Đây là dòng sông bắt nguồn từ Lâm Đồng chảy qua 13/13 xã, thị trấn của một huyện ở Bình Thuận

Nét riêng dòng sông La Ngà

Dòng sông La Ngà, đoạn chảy qua huyện Đức Linh với nét riêng độc đáo, đã tạo cho Đức Linh thêm nhiều tiềm năng kinh tế, một bức tranh sơn thủy hữu tình.

Sông La Ngà bắt nguồn từ cao nguyên Lang-bi-ang ở tỉnh Lâm Đồng, đoạn chảy qua huyện Đức Linh (tỉnh Bình Thuận), dài khoảng 74 km. 

Trước khi hòa mình vào sông Đồng Nai để xuôi về biển Đông, sông La Ngà đã ban tặng cho Đức Linh nhiều món quà quý giá. Dòng nước chở nặng phù sa đã bồi đắp cho đất đai thêm màu mỡ và trở thành vựa lúa của Bình Thuận.

Những năm tháng chiến tranh, đối với Đức Linh, sông La Ngà được xem như chiến tuyến. Bên bờ Nam sông là vùng địch kiểm soát. 

Bờ Bắc sông là vùng giải phóng, khu căn cứ cách mạng. Sông La Ngà đã gây cho địch không ít khó khăn, tổn thất khi lấn chiếm, càn quét vùng giải phóng. Ngày nay vẫn còn âm vang mãi chiến thắng Xóm Mười Nhà (Mê Pu), tô thắm nét son trong trang sử Đức Linh anh hùng.

Sông La Ngà bắt nguồn từ Lâm Đồng chảy qua 13/13 xã, thị trấn của một huyện ở Bình Thuận- Ảnh 1.

Dòng sông La Ngà bắt nguồn từ cao nguyên Lang-bi-ang ở tỉnh Lâm Đồng chảy vào địa phận tỉnh Bình Thuận qua huyện Đức Linh. Tất cả 13 xã, thị trấn của huyện Đức Linh đều có dòng sông La Ngà chảy qua.

Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, những chiếc cầu treo, cầu bê tông bắc qua sông, nối liền những bờ vui từ các xã Nam sông đến Bắc sông và rộng mở tới những cánh đồng mênh mông, tạo đà cho bước phát triển mới ở huyện Đức Linh.

Nét riêng nhất sông La Ngà ở huyện Đức Linh, là địa bàn 13 xã thị trấn trong huyện đều có sông La Ngà đi qua. 

Dòng chảy của sông, cũng là ranh giới hành chính tự nhiên giữa các địa phương với nhau, như Mê Pu – Võ Xu, Sùng Nhơn – Nam Chính, Đa Kai – Đức Chính. Đồng thời là ranh giới giữa huyện Đức Linh với Tánh Linh tỉnh Bình Thuận và Tân Phú, Định Quán tỉnh Đồng Nai.

Theo dòng chảy từ hướng Đông, địa phận xã Vũ Hòa là nơi sông La Ngà đến trước tiên. Sau khi uốn lượn bồi đắp phù sa cho ruộng lúa bạt ngàn ở Đồng Bồ, Bến Gõ; dòng sông ghé sát vào xóm làng ở thị trấn Võ Xu. 

Men theo tỉnh lộ ĐT 766 một đoạn, qua cầu La Ngà, dòng sông ngược lên hướng Bắc mang phù sa bồi đắp các cánh đồng Mê Pu, Sùng Nhơn, Đa Kai. Rồi lại đột ngột ngoặt sang hướng Tây, tiếp tục trải mình, ôm ấp cả cánh đồng rộng lớn từ Võ Xu, Nam Chính, Đức Chính đến Đức Tài. 

Đoạn chảy qua xã Đức Tín, dòng sông La Ngà trườn qua các ghềnh đá, bỗng trở mình rồi buông xuống tạo thành thác K’reo, với nhiều cung bậc âm thanh, sắc màu huyền ảo, lung linh, hòa với tiếng chim chóc, tiếng gió rít qua từng cành cây kẽ lá, tạo nên bản hợp xướng trầm hùng. \

Đây là một trong những thắng cảnh đẹp ở Đức Linh, còn mang nét hoang sơ kỳ vĩ. Sau phút chốc vẫy vùng réo gọi, dòng sông lại lững lờ trôi, mang dòng nước ngọt, tưới mát những vườn điều, cà phê và các bãi mía nương ngô ven sông ở xã Đức Hạnh, Tân Hà, Trà Tân, Đông Hà. Tất cả như muốn trả món nợ ân tình, trước khi rời Đức Linh để xuôi về Định Quán – Đồng Nai.

Có thể nói, sông La Ngà đã tạo thế mạnh để Đức Linh phát triển sản xuất nông nghiệp. Là con sông duy nhất trong huyện cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt. 

Hiện nay, toàn huyện đã có gần 10 trạm bơm điện lấy nước từ sông La Ngà, tưới cho hàng ngàn hec ta lúa và cây màu vụ đông xuân – vụ sản xuất chính cho năng suất cây trồng cao nhất trong năm. 

Nếu có dịp đi dọc sông La Ngà vào đỉnh điểm mùa khô, dưới ánh nắng chói chang, rát bỏng; lòng người sẽ thấy dịu hẳn bởi màu xanh mượt mà, mơn mởn của lúa, của ngô. Ký ức chợt vọng về câu thơ của nữ sĩ Lâm Cúc:

Cơn mưa nào đau đáu, cuối tháng ba

La Ngà xanh, cho mùa khô dịu lại

Từ khi có đập thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi, nhờ sự điều tiết nước, nên dòng sông càng trở nên hiền hòa hơn vào mùa mưa và trong xanh hơn vào mùa nắng.

Sông La Ngà ở Đức Linh, có nguồn tôm cá rất dồi dào và phong phú. Suốt chiều dài dòng sông uốn lượn, rất thuận tiện cho việc khai thác thủy sản. Trên các khúc sông, đều có người buông câu thả lưới. Có nhiều gia đình từ miền Tây, miền Trung đến đây làm ăn sinh sống. Dòng sông đã giữ chân họ lại, bầu bạn suốt mấy chục năm qua.

Những năm gần đây, việc nuôi cá lồng bè trên sông La Ngà đựợc người dân huyện Đức Linh quan tâm đầu tư phát triển, phần lớn là cư dân sống ven sông. Nhiều hộ đã làm nên cơ nghiệp và bỏ hẳn tập quán sống lênh đênh trên sông, đánh bắt cá theo từng con nước.

Trên dặm dài tìm về biển cả, sông La Ngà đã ban tặng cho Đức Linh nhiều món quà quý giá. Sông mang nhiều tôm cá. Sông tưới mát ruộng đồng. 

Sông La Ngà chở nặng phù sa bồi đắp những cánh đồng, để người nông dân lam lũ một nắng hai sương gặt hái mùa vàng bội thu, cho đời sống cư dân thêm phần sung túc. Dòng nước sạch sông La Ngà, cũng đã đến từng nhà khắp các làng quê, phố thị làm dịu mát lòng người.

Không chỉ cho Đức Linh đủ đầy vật chất và tiềm năng rộng mở, sông La Ngà còn mang lại những niềm vui khi con người hòa mình với thiên nhiên để cảm nhận vẻ đẹp thơ mộng, phong cảnh sơn thủy hữu tình. 

Sông La Ngà còn là nguồn cảm hứng sáng tác của các nhà thơ, nhạc sĩ khi viết về Đức Linh. Sông La Ngà mãi là ký ức, là nỗi nhớ niềm thương của người dân Đức Linh xa xứ, là bài học đầu tiên về quê hương của các em nhỏ, tuổi thơ gắn bó cùng dòng sông với nhiều kỷ niệm đẹp.

Uốn khúc, quanh co, cuộn mình qua rừng núi, ruộng đồng, sông La Ngà đã tạo cho Đức Linh một bức tranh sơn thủy hữu tình, như muốn níu chân du khách mỗi khi ghé lại Đức Linh

Khách hỡi dừng chân lại Đức Linh

Quê tôi giàu đẹp lại hữu tình

Biển vàng sóng lúa không bờ bến

Dòng nước La Ngà uốn khúc xinh.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *