Con vật quái ác tàn phá cánh đồng, nông dân Hải Dương thuê hẳn một doanh nghiệp về làm hợp đồng tiêu diệt

Hợp Tiến là 1 trong 5 xã đầu tiên thực hiện chỉ đạo của huyện về tổ chức đánh bắt chuột có đền bù do Công ty Kiểm soát côn trùng và động vật gây hại Trung ương đảm nhận từ vụ mùa năm 2023.

Ngay từ vụ đầu, tình trạng chuột gây hại đã được kiểm soát và giảm rõ rệt. Đến vụ đông xuân năm 2023-2024, nghiệm thu kết quả cho thấy 99,8% số diện tích lúa được bảo vệ, tỷ lệ thiệt hại chỉ còn 0,2%. Nhờ vậy, năng suất lúa tăng lên, nông dân rất phấn khởi. Trước đây, nhiều vụ xã Hợp Tiến có trên 15 ha gần khu chuyển đổi, gò đống, bãi rác bị bỏ hoang, người dân không dám cấy vì chuột phá. Giờ đây, tình trạng này không còn nữa.

Hợp đồng diệt chuột có đền bù, Nam Sách giải vấn nạn chuột phá - Ảnh 1.

Kỹ thuật viên Công ty TNHH Kiểm soát côn trùng và động vật gây hại Trung ương tổ chức các đợt đánh bắt chuột để bảo vệ lúa

Tại xã Nam Hồng, nếu như những vụ trước ni lông căng trắng các cánh đồng, tình trạng chuột cắn phá còn nhiều thì vụ mùa này đã hoàn toàn khác. Tình trạng chuột cắn phá đã được kiểm soát, ngay cả những chân ruộng gần gò đống, gần bãi rác cũng không thấy dấu vết chuột cắn phá. Các cánh đồng không còn tình trạng căng che ni lông nhiều như những vụ trước nữa.

Sau khi thí điểm đạt hiệu quả tại các xã khu I, từ vụ mùa năm 2023, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp Công ty Kiểm soát côn trùng và động vật gây hại Trung ương tuyên truyền, tổ chức xin ý kiến của nhân dân về việc tổ chức đánh bắt chuột tập trung có đền bù. Vụ đông xuân năm 2023-2024, toàn huyện có 15 xã ký kết với công ty. Trong đó, có 12 xã đăng ký đánh bắt tập trung, mức thu từ 60.000 – 70.000 đồng/sào/vụ, định mức đền bù là 1.000 đồng/m2.

Có 3 đơn vị tự thực hiện dưới sự hướng dẫn kỹ thuật và dùng thuốc của công ty. Hiệu quả mô hình đánh bắt chuột tập trung có hợp đồng đền bù đem lại hiệu quả khá rõ rệt. Hơn 99% diện tích được bảo vệ không bị chuột gây hại. Nông dân yên tâm sản xuất, không phải mất thời gian và tốn chi phí cho việc đánh bắt chuột như trước đây.

Hợp đồng diệt chuột có đền bù, Nam Sách giải vấn nạn chuột phá - Ảnh 2.

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Sách cùng cán bộ Công ty Kiểm soát côn trùng và động vật gây hại Trung ương kiểm tra diện tích lúa được đánh bắt chuột có đền bù

Vụ mùa năm 2024, trên địa bàn huyện có 16 xã, thị trấn và thôn Chi Đoan, xã Cộng Hòa ký hợp đồng với Công ty Kiểm soát côn trùng và động vật gây hại Trung ương. Trong đó, 3 đơn vị được công ty cấp thuốc và chuyển giao kỹ thuật là An Lâm, Thanh Quang và thị trấn Nam Sách. Mức thu và đền bù vẫn như vụ trước. 2 xã Minh Tân và Thái Tân vẫn còn thời hạn hợp đồng với Tổ đánh bắt chuột của huyện Lương tài, tỉnh Bắc Ninh.

Từ đầu vụ đến nay, các xã, thị trấn đã phối hợp tổ chức nhiều đợt đánh bắt chuột tập trung đồng loạt nhằm kiểm soát tình hình chuột gây hại. Riêng Công ty Kiểm soát côn trùng và động vật gây hại Trung ương đã tổ chức 4 đợt tập trung và các đợt xung yếu nhằm tăng cường hiệu quả đánh bắt.

Việc tổ chức đánh bắt đạt hiệu quả cao, tình trạng chuột cắn phá đã được kiểm soát. Tại các xã, thị trấn ký hợp đồng với doanh nghiệp đã không còn tình trạng nông dân căng ni lông. Tuy nhiên với 2 xã Thái Tân, Minh Tân ký hợp đồng với với tổ đánh bắt chuột của huyện Lương Tài (Bắc Ninh) và các thôn của xã Cộng Hòa không có hợp đồng đánh bắt chuột thì tình trạng chuột cắn phá vẫn còn rải rác, người dân vẫn căng ni lông. Điều này khẳng định việc Công ty Kiểm soát côn trùng và động vật gây hại Trung ương thực hiện đánh bắt chuột đạt hiệu quả cao hơn.

Việc tổ chức thành công đánh bắt chuột có đền bù bảo vệ sản xuất chính là một trong những giải pháp hữu hiệu gỡ khó cho nông nghiệp huyện Nam Sách bấy lâu đi tìm lời giải cho bài toán diệt “giặc chuột”.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *