Bài giảng về Tết của Việt Nam giành giải Đặc biệt Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử tiếng Anh
Ngày 27/7, Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử tiếng Anh đã được diễn ra tại Hà Nội. Cô Phạm Thuỳ Dương, giáo viên Toán, Trường THCS – THPT Newton, Hà Nội và một đồng nghiệp đã xuất sắc nằm trong 10 nhóm tác giả đã đạt giải Đặc biệt tại cuộc thi này.
Trao đổi với PV báo Dân Việt, cô Dương bày tỏ xúc động khi tham gia cuộc thi: “Mặc dù cuộc thi đã kết thúc được 3 tuần rồi nhưng mỗi lần nhắc đến tôi lại vô cùng xúc động, bồi hồi khi nhìn lại hành trang của mình. Từng trang bài giảng, chúng tôi đã lồng vào đó những gì tâm huyết nhất, sáng tạo nhất và mày mò để làm sao lôi cuốn, sâu chuỗi kiến thức một cách logic, hấp dẫn nhất cho các em học sinh. Đây cũng là điều chúng tôi luôn trăn trở trước mỗi lần soạn giảng”.
Chia sẻ về tác phẩm dự thi đã xuất sắc giành giải Đặc biệt, cô Dương cho hay: “Bài giảng của chúng tôi có chủ đề Tết của Việt Nam. Chúng tôi sâu chuỗi kiến thức thành phiên chợ quê đặc biệt với 5 gian hàng ảo. Mỗi gian hàng giúp học sinh tìm hiểu kiến thức về Tết ở Việt Nam. Bài giảng không chỉ cung cấp kiến thức mà còn giúp các em hiểu thêm về Tết của các dân tộc trên đất nước Việt Nam và các em thêm yêu, tự hào với phong tục quê hương mình”.
Cô Dương cũng cho biết, trước khi thiết kế bài giảng này, cô đã áp dụng phần mềm, thao tác ở ngoài thực tế rồi chọn lọc những gì tinh túy nhất. Sau đó cô đưa vào bài giảng thực tế, đúc rút đóng góp của học sinh và giáo viên để đưa ra sản phẩm trọn vẹn.
“Đây không chỉ là bài giảng đơn thuần mà còn là sự sáng tạo, tâm huyết của người giáo viên với mong muốn làm sao để các lý thuyết đơn thuần trở nên lôi cuốn, logic hấp dẫn cá em học sinh”, cô Dương chia sẻ.
Cô Dương đánh giá, việc xây dựng bài giảng điện tử có vai trò rất quan trọng bởi đây không phải là những trang trình chiếu đơn thuần mà tích hợp nhiều phương tiện giúp học sinh và giáo viên có thể tương tác nhiều chiều. Ví dụ học sinh có thể thao tác ghép nối, kéo thả, tự đưa mình vào bài giảng. Không gian học không chỉ giới hạn trong lớp. Cô Dương tin rằng, bài giảng điện tử một trong những mấu chốt nhằm đổi mới quá trình dạy và học
“Bài giảng được thiết kế sau 3 tháng thử nghiệm và được chúng tôi tìm tòi, đúc kết ra sản phẩm cuối cùng. Thực sự khi đó giáo viên cũng là người đi học chứ không riêng gì các em học sinh”, cô Dương bày tỏ.
Đam mê nghề giáo và có duyên với nhiều cuộc thi
Giành giải Đặc biệt cuộc thi sáng tạo bài giảng E-learning – Start your slide phạm vi Toàn quốc năm nay, ít ai biết rằng, cô Dương rất có duyên với các cuộc thi. Điều đáng nói, mỗi cuộc thi cô tham gia đều mang về toàn giải Nhất và giải Nhì.
Trước đó, cô Dương đạt giải Nhất cuộc thi Giáo viên dạy giỏi cấp trường; Có Sáng kiến kinh nghiệm được Sở công nhận hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng cấp Ngành GDĐT; Giải Nhì cấp Thành phố Hà Nội cuộc thi bài giảng điện tử; Giải Nhì cấp Cụm Nam – Bắc Từ Liêm cuộc thi kỹ năng CNTT; Giải Nhì môn Toán Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp Quận Bắc Từ Liêm…
Khi là sinh viên, cô Dương cũng từng giành Giải Nhất cuộc thi sinh viên Thiết kế Video bài giảng; Giải Nhất cuộc thi sinh viên Viết và sử dụng bảng; Giải Nhất cuộc thi Xử lý tình huống Sư phạm – giải đồng đội; Huy chương Bạc kỳ thi Violympic Toán Toàn Quốc; Giải Nhất cuộc thi Violimpic môn Vật lý cấp tỉnh Quảng Ninh; Giải Nhì cuộc thi Violimpic môn Toán cấp tỉnh Quảng Ninh…
Là giáo viên trẻ, mới ra trường tròn 3 năm, cô Dương luôn vững tin vào tình yêu với nghề giáo của mình. Chia sẻ về lý do chọn nghề này, cô Dương nói: “Có lẽ ai cũng sẽ có một hình tượng cho riêng mình. Giáo viên chủ nhiệm cấp 3 – cô Vũ Hằng chính là người mà tôi luôn ngưỡng mộ. Cô là người nhìn ra được sự phù hợp của tôi với nghề và động viên tôi đến với nghề giáo. Tôi vẫn luôn biết ơn cô và cảm thấy thật đúng đắn với sự lựa chọn này”.
Với tình yêu đó, cô luôn tìm ra phương pháp dạy hay, giúp học sinh bớt áp lực: “Làm thế nào để có thể xâu chuỗi kiến thức một cách logic, đồng thời lôi cuốn học sinh vào bài học luôn là câu hỏi mà tôi trăn trở trước mỗi lần soạn giảng. Tôi sử dụng những hình thức khen thưởng, động viên trong từng buổi học để các em có động lực liên tục chứ không chỉ là kết quả của các kỳ thi định kỳ. Ngoài ra, trong từng tiết học tôi luôn lồng ghép một cách có chọn lọc 1-2 hoạt động có ứng dụng Công nghệ thông tin. Các em tham gia trả lời các câu hỏi như tham gia một trò chơi thú vị”.
Mặc dù nhiều người cho rằng giáo viên là một nghề lương thấp và vất vả, cô Dương đồng tình ý kiến trên nhưng cũng nêu quan điểm: “Tôi nghĩ rằng đích đến của cuộc sống này không chỉ là về lương. Nghề giáo cho tôi nhiều thứ hơn như vậy. Những nụ cười của học sinh khi hiểu bài, cảm giác háo hức của các con khi tham gia một hoạt động thú vị, tình yêu – sự gắn kết cô trò… Tất cả, tất cả đã tạo thành từng ngày hạnh phúc của tôi. Chỉ cần có vậy, tôi sẽ sẵn sàng cống hiến không ngừng nghỉ”.
Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử tiếng Anh được phát động từ ngày 15/1. Kết thúc thời gian nhận bài dự thi, Ban tổ chức đã nhận được 4.079 tác phẩm là các bài giảng điện tử môn Tiếng Anh từ các tác giả trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Ông Nguyễn Tiến Thanh, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam chia sẻ, sau 6 tháng triển khai cuộc thi đã hoàn thành mục tiêu đề ra: “Kho bài giảng điện tử tiếng Anh có được từ cuộc thi sẽ góp phần thực hiện một trong các nhiệm vụ trọng tâm của chủ trương chuyển đổi số trong giáo dục là tăng cường xây dựng học liệu số, từ đó giáo viên, học sinh có thể khai thác sử dụng một cách hiệu quả. Cuộc thi cũng góp phần thúc đẩy, nâng cao kỹ năng số cho đội ngũ giáo viên. Ở đây là các nội dung gắn với thực tế công việc như ứng dụng các phần mềm dạy học, xây dựng học liệu số, bài giảng điện tử”.
Leave a Reply