Dưới bóng dãy núi Hoành Sơn
Kỳ Anh từng là miền biên viễn xa xôi, “ống gió, chảo lửa, túi mưa” phía cực Nam Hà Tĩnh. Dẫu thời tiết khắc nghiệt nhưng Kỳ Anh có phong cảnh đẹp, “rừng vàng, biển bạc” và nhiều di tích lịch sử, văn hóa.
Phía Bắc là con sông Trí bao đời uốn lượn chảy giữa lòng thị xã, nối với sông Vịnh để ra biển. Phía Đông là một vùng biển bao la chứa đựng nhiều huyền thoại với Hải Khẩu, một trong 6 cửa biển của Đại Việt xưa.
Vũng Áng, Sơn Dương, nơi dồi dào tiềm năng của biển nước sâu cho những con tàu hàng chục tấn neo đậu và là nơi du khách tìm về bến sông Vịnh để chiêm bái ngôi đền thiêng nơi Hải Khẩu.
Con đường thiên lý Bắc Nam vắt qua TX Kỳ Anh, nơi dãy Hoành Sơn ăn ngang ra biển từng là điểm dừng chân của bao tao nhân mặc khách, đi vào thi ca nhạc họa, nơi Bà Huyện Thanh Quan thế kỷ XVIII đã để lại những vần thơ bất hủ:
Dừng chân đứng lại: Trời, non, nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta
Nơi đó, trên đỉnh đèo Ngang là Hoành Sơn Quan sừng sững chứng kiến bao biến động của lịch sử và đất trời.Trong quá trình tụ cư, con người Kỳ Anh đã hình thành nên những đặc trưng văn hóa độc đáo, đã sản sinh ra nhiều danh nhân văn hóa, anh hùng hào kiệt, cùng hệ thống di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như: Hoành Sơn Quan, đền thờ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (xã Kỳ Ninh), giếng cổ Chăm Pa (xã Kỳ Nam), khu mộ 2 anh em Lê Quảng Chí – Lê Quảng Ý (phường Kỳ Phương), đền thờ Công chúa Liễu Hạnh dưới chân Đèo Ngang…
Toàn cảnh di tích Hoành Sơn Quan trên đỉnh đèo Ngang-địa điểm ráp gianh giữa tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Bình. Cực Nam của tỉnh Hà Tĩnh là TX Kỳ Anh.
Dưới chân đèo Ngang bây giờ là hầm đường bộ, thay cho con đường cheo leo vắt qua lưng núi từng khiến bao tài xế lo sợ.
Con đường ven biển nối Cửa Hội – Thạch Khê – Vũng Áng hoàn thành tạo điều kiện cho du khách gần xa về với đô thị trẻ.Kỳ Anh có các bãi biển đẹp như Kỳ Ninh, Mũi Đao – Hoành Sơn, hệ thống cơ sở hạ tầng ven biển ngày càng được thị xã, tỉnh quan tâm đầu tư, thu hút đông đảo du khách tới thưởng lãm và nghỉ dưỡng.
Không chỉ thế, con người kiên trung, lạc quan, yêu lao động nơi đây cũng đã tạo ra nhiều giá trị văn hóa phi vật thể như: Các làn điệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh (hát ví Đan Du), hát sắc bùa…
Cội nguồn lịch sử, văn hóa được bồi đắp bởi nhiều thế hệ con người Kỳ Anh như mạch nguồn chảy mãi, kết nối tạo nên những giá trị vững bền. Đền thờ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu ghi dấu huyền tích về bậc “Nữ trung hào kiệt”.
Hàng trăm năm qua, ngôi đền đã trở thành một điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người dân địa phương. Nơi đây cũng trở thành biểu tượng của những nét đặc trưng văn hóa, con người Kỳ Anh, thể hiện sự tri ân tiền nhân, đoàn kết gắn bó, gửi gắm khát vọng vươn xa.
Phát triển kinh tế gắn với văn hóa – du lịch
Năm 2015, TX Kỳ Anh được thành lập trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kỳ Anh, gồm 6 phường, 5 xã, với hơn 28.553 ha đất tự nhiên và 89.667 nhân khẩu.
Sau khi chia tách, TX Kỳ Anh đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng các tiêu chí đô thị loại 3, tiêu chí xây dựng để trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2025. Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, TX Kỳ Anh đã đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối thông suốt với các tỉnh, thành trong cả nước và quốc tế.
Phát huy lợi thế địa bàn có Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng là KKT động lực đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có công nghiệp luyện cán thép, nhiệt điện, cảng nước sâu tầm cỡ khu vực và quốc tế, những năm qua, bằng sự năng động, nhanh nhạy, đoàn kết sức dân, TX Kỳ Anh đã tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư xây dựng, nâng cấp, đáp ứng các tiêu chí đô thị loại III, phấn đấu lên thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2025. Nhờ đó, diện mạo từ nông thôn đến đô thị của thị xã đã thực sự đổi khác.
Để hiện thực hóa khát vọng trở thành thành phố vào năm 2025, thị xã đã tập trung đồng bộ kết cấu hạ tầng. Dự án phát triển đô thị động lực từ vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) có tổng mức đầu tư hơn 55,07 triệu USD với các công trình đô thị như: hệ thống công viên ở trung tâm thị xã, cải tạo nâng cấp hồ Thủy Sơn; xây dựng hệ thống thu gom nước thải đô thị… đang hiện thực hóa việc thay đổi bộ mặt của thị xã.
Cùng với việc nâng cấp hạ tầng, thu hút đầu tư để làm “đòn bẩy” phát triển kinh tế, cải tạo diện mạo đô thị, TX Kỳ Anh chú trọng việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, không ngừng vun đắp sức mạnh “nội sinh”, xây dựng thị xã phát triển một cách có chiều sâu, bền vững.
Điều đó được thể hiện qua các phong trào xây dựng đô thị văn minh, NTM và phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Đến nay, TX Kỳ Anh có 154 tuyến đường được đặt tên, trong đó có 82 tuyến đường được công nhận “tuyến đường văn minh đô thị”; có 4 xã đạt chuẩn NTM, trong đó, xã Kỳ Ninh, xã Kỳ Hà đạt chuẩn NTM nâng cao; 6/6 phường và xã Kỳ Lợi đang tập trung huy động nguồn lực xây dựng đô thị văn minh; xã Kỳ Ninh, Kỳ Nam phấn đấu trở thành phường.
Kỳ Anh là vùng đất giàu truyền thống văn hóa với hệ thống di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng và các làng nghề truyền thống gắn với thương hiệu sản phẩm OCOP, đặc trưng như nước mắm, cá mờm cơm Luận Nghiệp, mai vàng Đèo Ngang, rượu đông trùng hạ thảo, mực nhảy Vũng Áng…
Tổ hợp dự án khu đô thị, du lịch và sân golf Kỳ Nam dự kiến đầu tư 4.000 tỷ đồng đang khởi động; dự án khu đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng và thể thao Kỳ Ninh quy mô 1.500 tỷ đồng khi hoàn thành sẽ trở thành những điểm đến lý tưởng cho du khách.
Bứt mình khỏi ký ức gian khó, bức tranh Kỳ Anh hôm nay hiện lên những sắc màu rộn rã, nhộn nhịp của nhà máy, công trường, hạ tầng khang trang của một đô thị trẻ. Từ một địa phương nghèo, xuất phát điểm thấp, TX Kỳ Anh đã trở thành vùng kinh tế năng động, đầu tàu phát triển của Hà Tĩnh với hạt nhân là KKT Vũng Áng.
Miền cực Nam Hà Tĩnh trở thành “hòn ngọc mơ ước” của nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Ông Nguyễn Hoài Sơn – Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh thông tin: “Với những lợi thế hiện có, TX Kỳ Anh đã và đang tích cực mời gọi các nhà đầu tư nghiên cứu tham gia đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế trọng điểm của địa phương như: Hệ thống cảng biển, logistics; hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; các dự án hậu thép, cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ; các dự án sản xuất điện; năng lượng tái tạo; các dự án dịch vụ du lịch biển, du lịch sinh thái, tâm linh.
Cùng với phát triển kinh tế, thị xã sẽ chú trọng phát huy giá trị các di sản văn hóa, lợi thế của cảnh quan thiên nhiên trong phát triển du lịch, dịch vụ, đưa miền đất gian khó ngày nào trở thành địa chỉ hấp dẫn du khách gần xa…”.
Leave a Reply