Đại biểu Quốc hội: Nên tạm dừng đấu giá đất để chấn chỉnh, tránh tiếp tay cho “cò mồi” trục lợi

Nên tạm dừng đấu giá đất để tránh tiếp tay cho “cò mồi” trục lợi, gây loạn thị trường

Trước tình hình nóng về đấu giá đất vùng ven Hà Nội gần đây, chiều 21/8, Thủ tướng ra công điện chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch.

Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm quy định pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường, báo cáo trước 30/8/2024.

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội khóa XV cho rằng: “Giá đất trong các phiên đấu giá bị thổi lên là có thể có dấu hiệu đầu cơ”.

Nêu ý kiến về việc Sở TN-MT Hà Nội và công an đang xác minh nhóm đối tượng “thổi giá” đất, có nên tạm dừng các phiên đấu giá đất sắp tới, ông Cừ cho rằng: “Nên tạm dừng việc đấu giá đất để kịp thời chấn chỉnh, tránh tiếp tay cho những tên cò mồi trục lợi. Người có nhu cầu sử dụng đất thật muốn mua thì trượt đấu giá, người trúng đấu giá có khi là cò đất. Cần có biện pháp ngăn chặn kịp thời như nâng số tiền đặt cọc lên để sàng lọc đối tượng tham gia đấu giá; quy định nếu bỏ cọc thì bị mất số tiền đặt cọc lớn hơn…”, ông Cừ đặt vấn đề.

Cần tạm dừng đấu giá đất vùng ven Hà Nội, ngăn chặn

Những lô đất được đấu giá ở khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội

TS.Trần Khắc Tâm, Phó Chủ tịch Liên chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam, cho rằng cơ quan chức năng cần xác minh có dấu hiệu bất thường trong các phiên đấu giá đất vùng ven Hà Nội gần đây hay không. Nhiều người mua đất nền xong để đó, hoặc đấu giá với giá cao bất thường rồi bỏ cọc tạo ra hệ lụy, hỗn loạn, mất niềm tin vào thị trường, ảnh hưởng tới đời sống nhân dân ở khu vực.

Ông Tâm cho rằng, cần tạm dừng đấu giá đất nền tại các huyện vùng ven Hà Nội. Khi nào có kết quả xác minh, cơ quan chức năng dựa vào đó, định giá lại giá đất khởi điểm và tìm ra giải pháp đấu giá minh bạch hơn.

Đấu giá đất mang lại lợi ích trước mắt…

TS.Đỗ Xuân Trọng, Phó trưởng Bộ môn Luật Đất đai, Trường đại học Luật Hà Nội, cho rằng Luật Đất đai 2024 có quy định bỏ bảng giá đất theo mỗi năm, địa phương được quyền quyết định giá sàn. Đây là một trong những nguyên nhân tạo lên làn sóng tăng giá đất tuỳ theo từng khu vực.

Ông Trọng chỉ ra, từ đầu năm tới nay, thị trường đất nền trầm lắng cho đến khi có đấu giá đất vùng ven Hà Nội, điển hình là tại huyện Thanh Oai gần đây: Chỉ cần đặt cọc số tiền trên dưới 100 triệu đồng là có thể tham gia đấu giá 1 lô đất. Điều này khiến không ít người đầu cơ đổ xô vào tham gia tạo hiệu ứng, đẩy giá trị lô đất khu vực đó bị thổi lên cao hơn nhiều so với giá trị thực.

Nhận định có đầu cơ hay không trong các cuộc đấu giá đất vùng ven Hà Nội gần đây, ông Trọng cho rằng, cần chờ cơ quan chức năng vào cuộc xác minh. Và chờ xem hết thời hạn, những người trúng đấu giá có huỷ cọc hay không thì lúc đó sẽ có nhiều căn cứ kết luận hơn cũng như đưa ra giải pháp.

Theo ông Trọng, cần đẩy cao tỷ lệ đặt tiền cọc lên so với hiện tại. Bởi, với mức thấp như bây giờ, số tiền không lớn sẽ dễ dẫn tới trường hợp nhà đầu tư đấu để đầu cơ, nếu không thoát được hàng sớm thì chấp nhận bỏ cọc. Trong khi đó, luật pháp hiện hành đang quy định người trúng đấu giá đất mà bỏ cọc sẽ bị cấm tham gia đấu giá đất trong thời gian nhất định không đủ sức răn đe, dễ bị luồn lách…

Cần tạm dừng đấu giá đất vùng ven Hà Nội, ngăn chặn

Những tấm biển quảng cáo về mua bán, ký gửi nhà đất được dựng lên tại khu vực những lô đất vừa mới được đấu giá.

TS.Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế cho rằng, Luật Đất đai 2024 và Luật kinh doanh bất động sản 2023 không quy định về bảng giá đất theo mỗi năm, rất dễ tạo cơ hội cho giới đầu cơ trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản.

Ông Hiếu lấy dẫn chứng về phiên đấu giá đất khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức kéo dài 19 tiếng (từ 9 giờ sáng 19/8 – 4 giờ 30 phút sáng 20/8), ngay khi vừa kết thúc các vòng đấu, đã có môi giới xuất hiện, rao bán chênh từ 200 – 300 triệu đồng/lô, thậm chí 600 triệu đồng/lô.

Theo ông Hiếu, việc bán chênh như vậy là biểu hiện của bắt tay làm giá, “quân xanh – quân đỏ” trong đấu giá đất, nhằm loại các đối thủ tiềm lực yếu, từ đó, nắm được quyền nâng giá bán lại để kiếm lời. Cũng không loại trừ việc tạo sóng, “thổi giá” của rất nhiều “cò đất” đã tạo nên tâm lý vội vã mua bán của những nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Ông Hiếu cho rằng, Hà Nội dự kiến sẽ tiếp tục mở thêm những phiên đấu giá đất vùng ven thành phố, dự báo tình hình còn căng thẳng hơn vừa qua. Việc đấu giá đất có thể mang lại lợi ích trước mắt cho ngân sách địa phương, nhưng nếu không được quản lý chặt chẽ, có thể gây ra nhiều hậu quả tiêu cực. Giá đất quá ảo không chỉ làm nhiễu loạn thị trường bất động sản mà còn tạo ra một thị trường không bền vững.

“Những người có nhu cầu thực sự về nhà đất sẽ rất thiệt thòi vì phải đối mặt với mức giá đất và nhà ở ngày càng xa tầm tay nhiều người dân”, ông Hiếu nói.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *