Chúng tôi ghé giàn phơi con ruốc của chị Cao Lệ Thu, ấp Ðá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) khi trời sắp về chiều.
Người dân xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) ra biển vớt con ruốc khi loài hải sản giáp xác này nổi dày đặc.
Chị Thu phấn khởi cho biết: “Từ sáng tới chiều nay chắc được cỡ 100 sọt ruốc, mà chuyến cuối này bán ruốc tươi, vì phơi sẽ không đủ nắng. Từ đầu tháng 4 âm lịch tới giờ, gia đình đi được 4 con nước, được chừng hơn 2 tấn ruốc khô.
Do mưa gió, biển động nhiều nên ngư dân không dám ra biển. Làm nghề ruốc phải theo dõi thời tiết, vì nếu đem con ruốc ra phơi mà gặp mưa bất chợt là coi như hư mẻ ruốc, lỗ công sức”.
Trung bình 4 kg ruốc tươi sẽ được 1 kg ruốc khô. Hiện giá ruốc khô 40-45 ngàn đồng/kg, ruốc tươi từ 8-10 ngàn đồng/kg.
Con nước này, tranh thủ nắng được mấy ngày, bà con vùng biển Ðá Bạc ra biển khai thác con ruốc. Mỗi hộ ngư dân được trên dưới 1 tấn đến vài tấn ruốc tươi, tuỳ số lượng phương tiện và công suất lớn, nhỏ, mang về từ vài triệu đến chục triệu đồng/ngày.
Mùa con ruốc ở đây sẽ kéo dài đến khoảng tháng 8 âm lịch. Con nước này ruốc nhiều, mọi người ai cũng vui, hối hả, không khí lao động tạo nên sự nhộn nhịp, rộn ràng cả một vùng nơi biển Tây.
Ðối với những hộ gia đình ít hoặc không đất sản xuất, mùa ruốc là nguồn thu nhập chính, mùa lộc biển “ăn nên làm ra” lớn nhất trong năm.
Từ sáng sớm, nhiều phương tiện lớn, nhỏ chở đầy con ruốc đã cập bến. Nhà nào phương tiện nhỏ, ít thì mỗi ngày cũng khai thác được trên dưới 1 tấn ruốc tươi.
Ruốc tươi và ruốc khô tự nhiên dùng làm quà biếu và chế biến được nhiều món ăn ngon, giàu dinh dưỡng. Nhiều hộ đầu tư giàn cao ráo để phơi ruốc sạch sẽ, thơm ngon hơn.
Leave a Reply