Đó là mô hình chăn nuôi heo rừng có hiệu quả kinh tế cao của anh Nguyễn Quốc Thể, nông dân ấp Đức An, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau).
Cách nuôi heo rừng của anh Thể đã giúp cho gia đình tăng thu nhập và góp phần tạo ra hướng đi mới trong sản xuất cho bà nông dân trong và ngoài xã.
Nhiều năm liền gia đình anh Thể nuôi heo thịt (heo cỏ) không hiệu quả, do dịch bệnh, chi phí đầu vào cao, giá heo hơi giảm mạnh nên nuôi không có lãi, có khi còn bị lỗ vốn.
Sau khi tìm hiểu trên Internet, sách, báo, truyền thông và những người nuôi trước, đầu năm 2020, anh Nguyễn Quốc Thể quyết định thực hiện mô hình nuôi heo rừng, với mong muốn tạo ra hướng đi mới cho sản xuất của gia đình.
Bằng nguồn vốn vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) và tiền giành dụm của gia đình, anh đã mua 3 con heo rừng giống về nuôi thử nghiệm với giá 10 triệu đồng/con.
Mô hình nuôi heo rừng của gia đình anh Nguyễn Quốc Thể, nông dân chăn nuôi giỏi ấp Đức An, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau).
Anh Quốc Thể sử dụng chuồng nuôi heo cũ trước đó, vừa làm, vừa tiếp tục tham khảo kỹ thuật nuôi heo rừng từ báo, đài và từ những người đi trước.
Sau gần 3 năm nuôi heo rừng, đến nay nhiều lứa heo rừng đã được anh Quốc Thể xuất chuồng trong niềm vui khó tả của gia đình.
Anh Thể chia sẻ, việc nuôi heo rừng không khó mà ngược lại lại rất dễ nuôi.
Heo rừng vốn là loài động vật hoang dã nên chúng còn có khả năng chống chọi với sự thay đổi thất thường của thời tiết tốt hơn các giống heo thịt mà người dân đang nuôi phổ biến tại địa phương.
Một đàn heo rừng đang được anh Quốc Thể nuôi tại gia đình. Heo rừng vốn là loài động vật hoang dã dễ nuôi, ăn tạp, tận dụng các loại rau, củ, trái cây hư hỏng để làm thức ăn cho đàn heo rừng.
“Heo rừng vốn là động vật hoang dã ăn tạp, nên mình có thể tận dụng nhiều nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương như các loại rau, củ, cây chuối…
Ngoài ra, tôi còn liên hệ với các sạp bán trái cây, rau, củ quả để xin những loại bị hư, dập về cho heo rừng ăn, giảm được một phần chi phí thức ăn cho heo rừng….”, anh Quốc Thể chia sẻ.
Anh Thể cho biết thêm, trong khi nhiều hộ dân nuôi heo thịt theo hướng truyền thống trước nay khá lo lắng vì giá cả thị trường thiếu ổn định, chi phí đầu vào cao, thì gia đình anh lại an tâm hơn vì nuôi heo rừng chi phí nuôi thấp, và thị trường dễ tiêu thụ hơn.
Đến nay, anh Thể đã tăng đàn heo rừng nuôi lên 8 con heo mẹ, và lúc nào cũng có đàn heo thịt từ 25 – 30 con.
Mỗi năm, một heo rừng mẹ đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 8 đến 10 heo rừng con. Heo rừng sau tách mẹ nuôi thêm từ 6 – 8 tháng là có thể xuất bán thành heo rừng thịt.
Thời điểm xuất bản, heo rừng thịt có trọng lượng mỗi con khoảng 20 kg, giá heo hơi bán là 120.000 đồng/kg, còn đối với heo rừng giống mỗi con khoảng 10 kg có giá bán 1.000.000 đồng/con.
Nhờ sự cần cù, chịu khó, sau khi trừ các khoản chi phí thì mỗi năm lợi nhuận bình quân anh Thể thu được từ từ việc nuôi heo rừng khoảng 170 – 180 triệu đồng.
Anh Thể tận dụng số chuồng trại nuôi heo truyền thống trước kia để thả nuôi heo rừng. Mô hình nuôi heo rừng của anh Thể ở ấp Đức An, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau).
Theo ông Nguyễn Minh Luân – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hưng (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) cho biết, mô hình chăn nuôi heo rừng của ông Thể đạt hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình nuôi heo rừng của gia đình anh Thể đã được các ban ngành, đoàn thể của địa phương tuyên truyền, vận động nông dân nhân rộng. Từ đó, nhiều hộ dân ở trong và ngoài xã đã đến học hỏi kinh nghiệm nuôi heo rừng về áp dụng vào thực tiễn chăn nuôi con đặc sản của gia đình.
Có thể nói, vốn là động vật hoang dã nên heo rừng vẫn còn đặc tính hoang dã, có sức đề kháng tốt nên dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc, có thể nuôi nhốt như heo thuần hoặc thả tự do. Mô hình nuôi heo rừng đem lại hiệu quả kinh tế khá cao và đang được nhân rộng trên địa bàn xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.
Leave a Reply