Cựu chiến binh hơn nửa thế kỷ chờ phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND

Trong giấc mơ những trận đánh vẫn hiện về

Cả một buổi sáng, chúng tôi ngồi trò chuyện với ông Lê Quang Tạo sinh năm 1952, tại căn phòng bảo vệ nơi ông làm việc, ông đã kể về những trận chiến đấu đã tham gia, với ông vào sinh ra tử nó nhẹ nhàng đơn giản đến khó tả. 

Ông Tạo kể: “Năm 1968, đang là học sinh mới 16 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tôi nhập ngũ, biên chế vào tiểu đoàn 26- Bộ Tư lệnh Thủ đô. Sau 3 tháng huấn luyện, tôi được điều về Sư đoàn 305 đặc công, đến tháng 4/1969, tôi cùng đơn vị được điều sang Lào chiến đấu tại chiến dịch Mường Sủi. Tại trận đánh này tôi cùng 3 đồng chí bắt sống 25 tên địch, với đầy đủ trang bị vũ khí, giao cho quân đội Lào xử lý”.

Sau trận Mường Sủi, ông cùng đơn vị lên đường trở lại chiến trường Quảng Trị. Tại đây ông và đơn vị chiến đấu tại khu vực Cồn Tiên, Dốc Miếu cao điểm 544 và Đầu Mầu – căn cứ án ngữ phía Bắc Quảng Trị, trong đó có cao điểm 402. Lúc này, ông là tiểu đội trưởng Tiểu đội 8, Đại đội 4, Tiểu đoàn 13 đặc công. “Tại cao điểm 402, tôi chỉ huy tiểu đội đã chiến đấu tiêu diệt 68 tên của Trung đoàn 2 thám báo địch”, ông nói.

Cựu chiến binh đặc công hơn nửa thế kỷ chờ phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND- Ảnh 1.

Ông Lê Quang Tạo kể về những trận chiến đấu sinh tử của mình. Ảnh G.T

Tháng 5/1970, đơn vị của ông lại nhận lệnh trở lại cánh đồng Chum tỉnh Xiêng Khoảng nước bạn Lào và được bổ sung về mặt trận 959. Tại đây đơn vị được phân công nhiệm vụ chiến đấu tại cao điểm 1900A, 1900B, 2000 ( Phu Lũng Mạc).

“Tháng 10/1970, đơn vị chuẩn bị cho chiến dịch giai đoạn 2, giải phóng cánh đồng Chum. Khi mặt trận họp tại hang Phu Nhu, tôi được Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương – Chính uỷ kiêm Tư lệnh mặt trận, trực tiếp giao nhiệm vụ đánh bộc phá làm hiệu lệnh mở màn chiến dịch. Trận đánh Bản Na tiến sâu vào cánh đồng Chum giai đoạn 2, để toàn mặt trận tiến vào Sảm Thông, Loong Chẹng – sào huyệt cuối cùng của quân phỉ Vàng Pao”, ông Tạo cho biết. 

Ông kể tiếp: “Lúc đó tôi ôm khối bộc phá, vận động lên đến lô cốt sở chỉ huy quân địch, bị chúng phát hiện bắn như mưa, nhưng tôi vẫn tiến đến chân lô cốt và giật kíp nổ. Khi thấy kíp tóe lửa bắt vào ngòi cháy, tôi mới quay đầu chạy, được khoảng 10 bước chân thì 1 tiếng nổ vang trời, tôi bị hất văng xuống sườn đồi ngất lịm. Lúc đồng đội tìm thấy thì tôi bị thương ở chân phải, đứt gân kheo sau và bị thương ở đầu. Sau đó tôi được cấp trên đánh giá là chiến sĩ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, và rất may mắn chỉ bị thương vẫn chiến đấu tiếp được”.

Tháng 10/1971 tại hội nghị ở Con Cuông, Nghệ An, tổng kết chiến dịch, ông được mặt trận cử về dự hội nghị mừng công. Ông được đề nghị thưởng Huân chương chiến công hạng nhất, được mặt trận 959 quân tình nguyện công bố tại hội nghị để hoàn tất hồ sơ đề nghị  Nhà nước phong tặng Anh hùng LLVTND. “Hồ sơ đề nghị xét phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND  do đồng chí Tiếp – lúc đó là Trưởng phòng chính sách mặt trận 959 gửi lên Bộ Quốc phòng”, ông cho hay.

Sau hội nghị, ông được cử đi học nhưng ông xin ở lại mặt trận tiếp tục chiến đấu.  Ông được điều về Đoàn chuyên gia của Bộ tư lệnh 959 với cấp bậc trung uý. Đến tháng 7/1974, ông hoàn thành nhiệm vụ được phục viên.

Để xác nhận cho những lời kể của ông Tạo, chúng tôi tìm gặp Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương – nguyên Chính uỷ kiêm Tư lệnh mặt trận 959. Vị tướng này năm nay đã 102 tuổi nhưng rất minh mẫn, ông hiện nay là Trưởng ban liên lạc toàn quốc quân tình nguyện chuyên gia quân sự Việt Nam, giúp cách mạng Lào. 

Thiếu tướng Hương cho biết: Với thành tích chiến đấu xuất sắc, Mặt trận 959 đã đề nghị Nhà nước xét tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho ông Lê Quang Tạo.

Cựu chiến binh đặc công hơn nửa thế kỷ chờ phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND- Ảnh 2.

Biên bản xác nhận về thành tích của ông Lê Quang Tạo do Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương ký hơn 10 năm trước. Ảnh G.T

Việc đề nghị xét tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho ông Tạo đã được Ban chỉ huy quân sự huyện Gia Lâm, Hà Nội, rà soát, làm hồ sơ hoàn chỉnh từ tháng 3/2014, gửi lên Bộ Quốc phòng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Mong giáo dục tinh thần yêu nước của thế hệ trẻ hiện nay

Khi hồ sơ xét tặng danh hiệu của ông Tạo được Bộ tư lệnh Thủ đô trình lên Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam), Cục đã có văn bản số 399/TH-TĐKT gửi Ban liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào. Trong văn bản này, Cục nêu rõ: Tiểu đoàn 13 và Bộ Tư lệnh 959 quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào (đơn vị quản lý trực tiếp ông Tạo trong chiến đấu) đã giải thể nên không còn cơ sở xác minh, thẩm định thành tích và làm thủ tục xem xét, đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho ông Lê Quang Tạo. Cục Tuyên huấn đề nghị Ban liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào cử đại diện làm việc với Phòng Thi đua – Khen thưởng và Bộ Tư lệnh Đặc công (đơn vị đầu tiên tiếp nhận ông Tạo sau khi ông hoàn thành khóa huấn luyện tại Bộ Tư lệnh Thủ đô) thống nhất chủ trương, biện pháp thực hiện việc xem xét, đề nghị phong tặng danh hiệu cho ông Tạo.

Cựu chiến binh đặc công hơn nửa thế kỷ chờ phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND- Ảnh 3.

Những xác nhận của các cơ quan đoàn thể huyện Gia Lâm về thành tích của ông Tạo trong hồ sơ đề nghị tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Ảnh G.T

Tuy nhiên, trong văn bản số 1072/ĐK-TĐ, Cục Chính trị – Bộ Tư lệnh Đặc công lại cho rằng, trước khi phục viên, ông Tạo thuộc biên chế của Bộ Tư lệnh 959 quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào. Như vậy, thành tích trong chiến đấu của ông Tạo và Tiểu đoàn 13 do Bộ Tư lệnh 959 quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào quản lý. Binh chủng Đặc công không tiếp nhận hồ sơ có liên quan đến Tiểu đoàn Đặc công 13 và cá nhân ông Lê Quang Tạo. Công văn cũng ghi rõ: Binh chủng Đặc công không có cơ sở để làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho ông Lê Quang Tạo. Đề nghị Ban liên lạc Cựu chiến binh quân tình nguyện và chuyên gia quân sự tại Lào liên hệ với Cục Tuyên huấn -Tổng cục Chính trị để xác minh, kiểm tra và có kết luận trả lời cho ông Tạo.

Cựu chiến binh đặc công hơn nửa thế kỷ chờ phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND- Ảnh 4.

Tới giờ ông Lê Quang Tạo đang mong chờ được Nhà nước ghi nhận công lao của mình và đồng đội trong chiến đấu hơn 50 năm trước. Ảnh G.T

Sau những giờ phút sôi nổi nói về quãng đường chiến đấu quên mình thời trai trẻ, ông Tạo bỗng trùng xuống và chia sẻ tâm can của mình: “Khi xung phong ra mặt trận chiến tôi không bao giờ nghĩ mình có thể làm “anh hùng”. Nhưng vì lòng yêu nước, vì tinh thần cách mạng mà tôi đã không ngần ngại nhận nhiệm vụ dù có thể phải hi sinh.  Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, tôi đã quay về quê hương xây dựng kinh tế, và rất gương mẫu trong lối sống. Năm nay hơn 70 tuổi vẫn làm bảo vệ góp phần giữ gìn bình yên cho xã hội.  Với những gì đã đóng góp, tôi mong muốn Nhà nước hãy ghi công xứng đáng cho tôi, để cho thế hệ trẻ quê hương tôi thấy được qua những gì mình đã cống hiến, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước của các cháu”.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *