Sóng biển lớn, gây sạt lở khiến người dân lo lắng
Ngày 18/7, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Thành Thắng, Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) cho biết, suốt mấy năm qua bà con sống trong khu vực bị nước biển xâm thực, gây sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân…
Theo ông Nguyễn Thành Thắng, vào những ngày biển có sóng to, gió lớn gặp lúc triều cường dâng cao, người dân sinh sống ở khu vực bị xâm nhập cảm thấy bất an. Vì vậy, mấy năm qua, bà con mong các cơ quan cấp trên sớm xây kè bảo vệ vùng biển bị sạt lở. Nay hay tin HĐND tỉnh Bình Thuận thông qua chủ trương đầu tư gần 40 tỷ đồng để thực hiện kè ven biển bà con ai cũng mừng…
Theo phản ánh của người dân sống trong vùng sạt lở ở xã Bình Thạnh, hàng năm vào thời điểm tháng 8 – 10, sóng biển vùng này rất mạnh. Sóng biển kết hợp triều cường đánh liên tục vào bờ gây sạt lở, khiến bờ biển bị xâm thực tiến sâu vào đất liền làm hàng chục hộ dân phải di dời.
Riêng các hộ dân phía trong phải dùng bao tải cát hoặc đá hộc xếp chèn chặt để giảm thiểu mức độ xâm thực của biển. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, không có tính lâu dài khiến người dân hoang mang, lo lắng…
Theo UBND xã Bình Thạnh, dự án đầu tư kè biển xã Bình Thạnh có tổng chiều dài 955m, đã được cấp trên đầu tư hoàn thành, đưa vào sử dụng 512m vào năm 2012. Phần còn lại 483m kè chưa thi công và thường xuyên bị sóng biển xâm thực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân…
Trước đây, bãi bồi ven biển cách nhà dân khoảng 8m, người dân trồng dừa để chống xâm thực nhưng sóng biển cũng đã lấy đi hàng dừa này, thậm chí còn làm sập nhà dân.
Theo ghi nhận của PV, đoạn kè chưa thi công nằm trên địa bàn thôn 1, thôn 2 và thôn 3 xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong.
Còn theo UBND xã Bình Thạnh, khu vực này là nơi chủ yếu tập trung dân cư và cường độ xâm thực ngày càng phức tạp hơn. Do là xã bãi ngang tác động của thủy triều khi ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam kết hợp với khi bị ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, bão thì tình hình nghiêm trọng hơn…
CLip: Khu vực chưa xây kè bị sóng biển, nước biển gây sạt lở khiến người dân xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong lo lắng. Thực hiện: PV
Đến thời điểm này đã bị sạt lở qua khỏi nhà dân từ 4m-5m. Những lúc bị ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới hoặc bão thì nước biển dâng cao qua nhà dân sâu hơn 10 mét. Khu vực này có 52 hộ/208 khẩu đang sinh sống giáp với bờ biển đang bị ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân rất nhiều.
“Do đó, khi hay tin cấp trên thông qua chủ trương đầu tư gần 40 tỷ đồng để xây dựng bờ kè, bà con ở đây ai cũng hy vọng công trình sớm được triển khai để bà con an cư lạc nghiệp…”, ông Nguyễn Thành Thắng, Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh chia sẻ.
Công trình phục vụ người dân vùng biển
Trước đó, ngày 17/7, HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI đã khai mạc kỳ họp thứ 24 và ông Nguyễn Hoài Anh – Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND cùng Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Tiêu Hồng Phúc làm chủ tọa.
Tại kỳ họp HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI đã thống nhất thông qua chủ trương đầu tư gần 40 tỷ đồng (từ nguồn vốn ngân sách tỉnh Bình Thuận) để thực hiện dự án kè bảo vệ bờ biển xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong (giai đoạn 2).
Theo HĐND tỉnh Bình Thuận, dự án được thực hiện nhằm ngăn chặn tình trạng xâm thực, gây sạt lở bờ biển, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, hoàn chỉnh, kết nối đồng bộ với tuyến kè hiện có để nhân dân yên tâm sinh sống, lao động sản xuất, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Theo đó, dự án thuộc nhóm C, quy mô của dự án gồm đầu tư xây dựng đoạn kè có chiều dài khoảng 483m. Trên tuyến kè bố trí hệ thống tiêu nước, đường quản lý trên đỉnh kè, đường kết nối hệ thống giao thông trong khu vực, lối lên xuống mái kè và các hạng mục phụ trợ khác. Thời gian thực hiện dự án trong 3 năm.
Theo Tờ trình của UBND tỉnh Bình Thuận, trong những năm gần đây, bờ biển khu vực xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong thường xuyên bị sóng biển xâm thực làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Hàng năm bờ biển bị xâm thực tiến sâu vào đất liền khiến hàng chục hộ dân phải di dời và các hộ dân phía trong phải dùng bao tải cát hoặc đá hộc xếp chèn chặt với mục tiêu giảm thiểu mức độ xâm thực của biển.
Dẫu thế, việc làm của người dân cũng chỉ là giải pháp mang tính cục bộ, không có tính lâu dài khiến người dân sống trong khu vực hoang mang, lo lắng khi gặp triều cường hoặc gió bão xảy ra, nhất là vào mùa gió Nam…
Tuy nhiên, đoạn kè còn lại có chiều dài khoảng 483 m chưa được đầu tư đang bị xâm thực mạnh, nhất là thời điểm ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới kết hợp với triều cường dâng cao, đã làm sạt lở đất, nhà cửa của dân và kết cấu hạ tầng. Vì vậy, việc tiếp tục đầu tư xây dựng công trình kè bảo vệ bờ biển xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong (giai đoạn 2) là rất cần thiết và cấp bách…
Leave a Reply