Các chuyến buôn mít
Nhiều năm buôn chuyến theo tuyến Phú Lộc – Nam Đông, cứ đều đặn mỗi buổi sáng sớm, bà Ngân lại có mặt tại chợ Mỹ Lợi. Cùng với các đặc sản khác, chuyến xe theo tuyến buôn của bà Ngân chật ních và thơm lừng mùi mít chín.
Bà Ngân cho biết: “Nhờ chất đất phù hợp mà mít Nam Đông vừa sai trái, to quả, múi mít vừa ngon, ngọt và thơm lựng.
Mỗi chuyến buôn theo xe, tôi gom đủ các loại rau củ, trái cây từ Nam Đông như cam, chuối, ổi, sả, vả về bán ở chợ Mỹ Lợi. Khi đến mùa, mít cũng là mặt hàng không thể thiếu”.
Tùy vào số lượng mít thu được, bà Ngân mang về bán nguyên quả hoặc xẻ mít ra bán theo ký. Với lợi thế chợ đông sớm, mít chất lượng, dù mỗi chuyến hàng đôi khi lên đến 10 – 15 quả, mít Nam Đông vẫn được bà Ngân bán hết sớm.
Khác với cách bán buôn ở chợ của bà Ngân, tận dụng lợi thế có quầy hàng tạp hóa, giải khát ngay mặt tiền, bà Xuân (xã Thủy Bằng, TP Huế) bán mít ngay trên chiếc bàn trước sân nhà.
Bà kể: “Năm nay, công việc của tôi bận rộn hơn vì mít được mùa, hình thức lại đẹp, chất lượng tốt. Ngoài mít tại vườn nhà, tôi còn thu mua và bán thêm mít từ các vườn của Thủy Bằng”.
Kinh nghiệm bán mít đã hơn 11 năm, bà Xuân cho hay: “Tại Huế, hai loại mít thường được rao bán đó là giống mít ướt và mít ráo xưa. Đặc trưng của mít được thể hiện thông qua cái tên. Mít ướt múi mềm mướt, thơm ngọt ngào. Mít ráo múi khô, dẻo hơn, vị ngọt đậm đà, đặc sắc”.
Mùa mít mang lại thu nhập đáng kể cho người trồng mít và các tay buôn mít ở Thừa Thiên Huế. Những quả mít này đều đến với chợ thông qua các tay buôn chuyến tận huyện miền núi Nam Đông. Loại mít ướt có giá bán từ 10.000-12.000 đồng/kg, loại mít ráo bán giá 15.000-17.000 đồng/kg.
Do được ưa chuộng và hợp khẩu vị của nhiều người, mít ráo thường có giá nhỉnh hơn mít ướt từ 5.000-7.000 đồng mỗi ki-lo-gam.
Hiện nay, giá mít ướt thường từ 10.000 12.000 đồng/kg, mít ráo từ 15.000-17.000 đồng/kg.
Bà Xuân cho biết thêm: “Không chỉ hương vị, mít ráo còn dễ dàng vận chuyển và bảo quản hơn mít ướt. Thông thường, sau khi chín thơm trên cây, mít ráo có thể để được 3 – 5 ngày nơi thoáng mát. Nhưng với mít ướt thì chỉ để được có 2 – 3 ngày. Mít ráo tách múi, bỏ tủ mát có thể bảo quản được lâu hơn, vì thế cũng được yêu thích hơn”.
Ai cũng hưởng lợi
Theo kinh nghiệm từ bà Xuân và bà Ngân, để chọn quả mít ngon, đầu tiên phải quan sát bên ngoài vỏ quả.
Bà Ngân chia sẻ: “Muốn buôn có lời, với tôi mỗi quả mít đều phải được chọn lựa kỹ. Tại vườn, tôi ưu tiên quả thon đều, không teo tóp phần đầu hay đuôi trái. Cuống mít phải tươi, chắc nịch, da mít gai mòn, nhẵn, màu sắc đồng đều. Khoảng cách giữa các gai và kích thước gai càng lớn thì múi mít sẽ càng to, bán càng được giá”.
Để gom đủ mít kịp đáp ứng nhu cầu của người mua, ngoài mít chín cây, bà Ngân còn dùng cách đóng nêm (sử dụng que gỗ đóng vào cuống) hoặc bọc muối hạt vào cuống để thúc mít già mau chín. Các phương pháp trên đều tiện lợi và an toàn cho sức khỏe người dùng.
Là loại cây khá dễ tính, ít tốn công và chi phí chăm sóc, mít thường được trồng ngay trong vườn hoặc ven các vườn rừng. Rộ mùa từ tháng 5 đến tháng 8 dương lịch, nhờ các tay buôn, đa phần mít đều được thu mua tận vườn, vừa mang lại thu nhập cho người nông dân, vừa đến được tay người dùng với giá cả hợp lý.
Ngoài các địa bàn lâu nay nổi tiếng về mít như vùng Truồi (huyện Phú Lộc), huyện Nam Đông, những năm trở lại đây, huyện A Lưới và TX Hương Trà ngày càng được biết đến nhiều hơn với những quả mít vườn nặng ký và chất lượng.
Ông Thiếp, chủ một sạp chuyên bán mít tại TP Huế cho biết thêm: “Hiện tại tôi gom mít về từ xã Bình Thành và Bình Tiến (TX Hương Trà).
Mít tại các địa phương trên quả rất to, chất lượng tốt. Mỗi cây có thể cho từ 5 – 10 quả, có cây cho hàng chục quả từ 3 – 10kg/mỗi quả. Giá cả phải chăng, mít ngon nên khách hàng yêu thích, từ đó tôi cũng có thêm nguồn thu ổn định trong mùa hè”.
Leave a Reply