Cuộc hẹn của chúng tôi bắt đầu lúc 11 giờ 30 tại một quán cafe trên đường Hoa Phượng, phường 2 (Phú Nhuận, TP.HCM) một ngày tháng 5. Long xuất hiện trong bộ trang phục giản dị, áo phông, quần bò, mở đầu bằng câu chia sẻ thân tình: “Có sao tôi sẽ nói vậy thôi…”.
Chào Long! Điều thôi thúc phóng viên bay từ Hà Nội vào TP.HCM thực hiện bài Dân Việt Trò Chuyện này chính là việc Long vừa hoàn thành cuộc chạy xuyên Việt lần thứ 2. Hành trình vạn dặm luôn bắt đầu từ những ý tưởng, bước đi đầu tiên. Long có thể chia sẻ lý do quyết định chạy xuyên Việt lần 1 từ Trà Cổ (Quảng Ninh) đến đất mũi Cà Mau với quãng đường 2.656km trong 34 ngày liên tục, trung bình mỗi ngày gần 80km hồi tháng 4/2022?
– Thời điểm năm 2021, tôi quyết định giã từ sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp khi 36 tuổi nhưng từ sâu thẳm bên trong, tôi biết điền kinh đã ăn sâu vào trong máu của mình. Tôi muốn làm một điều gì đó để lan toả tình yêu, niềm đam mê thể thao, đặc biệt khi dịch Covid-19 đang bùng phát, tất cả mọi người đều cần một điểm tựa niềm tin, qua đó suy nghĩ tích cực hơn.
Lúc đó con gái nhỏ của tôi mới được 2,5 tháng và bị “dính Covid”, cả nhà tôi bị cách ly cùng với khu trọ của mình. Tôi cũng chỉ biết cầu trời cho mọi người được bình an và may mắn gia đình tôi an toàn đi qua mùa dịch.
Sau khi dịch được kiểm soát, có rất nhiều thứ phải làm và việc đầu tiên tôi nghĩ tới là bắt tay vào xây dựng phong trào chạy ở Gia Lai quê hương mình. Tôi cùng với một số anh em mê chạy bộ lập CLB Gia Lai marathon, hướng tới giải chạy báo Tiền Phong tổ chức ở Pleiku.
Càng về cuối năm thời tiết càng lạnh. Tôi chợt nghĩ, con mình còn nhỏ nhưng còn có cha, có mẹ. Xung quanh tôi còn rất nhiều trẻ mồ côi thiếu thốn rất nhiều thứ. Vậy là tôi cùng các anh em trong CLB Gia Lai marathon đi xin tài trợ gây quỹ “Áo ấm cho em”. Mục tiêu là phải có được “món quà” gì đó cho các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Gia Lai.
Ngày ấy, chúng tôi gây quỹ được 80 triệu đồng và cảm thấy vui lắm rồi, phấn khởi đi tới hai nơi trao quà cho khoảng gần 70 trẻ em. Tôi nghĩ đơn giản, cứ chia đều phần quà cho mỗi bé. Nhưng tới nơi mới biết có những bé không chỉ mồ côi mà còn bị thiểu năng, tự kỷ, khuyết tật… Mình mới cảm thấy có lỗi vì đã vui quá sớm, phân chia quà chưa hợp lý.
Tôi theo đạo, và đó là đêm Noel nên đã vào nhà nguyện xin cho tôi có thể làm được điều gì đó lớn hơn. Tôi về khách sạn không ngủ được, lại ra ngoài đi lang thang ở Quảng trường Đại Đoàn Kết (Pleiku).
Tháng 12 lạnh thấu xương, nhiều gió thấm vào cơ thể làm mình càng buồn hơn. Tôi vừa đi, vừa suy nghĩ, khóc ra tiếng. Và tự nhiên trong đầu loé lên suy nghĩ mình phải đi xuyên Việt. Tôi như bừng tỉnh vậy! Tôi trở về TP.HCM và con tôi đang cấp cứu, cháu bị khá nặng, hậu Covid-19. Nhưng không hiểu sao thay vì lo lắng, tôi lại suy nghĩ rất tích cực “không sao đâu” và phép màu là cháu đã vượt qua.
Có thể nói trong rủi có may, dịch Covid-19 đã giúp tôi thay đổi định hướng, suy nghĩ của mình rất nhiều! Khi mình và gia đình mình đã may mắn hơn nhiều người khác thì phải làm gì đó giúp những số phận thiếu may mắn được an ủi, có thêm động lực sống.
Chỉ có 4 tháng kể từ khi xuất hiện ý tưởng chạy xuyên Việt cuối năm 2021 đến khi Long thực hiện chuyến xuyên Việt đầu tiên vào tháng 4/2022. Vậy Long đã chuẩn bị, tích luỹ thế nào cho hành trình vô cùng khốc liệt này?
– Tôi đã học xong khoa huấn luyện Đại học TDTT TP.HCM nên hiểu chuyên môn và cảm nhận được cơ thể mình và biết điều gì khó nhất. Tôi không tập trung vào khối lượng và tập trung vào thời tiết nắng nóng vì thời điểm chạy có nhiều chặng rất nắng.
Tôi bước vào làm quen ánh nắng từ nắng nhẹ tới ánh nắng gắt nhất lúc 12 giờ trưa ở TP.HCM. Sau đó làm quen với “thời gian biểu” xuất phát, ăn sáng, trưa, chiều tối, tạo thành thói quen giúp cơ thể thích ứng.
Cũng phải nói thêm là không phải ngày nào tôi cũng tập nắng. Hôm nay tập nắng, nếu giờ đó ngày hôm sau vẫn nắng tôi chỉ ra chạy nhẹ đúng giờ đó để thích nghi nhịp sinh học. Tôi cũng lường trước ăn uống trên đường không phải lúc nào cũng có quán cơm ngon với những đồ ăn như ý nên cũng tập ăn như những người lao động, công nhân.
Tất nhiên, tôi phải hiểu rất rõ hành trình của mình và tính toán kỹ lưỡng mỗi ngày chạy bao nhiêu km tuỳ thuộc vào địa hình, thời tiết… cho phù hợp.
Cự ly mà Long chạy dài nhất trong một ngày?
– Trong tập luyện thì tôi chạy không nhiều. Dài nhất trong xuyên Việt lần 2 vừa qua là chặng từ Buôn Hồ (Đắk Lắk) về Ninh Hoà (Khánh Hoà) với lộ trình 102,61km. Còn khoảng cách dài nhất mà tôi đã từng chạy trong một ngày là chặng từ Quảng Bình về Quảng Trị trong chuyến xuyên Việt lần 1 với chiều dài 102,74km.
Sau chuyến xuyên Việt lần 1 thành công, đầu năm nay, khi Nguyễn Văn Long chia sẻ ý tưởng chạy xuyên Việt lần 2 đã có rất nhiều ý kiến lo ngại cho sức khoẻ, sự an toàn của Nguyễn Văn Long. Ông Đoàn Ngọc Hải (nguyên Phó chủ tịch quận 1 TP.HCM và hiện là một VĐV chạy marathon phong trào được nhiều người biết đến tại Việt Nam) thậm chí đã đăng đàn phản đối VĐV Nguyễn Văn Long vì lo anh sẽ gặp nguy hiểm trên hành trình chạy vì không đảm bảo an toàn giao thông. Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Tổng thư ký Liên đoàn điền kinh Việt Nam cũng tỏ rõ quan ngại khi chia sẻ với Dân Việt: “Nguyễn Văn Long phải đặc biệt lưu tâm tới sức khoẻ bởi chạy mỗi ngày gần 100km rất “kinh”, phải chuẩn bị kỹ lưỡng mọi mặt. Nếu không, dễ dẫn đến chấn thương, ảnh hưởng tới hệ vận động, xương khớp…”.
Nhắc lại những câu chuyện này trong cuộc trò chuyện với Long, anh chỉ cười nói: “Tôi hiểu cơ thể mình, tôi chạy xuyên Việt ba mẹ tôi đều không biết, vợ con cũng chỉ biết tôi đi xuyên Việt thôi. Tôi không muốn để người thân lo lắng bởi với tôi, để mọi người lo lắng cho mình đã là thất bại rồi”…
Long có thể chia sẻ chi tiết hơn về “thực đơn” dinh dưỡng của mình khi chạy xuyên Việt?
– Tôi ăn uống đơn giản, ngày nào cũng giống ngày nào. Sáng dậy uống một hộp sữa, một tổ yến, một quả quýt hoặc một chùm nho rồi xuất phát lúc 5 giờ. 8 giờ lại ăn một tô bún bò, uống 1-2 lon bò húc cho tỉnh, ăn thêm nho. 9 giờ chạy, trong quá trình chạy chỉ sử dụng nước suối nước điện giải.
Trưa ăn cơm gồm có cá, thịt, trứng, canh rau. Cơm canh là chính vì trưa nhiều khi không ăn nổi, chan cơm canh húp cho nhanh. Cùng với đó là uống coca, ăn quýt, ăn nho.
Chiều chạy xong và tối uống sữa, dùng một tổ yến và nho. Dinh dưỡng của tôi chỉ có như vậy chứ không dùng thuốc hay bất cứ thực phẩm chức năng nào.
Vai trò của đội ngũ hỗ trợ có ý nghĩa quyết định tới thành công trong 2 lần chạy xuyên Việt của Long?
– Tôi cảm thấy may mắn khi có được một đội ngũ hỗ trợ tuyệt vời. Chỉ có những người anh em, người trong nhà mới dành cho mình những tình cảm đặc biệt, bỏ công sức, thời gian hỗ trợ tôi mình.
Chúng tôi mỗi người một nơi nhưng đã có duyên quen nhau, phân công mỗi người một việc. Tôi chạy, bạn Thanh (Life Up) lái xe, chỉ bản đồ đường chạy, tiếp nước, hồi phục; bạn Sơn lo việc MC, ăn uống, ngủ nghỉ, kết nối các CLB, truyền thông; bạn Huy tài trợ xe bán tải, khoá đuôi đảm bảo an toàn; bạn Hiếu và Hào chụp hình, quay clip, nhắc nhở người chạy đồng hành.
Chi tiết khá vui là bạn Sơn, một người Hải Dương đang làm việc Hà Nội mà tôi đã biết trong đợt chạy xuyên Việt lần 1, định hỗ trợ tôi một chặng từ Hà Nội đi Ninh Bình trong chuyến xuyên Việt lần 2 thôi. Nhưng sau đó thấy tình hình không yên tâm, đã gọi điện về xin vợ để theo tôi cả hành trình.
Đâu là chặng khó khăn nhất mà Long phải đối mặt trong những ngày chạy xuyên Việt?
– Với tôi, mỗi chặng có những khó khăn riêng. Bản thân tôi luôn đặt mục tiêu nhưng quan trọng hơn hết là lắng nghe cơ thể.
Để chuẩn bị cho chuyến xuyên Việt lần 2, tôi đã tập nắng nhiều hơn so với quá trình chuẩn bị xuyên Việt lần 1 bởi biết rằng thời tiết luôn thay đổi, rất khắc nghiệt.
Ngày thứ 3 trong chuyến xuyên Việt lần 2 khi tới Nghệ An trời quá nắng, thiếu ô-xy, cơ thể tôi bị phản ứng. Vậy là thay vì chạy 96km, tôi chấp nhận dừng ở 88km để giữ sức đường dài…
Tổng thể, trong chuyến xuyên Việt lần 2 vừa qua tôi đã ba lần phải điều chỉnh kế hoạch, mục tiêu để bảo đảm sức khoẻ, về đích an toàn.
Có khi nào Long lung lay ý chí, tinh thần hoặc hoài nghi về khả năng hoàn thành đường chạy?
– Tôi chưa bao giờ suy nghĩ mình dừng lại hay bỏ cuộc. Nhưng tất nhiên trong đầu luôn xuất hiện hai chiều suy nghĩ đối nghịch. Một chiều bảo: “Long ơi, chạy làm chi cho mệt vậy?” Và chiều kia lập tức hỏi lại mà như đã trả lời: “Long có nhớ lý do vì sao mình thực hiện điều này không? Điều mình đang làm có phải vì bản thân mình không, và vì sao mọi người đang ủng hộ mình”.
Tôi cũng không bao giờ “ép” mình đến mức quá sức, chấn thương nhưng luôn cố gắng, cố gắng tốt nhất có thể dựa trên lập trình kỷ luật, chính xác tới từng mét. Có lúc chỉ còn 200m nữa là đến điểm tôi cần tiếp nước, có bạn hỗ trợ đưa nước nhưng tôi nhất định không uống. Tôi phải uống nước đúng thời điểm đặt ra, không sớm, không muộn hơn để cơ thể thích nghi điều đó. Nếu dễ dàng thoả mãn cơn khát, tôi có thể sẽ “phá hỏng” cả một hành trình với công sức, tâm huyết của bản thân và cả đội ngũ hỗ trợ.
Về chuyện ông Đoàn Ngọc Hải từng bày tỏ quan ngại về vấn đề giao thông, giới chuyên môn lo lắng về sức khoẻ của Long khi chuẩn bị chạy xuyên Việt lần 2, Long suy nghĩ gì?
– Chuyện qua rồi, tôi không muốn nhắc lại. Lúc này, tôi chỉ muốn nói là tôi luôn cảm ơn anh Hải. Qua những suy nghĩ của anh, tôi vốn đã chuẩn bị tốt, càng tự nhủ phải chuẩn bị kỹ lưỡng, chỉn chu hơn nữa; chuẩn bị cho mình một tinh thần vững vàng hơn trên hành trình xuyên Việt.
Trong suốt hành trình, tôi luôn nhắc nhở mình phải cẩn thận trên đường, cố gắng nhắc nhở mọi người đồng hành làm cho chương trình thực sự ý nghĩa.
Trong suốt cuộc trò chuyện với người viết, Long luôn nở nụ cười thân thiện, chân chất ngay cả khi đề cập tới những “khúc mắc”, có người cho rằng Long chạy xuyên Việt để đánh bóng tên tuổi, để thoả mãn việc thể hiện bản thân, “huy động vốn” vì mục đích kinh tế. Nụ cười ấy như “xua tan” nét khắc khổ trên khuôn mặt gầy gò của Long. Tất cả làm tôi liên tưởng hành trình của Nguyễn Văn Long với hành trình của ông Thích Minh Tuệ – người kiên định mục tiêu khổ hạnh tu hành…
Chứng kiến hành trình chạy xuyên Việt của Long, tôi lại liên tưởng tới ông Thích Minh Tuệ…
– Thời gian qua, cũng có một số anh em, bạn bè nói khuôn mặt, ngoại hình của tôi hao hao ông Thích Minh Tuệ. Tôi thì chỉ thấy hai người đều “ốm” như nhau (cười).
Chi tiết khá thú vị là ông Thích Minh Tuệ cũng quê Gia Lai, đồng hương với tôi. Ông gốc miền Trung Hà Tĩnh, tôi gốc miền Trung Bình Định. Cả tôi và ông cùng đi xuyên Việt, chỉ khác một người đi bộ, một người chạy. Ông bỏ nhà, bỏ chùa đi xuyên Việt, kiên định đường hướng tu hành với mong muốn hoàn thiện bản thân; còn tôi cũng từng bỏ Đại học để theo đuổi niềm đam mê marathon và giờ có duyên chạy bộ làm từ thiện. Những ý kiến trái chiều về tôi giúp tôi suy nghĩ và cố gắng làm tốt hơn.
Đúng là có nhiều điểm chung như vậy nhưng tôi không dám so sánh mình với ông. Trên hành trình tu hành khổ hạnh của ông Thích Minh Tuệ, có nhiều người yêu quý nhưng cũng có một số người không thích, nhưng có làm sao chỉ mình ông chịu.
Bản thân tôi cũng đã phải vượt qua những rào cản tâm lý nhưng cũng phải luyện cách sống chậm lại “không nghe, không thấy, không biết” để kiên định với mục tiêu làm từ thiện, lan toả tình yêu niềm đam mê chạy bộ, sao cho mọi người có thể sống vui, sống khoẻ, gắn kết với nhau nhiều hơn.
Ở trên Long đã đề cập tới việc học xong Đại học TDTT TP.HCM. Nhưng vừa rồi lại kể chi tiết mình từng bỏ đại học, Long có thể nói rõ hơn?
– Nhà tôi ở thành phố Pleiku nhưng cha mẹ làm nông, khó khăn lắm khi phải nuôi 8 người con (4 trai, 4 gái), tôi là thứ 5, trên tôi có hai anh, hai chị. Từ nhỏ tôi đã hiểu sự cơ cực của cha mẹ mình nên đã nhiều lần muốn bỏ học, đi làm phụ giúp cha mẹ lo cho các em.
Gia cảnh như vậy nên tôi tiếp cận với môn điền kinh muộn, khi đi xin tập ở đội năng khiếu điền kinh của tỉnh thì không được nhận vì quá tuổi.
Tôi buồn quá cứ đi xem các bạn tập, và các thầy mủi lòng nhận nhưng nói nếu tập thì 3-4 năm sau mới được đi học đại học.
Thời điểm đó, tôi đã đỗ Đại học Hồng Bàng (TP.HCM) nhưng quyết định tạm thời gác lại việc học đại học để chạy bộ, tự lo cho bản thân, đỡ làm gánh nặng của gia đình.
Quyết định của tôi bị người thân phản đối vì trước đó nhà tôi chưa có ai đỗ đại học, hàng xóm nói ra nói vào. Vậy mà khi đỗ rồi thì tôi lại bỏ, ai cũng nghĩ “Long bị điên, bị khùng” nhưng tôi đã quyết là làm. Sau này khi vừa tập luyện, vừa thi đấu tôi vẫn học xong chương trình khoa huấn luyện Đại học TDTT TP. HCM và ra trường năm 2014″.
Đến với điền kinh muộn năm 20 tuổi nhưng tới năm 36 tuổi Long đã quyết định giã từ sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp. Long có nghĩ như vậy là hơi sớm khi ở Việt Nam, người đồng lứa Nguyễn Văn Lai đến nay vẫn còn thi đấu. Trên thế giới, các VĐV như Kipchoge (sinh năm 1984), Bekele (1982) vẫn còn thi đấu đỉnh cao?
– Đó là quyết định khó khăn. Thời điểm 2021, nếu tôi quyết định khoác áo Gia Lai thì tôi phải về Gia Lai tập luyện, trong khi gia đình tôi lại ở TP.HCM và tôi đã phải lựa chọn.
Thực tế nếu tiếp tục theo chuyên nghiệp, chi phí tổng cộng 6 triệu đồng/tháng gồm tiền ăn, tiền công tập luyện… lúc đó chỉ để tôi lo cho riêng mình chứ không thể lo cho vợ con. Giã từ sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp, ở TP.HCM, cùng với việc đi huấn luyện chạy phong trào, tôi còn đi bán các sản phẩm quần áo, các sản phẩm phục vụ cho chạy bộ nên cũng tạm ổn.
Nghĩ lại mọi thứ đều là duyên! Trong cái không may của dịch Covid-19, tôi thay đổi, định hướng được suy nghĩ, cách hành động của mình, biết nghĩ, cảm thông, chia sẻ hơn với những mảnh đời bất hạnh. Còn khi giã từ sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp, tôi lại có duyên phát triển chạy bộ trong vai trò huấn luyện, phát triển phong trào chạy bộ.
Trước đây ở Việt Nam làm gì có suy nghĩ một VĐV, HLV chuyên nghiệp đi huấn luyện chạy bộ phong trào, chỉ có huấn luyện bơi, cầu lông, quần vợt, bóng đá, võ thuật… Chạy bộ đơn giản quá mà, chỉ cần một bộ đồ, một đôi giày là ra chạy bộ được rồi.
Nhưng thực tế không như vậy. Với những người khác nhau, cơ địa khác nhau, sức khoẻ, giới tính, lứa tuổi khác nhau… Tất cả phải có giáo án phù hợp khác nhau và tôi phải tự mày mò, học hỏi để làm những điều tốt nhất cho các học viên của mình.
Đã khẳng định được tên tuổi trong làng điền kinh Việt Nam nói chung và marathon nói riêng khi vô địch marathon gia vào năm 2009, 2011, vô địch giải marathon Đông Nam Á 2007 trong màu áo đội marathon Việt Nam, ba lần liên tiếp vô địch cự ly 21km giải vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong 2010, 2011, 2012 nhưng Nguyễn Văn Long lại chưa thể chạm tới một tấm huy chương SEA Games. Bày tỏ với Dân Việt, Long không hề hối tiếc: “Nếu có huy chương SEA Games chắc gì tôi đã có thể trở thành người Việt Nam đầu tiên chạy xuyên Việt với những ý tưởng của mình”, Long nói.
Sau hai lần chạy xuyên Việt thành công, Long có ý định chạy xuyên Việt một mình trong thời gian tới?
– Tôi sẽ không chạy xuyên Việt lần thứ 3 và chắc chắn không bao giờ chạy đường dài theo kiểu xuyên Việt một mình vì không thể đảm bảo an toàn.
Hai lần chạy xuyên Việt, thời tiết đã quá khắc nghiệt, dù đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng nhưng còn bị cảm lạnh, phải nỗ lực, ý chí rất nhiều. Tôi không biết trong mấy năm nữa khi mình nhiều tuổi hơn thì điều gì sẽ xảy ra, lại khiến những người quan tâm, yêu quý mình lo lắng thêm nữa. Tôi quan niệm, khi mình làm để người khác lo lắng thì đó là thất bại!
Long có muốn chạy xuyên Đông Nam Á, thậm chí châu Á để nâng tầm ảnh hưởng, lan toả hình ảnh sự kiện gây quỹ “Áo ấm cho em”?
– Chắc chắn tôi sẽ có những dự định tiếp theo nhưng dù hành trình có thế nào thì sự an toàn luôn được đặt lên hàng đầu. Trong ý định của mình, tôi muốn chạy xuyên 3 nước Đông Dương Việt Nam – Lào – Campuchia để gắn kết văn hoá, thể thao. Điều đó cũng giúp bạn bè quốc tế biết người Việt Nam cũng có thể lực bền bỉ, ý chí vô cùng mạnh mẽ, sẵn sàng chinh phục những thử thách.
Điều tôi mong muốn là nếu có một sự kiện như vậy thì tôi không phải tự mình chạy đôn chạy đáo đi xin tài trợ. Hy vọng các cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ tôi để sự kiện an toàn hơn, lan toả giá trị đến nhiều người hơn.
Sau hai lần chạy xuyên Việt, Long đã được gọi là “dị nhân” với đầy sự khâm phục. Nhưng cũng có luồng ý kiến cho rằng Long chạy xuyên Việt… dễ vì đã từng là nhà vô địch marathon quốc gia. Long nghĩ sao?
– Không phải khi chạy xuyên Việt tôi mới được gắn với biệt danh “dị nhân”, mà cái tên “Long dị nhân” đã theo tôi trong suốt sự nghiệp thi đấu đỉnh cao. Cá nhân tôi thích được gọi là “Long marathon”.
Nhưng khi tôi lên ý tưởng, kế hoạch cho cuộc chạy xuyên Việt lần 1, mọi người đều nói điều đó không thể xảy ra, ý tưởng ấy là… không tưởng bởi không có cơ thể nào có thể hồi phục kịp để chạy đều đặn 80-100km mỗi ngày!
Tôi cần kích tinh thần mình lên, có thêm động lực thực hiện và lấy tên “Long dị nhân” với hành trình xuyên Việt.
Còn ở khía cạnh ngược lại, chạy xuyên Việt dễ với VĐV marathon? Có thể đúng nếu bạn chạy 5km lên 10km, có đơn giản chỉ là gấp đôi.
Nhưng từ 10km lên 21km thì không phải là gấp đôi nữa. Chưa kể từ 21km đến 42km là gấp n lần. Minh chứng là nếu dễ gấp đôi như vậy thì làm gì có tỷ lệ 1000 người mới có 1 người hoàn thành cự ly marathon.
Nói thế nghĩa là từ 42km để đến 80km sẽ gấp lên bao nhiêu lần? Chưa kể trong vòng 1 tháng chạy liên tục.
Với tôi, xuyên Việt thực sự rất khó nhưng tôi biến cái khó đó thành động lực và lên kế hoạch chi tiết để tự tin biến “nhiệm vụ bất khả thi” đó thành “khả thi”.
Đến với xuyên Việt lần 2, có người bảo đã chạy được xuyên Việt lần 1 với 2.656km trong 34 ngày liên tục; thì bây giờ chạy hơn 1.800km có là gì?
Nhưng cần nhớ, xuyên Việt 1 tôi chạy trung bình 80km/ngày thì tới xuyên Việt 2 là 90-100km/ngày. Để đẩy từ 80km lên 90, 100km/ngày là một hành trình rất xa!
Sau tất cả những trải nghiệm phi thường của mình, Long còn ước mơ, ấp đủ điều gì?
– Hiện tại, tôi là đại sứ “Đánh thức vùng quê”, đã tới nhiều tỉnh Quảng Nam, Đắk Nông… nhưng chưa làm được chương trình này ở Gia Lai quê hương mình. Tôi muốn “Đánh thức vùng quê” ở Gia Lai và mong được đi nhiều hơn nữa tới các địa phương trên cả nước để chia sẻ kinh nghiệm chạy bộ, giúp nhiều người đến với chạy bộ một cách an toàn hơn, tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra như như chấn thương hay những trường hợp đột tử vô cùng đau lòng thời gian qua.
Xin cảm ơn Long về cuộc trò chuyện! Chúc Long tiếp tục kiên định với hành trình chạy vì đam mê, lan toả năng lượng sống tích cực!
Leave a Reply