Thai Beverage (ThaiBev) — tập đoàn bia lớn nhất Đông Nam Á và đang sở hữu 53,6% vốn của Sabeco, công ty chủ thương hiệu Bia Sài Gòn — sẽ rút khỏi lĩnh vực bất động sản bằng cách chuyển nhượng toàn bộ cổ phần trong công ty Frasers Property (Singapore) cho TCC Assets theo một thỏa thuận hoán đổi cổ phần mới được công bố.
Nhà máy Bia Sài Gòn Ninh Thuận tại tỉnh Ninh Thuận
Cả ThaiBev và TCC Assets đều nằm trong hệ sinh thái kinh doanh của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, một trong những người giàu nhất Thái Lan.
Thông báo của ThaiBev viết: “Tái cấu trúc các hoạt động kinh doanh, chỉ tập trung vào mảng đồ uống và thực phẩm thông qua việc rút khỏi mảng bất động sản và tăng cường đầu tư vào đồ uống không cồn và sữa có thể giúp công ty được định giá lại ngang hàng với các công ty trong cùng lĩnh vực.”
Theo Reuters, công ty con InterBev Investment của tỷ phú Charoen sẽ chuyển nhượng 28,78% cổ phần trong Frasers Property tại Singapore cho TCC Assets. Đổi lại, TCC Assets sẽ chuyển nhượng 41,3% cổ phần trong tập đoàn Fraser and Neave (F&N)cho InterBev.
Thương vụ hoán đổi cổ phần này có giá trị 2,14 tỷ đô la Singapore (1,6 tỷ USD) theo tính toán của Reuters. Để ra được giá trị này, cổ phiếu Frasers Property được định giá 1,89 đô-la Singapore và cổ phiếu của F&N được định giá 3,55 đô-la Singapore.
Mục tiêu của ThaiBev là đầu tư thêm vào mảng đồ uống không cồn. F&N muốn tiếp tục thúc đẩy các thương hiệu đồ uống và thực phẩm của công tại Đông Nam Á thông qua thương vụ này.
Việc rút khỏi mảng kinh doanh không cốt lõi của ThaiBev diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh doanh đồ uống có cồn của ThaiBev đang suy giảm ở Việt Nam, thị trường với 100 triệu dân và cũng là nơi Nghị định 100 của Chính phủ quy định nồng độ cồn của người lái ô tô và xe máy là 0%.
Sau khi hoàn tất thương vụ hoán đổi cổ phần, tỷ lệ ThaiBev sở hữu F&N sẽ tăng từ 28% lên gần 70%. Được biết nhóm F&N đang là cổ đông ngoại lớn nhất của Vinamilk với tỷ lệ sở hữu 20,39% vốn: F&N Dairy Investments Pte giữ 17,69% và F&N BEV Manufacturing Pte.Ltd giữ 2,7% vốn.
ThaiBev cho biết công ty sẽ xin chấp thuận của các cổ đông về đề xuất hoán đổi cổ phiếu tại đại hội đồng cổ đông bất thường vào thời điểm thích hợp.
Tháng 12/2017, ThaiBev của tỷ phú Charoen mua 343 triệu cổ phiếu SAB của công ty Sabeco (Bia Sài Gòn) với giá 320.000 đồng/cổ phiếu. Giá này cao gấp 32 lần so với mệnh giá của cổ phiếu mới phát hành tại Việt Nam theo quy định của thị trường chứng khoán trong nước.
Theo số liệu từ Euromoniter, công ty nghiên cứu thị trường quốc tế có trụ sở tại Luân Đôn, Sabeco đã đánh mất vị thế đầu ngành vào tay “đại gia” bia Hà Lan Heineken vào năm 2019, và thị phần đến nay đã tuột khỏi mốc 40%.
Trong khi đó, Vinamilk vẫn giữ vững vị trí là công ty sữa lớn nhất Việt Nam. Vừa mới đây, Vinamilk là công ty Việt Nam và châu Á duy nhất trong ngành sữa được vinh danh tại hạng mục Green Leadership (Lãnh đạo xanh) trong “Giải thưởng Doanh nghiệp Trách nhiệm châu Á 2024” (Asia Responsible Enterprise Awards 2024).
Chương trình hành động “Vinamilk Pathways to Dairy Net Zero 2050” được công bố vào năm 2023, trong đó nhấn mạnh cam kết và lộ trình tiến đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Trong năm đầu tiên sau khi khởi động lộ trình, kết quả bước đầu của Vinamilk có thể kể đến việc sở hữu 3 đơn vị đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn quốc tế PAS 2060:2014, bao gồm Nhà máy sữa Nghệ An, Trang trại bò sữa Nghệ An và Nhà máy Nước giải khát Việt Nam. Tổng lượng khí thải được Vinamilk trung hòa là 21.000 tấn CO2e (tương đương hơn 2 triệu cây xanh được trồng).
Leave a Reply