Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nguồn cảm hứng của trường ca Giao hưởng Điện Biên

Nhà thơ Hữu Thỉnh:

Ở tuổi 83, dù bị lãng tai, khi nói chuyện phải nhờ tới sự hỗ trợ của dụng cụ trợ thính nhưng nhà thơ Hữu Thỉnh vẫn rất minh mẫn, nhanh nhẹn và phong độ. Ông vẫn dành trọn 8 tiếng mỗi ngày như giờ giấc của một công chức công sở bình thường để ngồi vào bàn làm việc, làm những điều mình thích.

Sau 3 năm về nghỉ hưu, không phải tất bật, lo lắng trước bộn bề công việc của Hội Nhà văn Việt Nam, cuộc sống của ông như thế nào?

– Những năm tháng về hưu, cuộc sống của tôi rất bình lặng. Người ta về hưu nhàn rỗi thế nào đó, còn tôi, đây là quãng thời gian rất thú vị. Tôi được làm rất nhiều những điều mình yêu thích. Tôi có nhiều thời gian hơn cho bản thân, bù lại khoảng thời gian công tác bận rộn. Tôi đi đây đi đó nhiều hơn, quan sát thực tế và bổ sung vào vốn sống của mình.

Bên cạnh đó, tôi cũng đọc nhiều hơn, từ sách báo trong nước và nước ngoài. Có bộ sách tôi đọc có dung lượng tới 10 tập. Tôi có thời gian nghiền ngẫm sâu hơn về sáng tạo văn chương. Sáng tạo văn học là thế nào, sáng tạo thơ ca là thế nào? Tôi có thời gian tập trung hơn cho nghiệp vụ của mình, đó là viết. Đây quả thực là những ngày tháng rất tốt đẹp.

Ở tuổi 83, đã đi qua nhiều thăng trầm ca cuộc sống và đã đi tới tận cùng văn chương, liệu có điều gì thay đổi trong suy nghĩ về văn chương, về thơ ca so với những gì ông từng định nghĩa trước đây?

– Những quan niệm về cuộc sống, về con người, về văn chương, về thơ ca của tôi không có gì thay đổi. Bởi vì đó là những nguyên lý, những gì tôi theo đuổi hay những khát vọng đã dẫn đường chỉ lối cho tôi mấy chục năm qua.

Tôi không nghĩ khác mà nghĩ sâu sắc hơn về cuộc đời, con người và xã hội. Bao trùm lên những suy nghĩ đó của tôi là nghĩa tình, tình người, là sự nhân văn giữa con người với con người. Đó đều là những giá trị đạo đức tốt đẹp nhất, nhân văn nhất của của dân tộc Việt Nam ta mấy ngàn đời qua.

Nhà thơ Hữu Thỉnh:

Trong 20 năm làm lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, áp lực lớn nhất đối với ông là gì?

– Áp lực lớn nhất là bạn đọc luôn luôn đòi hỏi văn học phải trả lời được những vấn đề của xã hội hiện đại. Văn học phải cập nhật đời sống và giúp người ta giải quyết được những vấn đề đang đặt ra trong đời sống ngày hôm nay. Nhưng mà hình như văn học của chúng ta chưa có nhiều tác phẩm như thế, giúp cho bạn đọc trả lời được những vấn đề như vậy. Áp lực lớn nhất là phải có tác phẩm lớn, ai cũng khao khát là phải có tác phẩm lớn, tác phẩm hay.

Qua mỗi nhiệm kỳ, tôi rút ra được một điều, để có được tác phẩm lớn, tác phẩm hay phải là cả một quá trình. Không thể “ăn xổi ở thì” mà đó phải là kết tinh giá trị trong cả một thời kỳ.

Áp lực nữa là tôi đảm nhiệm rất nhiều công việc về văn chương, nhưng lại thiếu tác phẩm hay. Tài năng chúng ta không hề thiếu, nhưng để có tác phẩm hay, sống mãi với thời gian và có sức sống lâu bền thì không phải là thách thức với thời nay mà cha ông ta thời trước cũng phải chịu. Thời gian sàng lọc rất kỹ càng điều đó. Có những tác phẩm chỉ nổi lên được một thời gian nhưng về sau chẳng còn ai nhớ.

Áp lực nữa là toàn bộ công tác lãnh đạo, quản lý của Hội Nhà văn Việt Nam phải đáp ứng được nguyện vọng của hội viên. Họ có những yêu cầu đổi mới cả về phương thức hoạt động, về nội dung, về các chủ trương và đường lối của hội.

Đó là cái khát vọng tìm tòi, sáng tạo để có những tác phẩm kết tinh được sự nghiệp của cả một đời người. Đây là điều buộc các lãnh đạo của hội phải suy nghĩ. Tất cả phải vì hội viên, làm thế nào mà mỗi người đều phát huy, vượt qua chính mình để phát triển.

Nhà thơ Hữu Thỉnh:

Trong những năm tháng ông “chèo lái con thuyền” Hội Nhà văn Việt Nam, khó có thể tránh khỏi những lời đàm tiếu, những tranh cãi về các quyết định mà ông đưa ra. Trong số những vấn đề gây ồn ào ngày đó, đâu là chuyện khiến ông phiền lòng nhất?

– Đó là giai đoạn những năm đầu đổi mới, giữa việc kế thừa và phát triển. Nhà văn của chúng ta nhân danh đổi mới nhưng mà đổi mới như thế nào để kế thừa được những thành tựu trong quá khứ mà vẫn mang được dáng vẻ của ngày hôm nay, hơi thở của ngày hôm nay, sinh khí của ngày hôm nay.

Trong trao đổi với nhau quan niệm về đổi mới thì mỗi người một cách nghĩ khác. Có người thì chỉ nhắc hình thức hoặc có người chỉ tiếp thu yếu tố của nước ngoài mà quên mất nội dung tư tưởng, quên mất tính dân tộc mới là quan trọng nhất. Đổi mới phải phù hợp với nền văn hóa của dân tộc ta. Tranh cãi nhiều cũng chính là về vấn đề này.

Nhà thơ Tố Hữu từng nói “sau cùng là một chữ hay”. Đổi mới nhưng phải hay. Đúng là chúng ta cần đổi mới nhưng có phải cái mới nào cũng hay đâu. Có những cái mới nhưng nó rất lạ lùng, không đi vào lòng người.

Các bạn trẻ hiện nay thì háo hức muốn cách tân văn học, đổi mới cách viết. Điều này Hội Nhà văn Việt Nam rất hoan nghênh, ủng hộ. Nhưng như tôi đã nói, nó phải đi vào lòng người, phải phù hợp với truyền thống văn hóa, tập tục của người Việt Nam. Còn đổi mới mà chỉ quan tâm tới hình thức, câu cú mà không quan tâm đến số phận con người thì không thể hấp dẫn được bạn đọc.

Đó có phải giai đoạn khó khăn nhất với ông trong thời gian làm lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam?

– Đúng vậy, có nhiều ý kiến khác nhau và việc thỏa mãn được tất cả là điều cực kỳ khó. Các chuẩn mực của mỗi người không giống nhau. Nhưng tôi đã đi vào gốc rễ của vấn đề. Đó là cái mới và cái hay như thế nào, hiệu quả của việc đổi mới ra sao? Thời gian qua đi rồi người ta có được sự kiểm chứng các vấn đề đó nhưng phải mất tới 10 năm mới có được sự đồng tình chứ ban đầu người ta chống đối nhiều, phức tạp lắm.

Trong quá trình công tác, điều tôi cảm thấy khó khăn là phải giải quyết vấn đề giữa cái thiện và cái ác. Có một thời kỳ, người ta nhân danh đổi mới, đi vào những mặt trái của đời sống xã hội. Người ta phản ánh những mặt xấu của xã hội nhưng không kiểm soát được cảm xúc của mình mà quên đi việc hướng tới cái thiện. Cái xấu đúng là cần phải lên án nhưng cuối cùng là để hướng tới cái thiện.

Thời kỳ đó tranh cãi ghê gớm lắm. Một tác phẩm viết ra mà không được in là cả vấn đề. Người ta quy kết cho tôi là hạn chế tự do sáng tác hoặc là không dám đổi mới, nhát gan… Tôi không hạn chế việc nhắc tới những mặt trái, nhưng người sáng tác phải nhận thức được việc nhắc tới mặt trái là để khẳng định những mặt phải. Mặt phải, cái thiện mới là điều chính. Nếu nhìn cuộc sống mà chỉ toàn là đen tối xấu xa thì làm sao chúng ta có ngày hôm nay được. Yếu tố cơ bản của văn học phải nhắc tới chân – thiện – mỹ. Nếu xa rời ba yếu tố cơ bản đó thì chúng ta sẽ bị mất phương hướng.

Nhà thơ Hữu Thỉnh:

Có phải vì thế mà người ta đồn rằng, thời kỳ ông làm chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam là thời kỳ có nhiều đơn thư tố cáo, khiếu nại nhất?

– Tôi nghĩ là rất ít, không nhiều đâu. Từ lúc tôi còn làm Tổng biên tập Báo Văn nghệ tới lúc làm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng không có ai chống đối ra mặt. Tôi không đánh đồng công tác chung của hội vào với cá nhân mình. Người ta thắc mắc với hội là thắc mắc chung, không nên cho rằng đó là người ta thắc mắc hay khiếu nại với cá nhân tôi.

Tôi không bao giờ cố chấp hay định kiến, đó là điều tôi không bao giờ cho phép bản thân mình mắc phải. Thậm chí người ta có thể bất đồng ý kiến, phê phán, chửi rủa độc ác nhưng tôi cũng không muốn biến người ta thành đối trọng với mình. Tôi có hai câu thơ giống như là phương châm sống “Tôi ngăn mọi vết thương/ Không trở thành thù hận”. Nếu biến người ta thành đối trọng với mình thì không bao giờ có thể tháo gỡ được.

Trên cương vị là người lãnh đạo, tôi phải biết cách nhìn, mình được gì và mất gì ở những điều như thế. Nếu không hài hòa, ứng xử như vậy thì làm sao tôi có thể tái đắc cử tới ba nhiệm kỳ được.

Nhưng dẫu sao cũng là một con người có đủ những hỉ nộ ái ố. Đã bao giờ ông mềm lòng trước những lời phê phán, muốn từ bỏ tất cả để trở lại làm người sáng tạo nghệ thuật bình thường?

– Đó là điều mà tôi thường xuyên nghĩ tới. Nhất là khi về hưu, tôi lại càng thấm thía vấn đề đó. Sung sướng nhất vẫn là được tự do và dành thời gian cho tình yêu văn chương, các chuyện khác đều là chuyện nhỏ. Cuộc đời này ngắn lắm, mất thì giờ vào những tranh cãi như thế để làm gì.

Vậy nên từ khi về hưu tôi rất bình tĩnh, không dễ bị cáu gắt và cũng không dễ mất lòng. Đối với một nhà văn, nhà thơ đó là điều khó vô cùng bởi đa phần các nhà văn, nhà thơ đều rất cảm tính. Chỉ cần điều gì đó trái ý thôi là rất dễ căng thẳng. Trong việc đánh giá tác phẩm lại càng căng thẳng hơn. Chỉ có việc tác phẩm của họ có giải thưởng hay không thôi là có thể giận nhau suốt đời hoặc khiến tôi sẽ bị mất phiếu tín nhiệm trong nhiệm kỳ tiếp theo.

Nhưng tôi cứ thực tâm, thực lòng thì trước sau họ cũng sẽ hiểu. Qua thời gian họ hiểu ra rồi sẽ lại thân thiết với mình. Cuộc đời của tôi có rất nhiều trường hợp như thế. Nhất là khi về hưu tôi mới thấy được rất rõ.

Nhà thơ Hữu Thỉnh:

Cả đời nhà thơ Hữu Thỉnh sống trọn với đam mê văn chương. Ông cảm thấy ngọn lửa tình yêu của lớp trẻ hiện nay với văn học nghệ thuật thế nào?

– Tôi thấy thế hệ trẻ ngày nay khác với thế hệ của chúng tôi rất nhiều. Hôm ra mắt trường ca “Giao hưởng Điện Biên”, nhiều người thích một câu thơ của tôi trong tập trường ca này: “Một ngọn đuốc trao tay nhiều thế hệ/ Một Điện Biên trong mỗi con người”.

“Một ngọn đuốc”ấy là những cái chung của cả hai thế hệ. Đó là sự nghiệp của đất nước, dân tộc. Mỗi thế hệ lại có những vấn đề cần giải quyết và rồi cũng lại trao lại “ngọn đuốc”ấy cho thế hệ kế tiếp. Tôi tin tưởng vào thế hệ hiện nay có nhiều ưu điểm hơn thế hệ chúng tôi. Họ được học hành cơ bản hơn. Trước kia học tới cấp trung học cơ sở hay trung học phổ thông thôi nhưng hiện nay đại học đã là phổ thông rồi. Con người phát triển như thế thì tất nhiên đất nước sẽ phát triển theo.

Nhân kể lại câu chuyện ngày xưa, làm một nhà văn, nhà thơ có phải là ước mơ lớn nhất kể từ nhỏ của ông hay không?

– Đó là ước mơ lớn nhất của đời tôi. Ngay từ lúc còn đang ngồi trên ghế nhà trường khoảng 15-16 tuổi tôi đã có tác phẩm đăng báo. Cha tôi thời bấy giờ cũng rất khuyến khích. Cụ biết tôi thích đọc sách nên đi đâu thấy có sách hay cũng mua về cho. Cụ thấy tôi bấy giờ chăm học, chăm đọc sách là rất mừng.

Nhưng thời bấy giờ nghèo lắm, không phải lúc nào cũng có tiền mua sách. Tôi phải bớt tiền ăn để có tiền thuê sách. Rồi thì để tiết kiệm đèn dầu trong nhà, tôi ra đường, lấy ánh sáng từ đèn đường để đọc sách. Tôi vẫn nhớ có những hôm đứng đọc sách dưới đèn đường, thiêu thân rơi đầy người rất ngứa nhưng vẫn say mê đọc. Bởi vì mai phải trả sách cho thư viện rồi nên phải cố gắng đọc cho thật nhanh.

Thần tượng của tôi thời còn nhỏ là nhà thơ Nguyễn Bính. Tôi cũng là người nhà quê nên thơ của Nguyễn Bính ngấm vào tôi nhiều nhất. Tôi từng ước làm thế nào để tôi có được một phần nhỏ như Nguyễn Bính.

Nhà thơ Hữu Thỉnh:

Được biết, nhà thơ ông bắt đầu tham gia kháng chiến từ những năm 1963. Những ngày tháng trong quân ngũ của ông như thế nào?

– Thời đó, tôi ở Trung đoàn 202, được học lái xe tăng. Sau một thời gian tôi được chuyển sang làm cán bộ tuyên huấn. Phải nói là gian khổ vô cùng. Những khó khăn, gian khổ, ác liệt của chiến trường có những thời điểm tưởng chừng không thể vượt qua được.

Thế hệ chúng tôi chống Mỹ thời bấy giờ là lớp thế hệ kế cận của cha anh thời kỳ chống Pháp. Tôi nghĩ lại đấy là một thời đẹp lắm, đẹp vô cùng. Thế hệ bỏ dở những ước mơ, bỏ dở con đường đại học để khoác lên mình màu áo lính, là một anh bộ đội cụ Hồ.

Những tháng ngày hành quân vào chiến trường miền Nam dài đằng đẵng, đói rét đủ kiểu, đó là chưa kể tới bom đạn địch ném hằng ngày. Nhưng đứng trước chuyện sống chết, chúng tôi chưa bao giờ bị xao động. Chúng tôi xác định vào chiến trường đã cầm chắc cái chết, coi cái chết nhẹ như lông hồng.

Nhà thơ Hữu Thỉnh:

Tôi vẫn nhớ trong chiến dịch Đường 9 – Nam Lào, khi ấy mình là một phóng viên. Tôi theo xe tăng vào tới tận trận địa rồi kẹt lại ở đó, B52 của địch thì cứ thả hằng ngày. Sống chết khi ấy mong manh vô cùng. Sau này tôi có trải qua cả những chiến trường khốc liệt khác như Quảng Trị, Tây Nguyên hay chiến dịch Hồ Chí Minh, nhưng có lẽ ấn tượng để lại sâu sắc nhất với tôi vẫn là chiến dịch Đường 9 – Nam Lào. Đó là chiến dịch mà quân ta đại thắng, chuyển từ thế bị động sang thế chủ động.

Có một kỷ niệm nữa là khi đang theo chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi nghe tin anh trai mình hy sinh ở Phan Thiết. Tôi thương anh vô cùng. Nhưng khi đó tôi đang hành quân nên đi qua đất Bình Thuận tôi không thể dừng lại để tìm anh mình. Sau này, khi miền Nam giải phóng, tôi mới quay trở lại vùng đất này để tìm anh. Phải rất lâu, tận 34 năm sau khi anh mất, tôi mới tìm thấy di hài của anh.

Suốt ngần ấy năm, khi chưa tìm thấy anh, tôi chưa bao giờ thấy yên lòng. Tôi có cuộc sống đầy đủ, được sống trong thời kỳ hòa bình, có gia đình, con cháu đầy đủ… nhưng đêm đêm nghĩ tới anh trai mãi mãi nằm lại ở tuổi ngoài 30 là tôi lại thấy xót xa. Không chỉ xót xa cho anh trai mình mà cả những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống ngoài chiến trường.

Cũng vì thế mà chúng ta có mắc nợ những ân tình với thế hệ cha anh đã ngã xuống. Đất nước trải qua bao chiến thắng, có được hòa bình như ngày hôm nay, nhưng làm sao để các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh có thể sống lại, làm sao trả được lại con cho những bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Trong những tác phẩm viết về chiến tranh thì đâu là tác phẩm để lại cho ông sự ám ảnh, xót xa nhất?

Tác phẩm để lại cho tôi nhiều khắc khoải nhất là “Phan Thiết có anh tôi” và trường ca “Đường tới thành phố”. “Đường tới thành phố” – tôi viết về những người lính xe tăng, những người đã hy sinh ngay sát giờ giải phóng. Qua được phút giây đó, những người lính ấy sẽ mãi mãi trở về. Nhưng không, họ đã ngã xuống. Tôi viết ra những dòng ấy mà xúc động lắm. Họ đã vô tư hy sinh, sự hy sinh cao thượng, đẹp đẽ. Đó là sự hy sinh cao cả của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Trong “Giao hưởng Điện Biên”, tôi nhắc tới những tấm gương hy sinh ám ảnh suốt trong cả trường ca từ chương đầu tới chương cuối.

Nhà thơ Hữu Thỉnh:

Ông vừa ra mắt trường ca “Giao hưởng Điện Biên”. Chắc hẳn ông cũng có những ân tình với mảnh đất này?

– Trước năm 2000, khi ấy đã có máy bay từ Hà Nội lên Điện Biên nhưng tôi quyết định đi bộ theo con đường mà cha anh ta đã đi những năm kháng chiến, đó là con đường số 6 gập ghềnh. Tôi tới những nơi trọng điểm mà giặc Pháp ném bom ác liệt nhất như: Mường Phăng, Noong Nhai… để cảm nhận cái không gian đèo cao, suối sâu, dốc thẳm, cảm nhận những khó khăn, hy sinh mất mát của cha anh.

Một lần khác, tôi tổ chức một đoàn văn công khoảng 200 người do tôi trực tiếp chỉ huy, hành quân đi biểu diễn ở 3 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên phục vụ cho chiến sĩ, đồng bào. Những kỷ niệm trong chuyến đi đó đã cho tôi thêm rất nhiều chất liệu để sau này viết thành thơ.

Trong buổi ra mắt “Giao hưởng Điện Biên”, ông có nói cuộc gặp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tạo nguồn cảm hứng cho ông viết trường ca “Giao hưởng Điện Biên”?

– Tôi gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp lần đầu năm 1975, khi đó binh chủng tăng thiết giáp tổ chức tổng kết chiến dịch và Đại tướng có tham dự. Thời điểm ấy tôi đang là cán bộ tuyên huấn và được tiếp đón Đại tướng trước khi bước vào buổi tổng kết. Ấn tượng của tôi lúc ấy là bàn tay của Đại tướng ấm áp và mềm mại lắm.

Đầu Xuân Tân Tỵ (2001), tôi có vinh dự thay mặt Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng văn học năm 2000 của Hội cho tác phẩm “Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử”, hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, do nhà văn Hữu Mai chấp bút. Tôi vốn là một người thích lịch sử nên khi bắt gặp cuốn sách này tôi thấy quá hay nên giới thiệu cho Hội đồng xét giải thưởng. Rất may là ý kiến của tôi được Hội đồng ủng hộ và quyết định trao giải thưởng cho Đại tướng.

Tác phẩm đó của Đại tướng được thực hiện năm 2000, tức là sau 46 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Cái nhìn của Đại tướng khi ấy về chiến dịch này thật sự toàn diện và sâu sắc. Vậy nên, tác phẩm “Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên giáp đã gợi mở cho tôi rất nhiều. Nhưng khi viết, tôi cũng phải khéo léo để viết thành cái riêng của mình. Bởi Đại tướng viết bằng văn xuôi, bút ký… còn tôi thì viết thơ nên phải có những sáng tạo riêng.

Nhưng để tạo nên trường ca “Giao hưởng Điện Biên” thì một cuốn sách của Đại tướng thôi là không đủ. Cuốn sách của Đại tướng là nguồn cảm hứng, kích thích thôi quyết tâm phải viết một tác phẩm về Điện Biên Phủ. Để toàn thành tác phẩm, tôi phải tìm kiếm thêm những chất liệu. Tôi phải đọc thêm rất nhiều để có thêm những tư liệu và để tránh những cái đã có, đã viết rồi.

Trong chương cuối “Khúc tưởng niệm”, tôi có nhắc tới cả vấn đề biển đảo: “Một thế hệ ra đời sau thống nhất/Ra Trường Sa giữ tổ quốc từng ngày”. Đây là vấn đề mà các tác giả viết về Điện Biên trước đây chưa đặt ra. Đó có thể coi là một sự bổ sung. Hay là “Ta cứ tưởng Điện Biên là trận cuối/Bác bảo “thắng to nhưng là mới bắt đầu”/Kẻ thù mới, một siêu cường số một/Điện Biên Phủ trên không mười tám năm sau”.

Nhà thơ Hữu Thỉnh:

Đặt tên cho trường ca của mình là “Giao hưởng Điện Biên”, giống như muốn ngợi ca chiến thắng Điện Biên Phủ như một bản hợp xướng. Đây có phải là chủ ý của ông hay không?

– Hoàn toàn chính xác. Các tác phẩm trước đây bao gồm thơ ca, tiểu thuyết viết về Điện Biên Phủ chỉ giống như một bài ca, chỉ nhắc tới một ý về chiến dịch Điện Biên Phủ thôi, chưa có tác phẩm nào có thể nhắc tới toàn bộ chiến dịch.

Trong khi để làm nên Điện Biên Phủ đã có biết bao nhiêu binh chủng, đoàn dân công đến những hoạt động từ phá thác, mở đường, phá bom… Bao nhiêu mặt trận, bao nhiêu trận đánh đến những người hy sinh. Rất nhiều điều để nói về chiến thắng Điện Biên Phủ đều được tôi viết trong 21 chương của “Giao hưởng Điện Biên”.

Lúc đầu, tôi đặt tên là “Điện Biên Phủ trường ca”, trong đó cũng có ý nghĩa một phần giao hưởng rồi, nhưng không rõ ràng lắm. Sau khi đã viết tay xong, tôi nhờ con gái Việt Thanh đánh máy lại, con gái có hỏi: “Tại sao bố không dùng ý ở trong thơ là Giao hưởng Điện Biên”. Tôi thấy câu hỏi của con gái như một lời gợi ý nên lấy tên “Giao hưởng Điện Biên”.

Ông nhờ con gái đánh máy lại, tức là ông toàn làm thơ bằng bút giấy?

– Đúng vậy. Tôi có sử dụng được máy tính đâu. Tôi cũng không nhớ nổi đã viết bao nhiêu trang giấy để có tác phẩm hoàn chỉnh. Cả một đống bản thảo. Có những chương tôi viết đi viết lại tới ba lần. Sau đó sửa đi sửa lại từng từ. Có những chương tôi phải viết lại hoàn toàn.

Hiện tại, tôi cũng đang tiếp tục sửa lại để kịp tái bản vào dịp cuối năm 22/12. Tôi muốn có những câu thơ hay hơn. Bản hiện tại mang nhiều tính chiến đấu, sự bay bổng trong tâm hồn rất ít.

GS Phong Lê có nhận xét, “Giao hưởng Điện Biên” là một pho sử nghệ thuật về chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong tác phẩm này ông đã không để sót bất cứ một sự kiện, một diễn biến, một địa danh, một tên đất, tên người nào có liên quan đến chiến dch Điện Biên Phủ. Việc đưa tất cả vào tác phẩm phải chăng ông có ngụ ý gì đó sâu xa hơn?

– Rất nhiều những nhà thơ nhà văn như Hữu Mai, Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu… từng viết rất nhiều về chiến dịch Điện Biên Phủ nhưng chính các ông ấy lại không được nhắc tên trong các sáng tác về Điện Biên Phủ. Vậy nên tôi muốn dành hẳn một chương nhắc về “binh chủng tinh thần” – những người nghệ sĩ với chiến dịch Điện Biên Phủ như những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, văn nghệ.

Tôi còn dành ra hai chương cho hai nhân vật tiêu biểu là nhà thơ Nguyễn Đình Thi và nhà thơ Chính Hữu. Tôi cũng muốn dành một chương riêng thống kê tất cả các chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, văn nghệ ấy. Hiện nay tôi vẫn đang tiếp tục sửa lại vì vẫn còn thiếu rất nhiều người như nhà văn Nguyễn Trần Thiết, Nguyễn Chu Phác, Hồ Phương.

Nhà thơ Hữu Thỉnh:

Nhắc tới nhà thơ Hữu Thỉnh là phải nhắc tới trường ca. Phải chăng mạch cảm xúc của ông quá nhiều mà tác phẩm thơ bình thường không thể truyền tải hết được nên ông phải dụng tới trường ca?

– Đúng là như vậy. Trường ca là thể loại có ưu điểm là phản ánh được rất nhiều mặt, nhiều phương diện nhưng thật sự rất khó để viết. Đã 70 năm kỷ niệm rồi, biết bao nhiêu tác phẩm đã được sáng tác, việc chọn chủ đề chiến thắng Điện Biên Phủ để viết quả thực là một thử thách. Viết một bài thơ 20 câu đã khó chứ chưa kể là trường ca mấy nghìn câu.

Trong 30 tác phẩm của Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản lần này để hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ chỉ có duy nhất cuốn sách của tôi là sách mới và thuộc thể loại trường ca, còn lại đều là những cuốn sách tái bản. Đó là còn chưa kể tới trong bối cảnh hiện nay, bạn đọc quay lưng với thơ, in tập thơ rất khó để bán. Nhưng tôi tin là hiện nay có thể người ta chưa đọc. Nhưng 5 – 10 năm nữa, khi kỷ niệm 80 năm hoặc 90 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, trong hàng triệu người, sẽ có người ngồi lại để đọc “Giao hưởng Điện Biên”.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông có định sẽ mang “Giao hưởng Điện Biên” lên Điện Biên đọc cho các liệt sĩ, thương bệnh binh, cựu chiến binh và người dân xứ này nghe những vần thơ ông viết về họ?

– Tôi cũng đã có ý định như vậy. Tôi cũng định mang cuốn sách này tặng cho Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ và thư viện của tỉnh Điện Biên. Nhưng có lẽ, tôi phải chỉnh sửa lại cho hoàn chỉnh trong lần tái bản sắp tới rồi mới làm điều này!

Cảm ơn nhà thơ Hữu Thỉnh vì cuộc trò chuyện này!


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *