Chuyên gia khí tượng: Từ giờ tới cuối năm trên biển Đông sẽ có khoảng 9-11 cơn bão, áp thấp nhiệt đới

Theo cảnh báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng La Nina sẽ tác động đến nước ta từ nay đến cuối năm, nguy cơ xảy ra bão mạnh, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, mất an toàn hồ đập là rất cao.

Theo báo cáo mới nhất từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, từ đầu năm đến nay, nước ta đã chịu ảnh hưởng của 21/22 loại hình thiên tai với trên 630 trận thiên tai gồm cả bão, lũ quét, sạt lở đất, dông lốc, sét… gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Hơn 100 người thiệt mạng và mất tích là con số cao nhất trong 5 năm trở lại đây. 

Miền Bắc là khu vực thiệt hại nhiều nhất, 38 người thiệt mạng do sạt lở đất, 26 người do lũ, lũ quét và 13 người do lốc, sét. Nghiêm trọng nhất là thiên tai xảy ra trong tháng 7. Các trận mưa lớn liên tục nối tiếp nhau gây ra hàng loạt vụ sạt lở đất nghiêm trọng, ngập lụt cũng xảy ra nhiều hơn tại Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Thái Nguyên, Cao Bằng, Hà Nội…

Dự báo từ giờ đến cuối năm mưa lớn, sạt lở, ngập lụt và bão lũ sẽ nhiều hơn trung bình. Kịch bản này tương đối giống với năm 2020, năm có La Nina hoạt động.

Hiện tượng ENSO vẫn đang ở pha trung tính và tiếp tục duy trì đến khoảng cuối tháng 8. Theo dự báo của cơ quan khí tượng Việt Nam, ENSO có thể chuyển sang trạng thái La Nina từ tháng 9 – 11/2024 với xác suất 60 – 70%.

Khí quyển đại dương chuyển trạng thái nhanh từ nóng sang lạnh như vậy sẽ là yếu tố bất lợi có thể gây ra hệ quả thời tiết xấu ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Văn Hưởng – Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã có những phân tích và cảnh báo về diễn biến bão từ nay đến hết năm 2024.

Cụ thể, chuyên gia Nguyễn Văn Hưởng cho hay: “Dự báo, từ nay đến hết năm 2024 có khoảng 9 – 11 cơn bão/áp thấp nhiệt đới và trong đó có khoảng 4 – 6 cơn bão/áp thấp nhiệt đới có thể tác động đến đất liền. Số lượng xoáy thuận nhiệt đới năm nay tương đương so với trung bình nhiều năm”.

Chuyên gia khí tượng: Từ giờ đến cuối năm sẽ có khoảng 9-11 cơn bão/áp thấp nhiệt đới - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Hưởng – Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cung cấp thông tin dự báo thiên tai. Ảnh: VOV

Vào những năm La Nina tác động thì diễn biến mưa bão lũ khốc liệt hơn so với những năm bình thường. Gần đây nhất là năm 2020 cũng có kịch bản ENSO tương đồng khi đầu năm trạng thái El Nino và cuối năm chuyển sang pha La Nina. Năm 2020 là năm kỷ lục của nhiều loại hình thiên tai.

Số lượng bão/áp thấp nhiệt đới nhiều hơn bình thường, mùa mưa dồn dập hơn ở Trung Bộ. Có những điểm ở miền Trung có tổng lượng mưa cao vượt lịch sử (lượng mưa cao gấp 3 – 4 lần so với trung bình nhiều năm).

Với năm 2024, về cuối tháng 8 La Nina có thể bắt đầu tác động nên mưa có thể cao hơn trung bình nhiều năm. Từ tháng 9 trở đi, La Nina hoạt động trùng với giai đoạn mưa bão lũ ở miền Trung. Bão và áp thấp nhiệt đới sẽ tập trung vào nửa cuối mùa bão, từ tháng 9-11 và dồn dập nhất ở khu vực Trung Bộ.

Với miền Bắc mùa mưa sẽ kéo dài đến tháng 10. Trong đó, tháng 8 vẫn là tháng mưa lũ cao điểm. Còn tháng 9 và tháng 10 xu hướng mưa giảm nhưng tổng lượng mưa lại nhiều hơn trung bình nhiều năm từ 5-30%.

Trung Bộ và Tây Nguyên dự báo sẽ mưa nhiều suốt từ tháng 8 đến tháng 11. Tổng lượng mưa sẽ lớn hơn trung bình nhiều năm từ 5-20%. Khu vực Trung và Nam Trung Bộ mưa lớn hơn bình thường 20-30%.

Với những bài học kinh nghiệm từ những năm La Nina như vậy, người dân cần theo dõi bản tin dự báo từ xa từ sớm và kết hợp với những bản tin cảnh báo thời hạn ngắn từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia để có phương án ứng phó kịp thời.

Về phía cơ quan khí tượng, chúng tôi cũng cập nhật thường xuyên, liên tục những diễn biến mới để người dân nắm thông tin sớm”, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng thông tin.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *