nhận định ban đầu cho thấy, xoáy thuận nhiệt đới này có thể ảnh hưởng đến thời tiết các tỉnh miền Bắc, miền Trung nước ta vào cuối tuần này và đầu tuần tới.
Các mô hình cũng nhận định, khu vực ngoài khơi Philippines trong những ngày tới có khả năng hình thành một xoáy thuận nhiệt đới, có thể di chuyển vào Biển Đông.
Hơn 600 ngày không có cơn bão nào đổ bộ vào Việt Nam
Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí hậu Thủy văn Quốc gia cho biết, từ nay đến ngày 10/8, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn từ 0,5-1,0 độ C, riêng khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ cao hơn khoảng 0,1-0,5 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Nắng nóng tiếp tục xảy ra tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ và có khả năng gia tăng về cường độ trong nửa cuối của thời kỳ dự báo.
Khu vực Việt Bắc, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có tổng lượng mưa ở mức xấp xỉ trên so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; các nơi khác thuộc khu vực Bắc Bộ, tổng lượng mưa phổ biến ở mức xấp xỉ dưới so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Trên phạm vi toàn quốc sẽ có nhiều ngày mưa rào và dông; trong đó có khả năng xuất hiện một số đợt mưa vừa, mưa to diện rộng kéo dài khoảng 2-4 ngày. Trên phạm vi cả nước tiếp tục đề phòng các hiện tượng dông, lốc, sét, mưa đá.
Ông Nguyễn Đức Hòa cảnh báo, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão/áp thấp nhiệt đới gió mùa Tây Nam có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên khu vực Biển Đông. Mưa dông mạnh kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các hoạt động dân sinh. Tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ thời kỳ này tiếp tục xuất hiện nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao.
Như vậy, chuỗi ngày kỷ lục không có bão ở Việt Nam vẫn đang ngày càng nới rộng, đến hôm nay là 635 ngày. Từ ngày 16/10/2022 đến nay đã trở thành chuỗi ngày dài nhất trong lịch sử không có cơn bão nào đổ bộ vào Việt Nam (tính từ khi có các dữ liệu quan trắc đầy đủ). Cơn bão gần nhất đổ bộ Việt Nam là bão số 5 (Sơn Ca) ngày 15/10/2022. Từ đó đến nay, đã ghi nhận thêm 8 cơn bão trên biển Đông nhưng không có cơn bão nào đổ bộ nước ta, với 7/8 cơn bão đổ bộ vào miền Nam Trung Quốc.
Đáng chú ý là 2 chuỗi 624 ngày (1975-1977) và 616 ngày (2001-2003) không có bão đều có điểm chung: dừng lại vào tháng 7.
Sau cơn bão Helen ở Phú Khánh (04/11/1975), Việt Nam trải qua năm 1976 không có bất kỳ xoáy thuận nhiệt đới nào đổ bộ vào Việt Nam (chuỗi 624 ngày đó là chuỗi dài nhất không có bất kỳ xoáy thuận (kể cả bão hay áp thấp) nào ở Việt Nam). Hạn hán 1975-1977 ở miền Bắc và Trung Bộ diễn ra gay gắt. Ngày 21/07/1977, bão số 2 Sarah đổ bộ vào Hải Phòng với cường độ cấp 12-13 (theo ghi nhận tại các tài liệu, gió ở Phù Liễn trong cơn bão này thổi giật đến 51m/s). Tại Hải Phòng bão gây cho 160.000m3 đê kè bị sạt trôi, 48 người chết, 228 người bị thương, 48.000 ha ruộng ngập úng. Đây là cơn bão chấm dứt chuỗi ngày “không bão” ở Việt Nam khi ấy.
Sau cơn bão Lingling đổ bộ vào Tuy Hòa, Phú Yên (12/11/2001), Việt Nam trải qua 616 ngày không có bão (chỉ có một áp thấp nhiệt đới ở Quảng Ninh ngày 30/07/2002), năm 2002 không có bão ở Việt Nam. Ngày 22/7/2003, bão số 3 (Koni) đổ bộ vào Nam Định, Ninh Bình với cường độ cấp 9, giật cấp 10-11.
Leave a Reply