Ông Phan Duy Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang thông tin, tính đến hết ngày 8/8, địa phương đã tiêu hủy 40 con lợn (trọng lượng 1,193kg) nhiễm dịch tả lợn Châu Phi thuộc địa bàn 2 xã Hòa Ninh và Hòa Phong.
UBND hai xã Hòa Ninh và Hòa Phong đã khoanh vùng ổ dịch, nhanh chóng thực hiện các biện pháp khống chế, dập tắt dịch, ngăn chặn dịch lây lan; tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Tạm dừng các hoạt động giết mổ, đưa vào, mang ra hoặc lưu thông trong vùng có dịch đối với lợn và các sản phẩm từ lợn, trừ trường hợp được phép vận chuyển theo quy định. Vệ sinh phun thuốc khử trùng, tiêu độc (bằng vôi bột, hóa chất…) liên tục khu vực hộ có dịch, đường ra vào ổ dịch và khu vực có nguy cơ cao phát sinh thành dịch, thành lập chốt kiểm dịch.
Ghi nhận tại xã Hòa Phong, ổ dịch trên đàn lợn của gia đình bà Nguyễn Thị Cúc (54 tuổi, thôn Khương Mỹ) vừa được địa phương khẩn trương tiêu hủy, triển khai các biện pháp phòng chống, không để dịch lây lan.
Bà Cúc chia sẻ: “Đàn lợn này tôi vừa gầy lại sau một thời gian dài ngừng nuôi, dù nuối tiếc số vốn bỏ ra nhưng khi biết lợn mắc bệnh dịch tả Châu Phi thì tôi chủ động báo với chính quyền để nhanh chóng tiêu hủy theo quy định, không để lây lan khu khác. Đồng thời, thực hiện cách ly, rắc vôi bột xung quanh khu chuồng chăn nuôi, phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại, ngăn cấm người lạ đến gần đàn lợn”.
Ông Ngô Văn Nhân – Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có 110 hộ chăn nuôi lợn chủ yếu theo hình thức nhỏ lẻ, với tổng đàn hơn 650 con. Trước tình hình bùng phát dịch tả lợn châu Phi, địa phương đã nhanh chóng tuyên truyền, thông tin về dịch bệnh để người dân chú ý theo dõi chặt chẽ, kịp thời xử lý, hạn chế thiệt hại.
Trong sáng ngày 9/8, xã Hòa Phong tiến hành chôn 6 con lợn, trọng lượng 143kg đúng theo quy trình xử lý tiêu hủy gia súc. Sau khi tiêu hủy số lợn nhiễm bệnh, cán bộ thú y hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa như: rắc vôi bột, phun tiêu độc khử trùng xung quanh khu vực nuôi; khử trùng nguồn nước sử dụng trong chăn nuôi và tất cả các vật dụng phục vụ chăn nuôi….
Theo bà Phạm Thị Thu – Cán bộ thú y xã Hòa Phong, đối với các hộ chưa có vật nuôi bị nhiễm bệnh, UBND xã khuyến cáo áp dụng các biện pháp phòng dịch từ sớm, thường xuyên rắc vôi bột khử trùng chuồng trại, không cho người lạ vào, hạn chế đến nơi có dịch.
Ngoài việc đảm bảo chuồng trại thoáng mát, sạch sẽ, khử trùng, tiêu độc mỗi ngày 1 lần thì cần nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn khỏe mạnh để phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt là khuyến cáo người dân không được giấu dịch, không mua bán, vận chuyển lợn chết, không vứt lợn chết ra môi trường.
Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn huyện, UBND huyện Hòa Vang đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch và quyết liệt chỉ đạo các phòng, ngành, địa phương thực hiện đúng quy định, quy trình về phòng chống dịch tả lợn châu Phi để tránh lây lan trên diện rộng, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho các hộ chăn nuôi.
Hiện các vùng bị dịch uy hiếp như xã Hòa Phú, Hòa Sơn, Hòa Khương, Hòa Tiến, Hòa Nhơn, Hòa Liên tiến hành kiểm soát việc đưa vào, mang ra khỏi vùng bị dịch đối với lợn và sản phẩm từ lợn; kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trong vùng bị dịch uy hiếp; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật.
Đặc biệt là tổ chức tuyên truyền các hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ khi phát hiện gia súc bị ốm, chết chưa rõ nguyên nhân phải báo ngay với chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn để kiểm tra xác minh dịch bệnh theo quy định; tuyên truyền về mức độ lây lan, thiệt hại về kinh tế do bệnh gây ra; khuyến cáo nhân dân không mua, bán gia súc ở vùng có dịch, nghi có dịch.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm – Trưởng phòng NNPTNT huyện Hòa Vang cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Hòa Vang, đơn vị tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện. Theo dõi, giám sát, hướng dẫn các địa phương thực hiện tiêu hủy lợn theo đúng quy định.
Đồng thời hỗ trợ 2.000 lít hóa chất sát trùng chuồng trại chăn nuôi (Benkocid) cho UBND 11 xã bảo quản và chủ động sử dụng trong công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch bệnh…”.
Leave a Reply