Không nằm ngoài dự đoán của dư luận, Toà Phúc thẩm Paris hôm qua, 22/8, đã ra phán quyết cũng như phán quyết của Toà sơ thẩm Evry vào năm 2021 – đó là bác đơn kiện của bà Trần Tố Nga đối với 14 công ty hóa chất của Mỹ. Kết quả này cũng tương tự như kết quả vụ kiện của những nạn nhân người Việt ra toà án Mỹ gần 20 năm trước.
Cả thế giới đều biết, trong vòng 10 năm, kể từ năm 1961, Mỹ đã phun rải hơn 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó có hơn 61% là chất độc da cam-dioxin xuống làng mạc Việt Nam, gây ra những hậu quả tàn khốc cho người Việt và giống nói Việt chúng ta.
Khi rải chất độc da cam xuống Việt Nam, Chính phủ Mỹ tuyên bố đây chỉ là thuốc phát quang, không có chất độc hại và cũng không gây ảnh hưởng nào đối với con người. Tuyên bố đó được in thành truyền đơn rải khắp nơi, thực chất là lừa dối dân chúng.
Thực tế thì chất độc này không chỉ giết người hàng loạt mà còn để lại những di chứng bệnh tật nghiêm trọng ngặt nghèo mà nhân loại không tưởng tưởng nổi, nó không chỉ ảnh hưởng tới 1 thế hệ mà di truyền tới những thế hệ sau này. Đó là chưa kể tác hại dai dẳng của chúng đối với môi trường sống kéo dài đến tận ngày nay. Bởi vậy mà Chính phủ Mỹ phải phối hợp với Việt Nam thực hiện tẩy độc dioxin ở những vùng bị ô nhiễm nặng.
Hàng trăm ngàn người Việt Nam đã thiệt mạng vì chất độc này, gần 5 triệu người Việt là nạn nhân bị phơi nhiễm với biết bao nhiêu là di chứng ung thư và dị tật cho con cháu, đến nay là thế hệ thứ 4. Hàng triệu lính Mỹ và đồng minh của Mỹ trên chiến trường cũng bị phơi nhiễm chất độc này và vô số người đã chết sau chiến tranh cùng những di chứng để lại cho con cháu họ.
Nhưng Chính phủ Mỹ đã phủi bỏ trách nhiệm, họ sử dụng điều luật miễn trừ, không cho phép họ bị kiện. Các công ty hoá chất tuyên bố họ cũng được miễn trừ trách nhiệm, vì họ chỉ là những nhà thầu thực hiện yêu cầu của Chính phủ Mỹ.
Các cựu binh Mỹ bị phơi nhiễm chất độc da cam sau chiến tranh đã kiện các công ty hóa chất. Các công ty này bị buộc phải bồi thường, dù không thừa nhận sai trái.
Một toà án của Hàn Quốc thụ lý đơn kiện của cựu chiến binh nước này tham chiến ở Việt Nam bị phơi nhiễm chất da cam-dioxin, dẫn báo cáo của Viện hàn lâm khoa học Hoa Kỳ về quan hệ nhân quả giữa chất da cam-dioxin với 11 căn bệnh, đã ra phán quyết buộc một số công ty hoá chất Mỹ bồi thường chi phí chăm sóc sức khoẻ cho các nguyên đơn Hàn Quốc. Các cựu binh Úc tham chiến ở Việt Nam cũng được bồi thường.
“Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ nạn nhân chất độc da cam/ dioxin, yêu cầu các công ty sản xuất hóa chất cho Hoa Kỳ trong chiến tranh khiến hàng triệu người Việt Nam là nạn nhân có trách nhiệm khắc phục hậu quả họ gây ra” – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố ngày 22/8/2024.
Tóm lại, các cựu binh Mỹ, Hàn Quốc, Australia… tham chiến ở Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam, dù là nạn nhân gián tiếp, cũng đều được các công ty hoá chất bồi thường ở các mức độ khác nhau.
Chúng ta hoan nghênh các nạn nhân này đã tiếp cận được với công lý, dù quá trình này không hề đơn giản, thuận lợi.
Nhưng hàng triệu người Việt là nạn nhân trực tiếp của chất độc da cam đã chết thảm hoặc đang sống trong bệnh tật ngặt nghèo, vẫn không có cơ hội tiếp cận với công lý. Các toà án ở Mỹ và toà án quốc tế vẫn đứng về phía những kẻ từng gây ra tội ác.
Bà Trần Tố Nga tuyên bố không dừng lại mà sẽ kháng cáo lên Toà giám đốc thẩm tối cao, mặc dù bà không kỳ vọng sẽ có công lý từ Toà tối cao này.
Tự sự trên báo Dân Việt, bà từng khẳng khái thể hiện quyết tâm của mình: “Tôi năm nay đã 82 tuổi, cuộc chiến đấu vì công lý cho nạn nhân da cam sẽ còn đi tiếp và chưa biết bao giờ sẽ dừng lại. Và tôi cũng không biết chắc mình còn bao nhiêu lần phải ra tòa nữa. Nhưng tôi vẫn luôn sẵn sàng, với một niềm tin và sự kiên định không thể lay chuyển”.
Tôi cũng rất muốn lặp lời khẳng định của bà Nga ngay sau phiên xử tại tòa sơ thẩm Evry (Pháp) hồi tháng 1/2021: “Tố Nga không đơn độc – những chữ ấy được lặp đi lặp lại không chỉ ở Việt Nam, không chỉ ở Paris, New York, Bruxelles, Lausanne mà ở mọi lúc mọi nơi khi người ta nói về vụ kiện, như một lời động viên, một cách truyền năng lượng và niềm tin cho bà già tóc bạc là tôi”.
Vâng, tôi biết bà Trần Tố Nga đã, đang và sẽ không bao giờ đơn độc. Lương tri và khoa học đang đứng về phía các nạn nhân da cam, đứng về phía bà Nga. Vụ kiện một lần nữa cho thế giới thấy dân tộc Việt Nam không tự mình gây ra bất hạnh cho mình. Những kẻ gây ra bất hạnh cho người khác phải chịu trách nhiệm. Hôm nay không chịu trách nhiệm thì ngày mai phải chịu trách nhiệm.
Vụ kiện một lần nữa cũng cho chúng ta thấy: Con đường tìm đến công lý không bao giờ là dễ dàng, bằng phẳng.
Leave a Reply