Đi tìm những “làng quê đáng sống”: Tìm cách kéo lao động trở về với miệt vườn miền Tây (Bài 6)

Tuy nhiên, người dân ở hầu hết các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn chọn con đường rời quê lên các thành phố lớn mưu sinh, lập nghiệp. Điều này đã gây nhiều lệ lụy cho những địa phương có tỷ lệ lao động nhập cư cao; đồng thời cũng khiến cho nhiều làng quê thiếu lực lượng lao động tại chỗ, đặc biệt là lao động trẻ, có trình độ, có tay nghề. Trước thực trạng này, nhiều tỉnh ĐBSCL đã có các giải pháp để kêu gọi, thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp ngay trên địa bàn để vừa giữ chân lao động tại chỗ, vừa kéo lao động đi làm ăn xa trở về lao động, xây dựng quê hương.

Ly hương với ước mơ đổi đời

Thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) được xem là phố biển giàu nhất nhì khu vực ĐBSCL với dân số lên đến 7.974 hộ, cùng 32.858 nhân khẩu. Trong đó, người trong độ tuổi lao động là trên 19.000 người. Đặc biệt, thị trấn ven biển này có đội tàu đánh bắt lớn nhất khu vực, với hơn 1.115 tàu, và có hơn 2.000 nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh cũng như các công ty, xí nghiệp lớn nhỏ.

Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc Đỗ Văn Sử cho biết, qua thống kê, những năm gần đây, tỷ lệ lao động ở địa phương rời quê đến các tỉnh như Bình Dương; Bình Phước; TP.HCM, hay Đồng Nai làm ăn sinh sống ngày càng nhiều.

Đi tìm những

Ông Nguyễn Văn Bụng (áo trắng bên trái) và ông Tạ Hồng Hổ, ngụ khóm 6B, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau kể về những cuộc ly hương của các con mình với mong ước đổi đời – thế nhưng qua nhiều năm xa quê, không ai trong số họ trở nên khá giả nơi thị thành. Ảnh: An An

“Thực tế cho thấy số người trong độ tuổi lao động nếu ở lại quê vẫn đảm bảo được cuộc sống, vì nhu cầu sử dụng lao động tại chỗ phục vụ cho hoạt động đánh bắt, hay các nhà máy, xí nghiệp của thị trấn là rất lớn”, ông Sử nói.

Trong số những gia đình có con cháu ly hương ở thị trấn này phải kể đến trường hợp của vợ chồng ông Nguyễn Văn Bụng và bà Lê Thị Nhiên. Vợ chồng ông Bụng có 6 người con, hiện tại các con ông đều rời quê đến Bình Dương, hay Vũng Tàu xin vào các công ty, xí nghiệp làm công nhân, với ước mơ có thể tìm kiếm được cuộc sống tốt hơn.

“Hai vợ chồng tôi không còn sức lao động nên phải bám trụ lại quê nhà nuôi 4 đứa cháu (2 trai, 2 gái). Trong đó, cháu nhỏ nhất là thằng Khôi, mới 3 tuổi”, ông Bụng kể lại cuộc ly hương của các con mình như một thước phim buồn.

Theo lời ông Bụng, hơn chục năm trước là lúc gia đình ông sum vầy và hạnh phúc nhất khi các con còn ở lại quê, họ sống quây quần bên cha mẹ, mưu sinh bằng nghề đánh bắt. Nhưng đó đã là dĩ vãng, còn ở thời điểm hiện tại, trong căn nhà cấp bốn của gia đình, chỉ còn lại vợ chồng ông và 4 đứa cháu nhỏ.

Ông Bụng nói rằng, 3 năm trước như là mốc thời gian đánh dấu cho cuộc chia ly của gia đình mình. Trong số các cuộc chia ly ấy, buồn nhất là trường hợp của cháu Nguyễn Đăng Khôi. Ba mẹ cháu lên Bình Dương làm công nhân rồi sinh ra cháu, đến khi Khôi được hơn 1 tuổi thì con gái ông bồng về quê gửi lại cho ông bà ngoại chăm sóc.

“Hồi ấy, thằng Khôi mới dứt sữa mẹ được mấy tháng. Con gái tôi phải rời con mà đi trong đêm khi cháu đang ngủ. Ngày hôm sau, thằng Khôi nhớ mẹ khóc suốt, hai vợ chồng già phải thay phiên nhau dỗ dành cháu”, ông Bụng nhớ lại.

Đi tìm những

Nhiều làng quê ở ĐBSCL không khó để bắt gặp những căn nhà trong tình trạng cửa đóng then cài như thế này. Đa phần, người dân trong độ tuổi lao động ở các vùng quê đã di cư đến các thành phố lớn mong muốn tìm kiếm việc làm đổi đời. Ảnh: An An

Trường hợp của ông Tạ Hồng Hổ (74 tuổi), hàng xóm của ông Bụng cũng không hơn là bao. Vợ chồng ông Hổ có đến 9 người con, nhiều năm trước 8 người con của ông lần lượt rời quê đến Bình Dương làm công nhân trong nhà máy chế biến hạt điều.

“Thằng con út là Tạ Phát Em nhiều năm trước cũng từ biệt vợ chồng tôi mà đi. Nó nói đi để tìm cuộc sống tốt hơn, nghe con cái nói vậy thì mình đâu nở ngăn chúng, vì có cha mẹ nào không muốn các con mình có được cuộc sống tốt”, ông Hổ nói.

6 năm trước, sau ngày các con rời quê với ước mơ đổi đời, vợ ông Hổ – bà Tô Ngọc Thành qua đời sau cơn bạo bệnh, bỏ lại mình ông sống đơn độc trong căn nhà tường khang trang ở khóm 6B, thị trấn Sông Đốc.

“Chúng nó, đứa nào đi làm ăn xa cũng mang theo ước mơ làm giàu nơi đất khách, nhưng nhiều năm qua, tôi chưa thấy đứa nào trong số 9 đứa con là dư giả cả”, ông Hổ nhìn nhận.

Ở ĐBSCL, không chỉ riêng gì thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời của tỉnh Cà Mau, mà ở những làng quê khác cũng vắng bóng trai, gái – người trong độ tuổi lao động.

Huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang cũng là nơi mà những người già ở lại nông thôn còn phải gồng gánh nuôi các cháu mình.

Bà Nguyễn Thị Kim Chi – Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn cho biết, địa phương đã thành lập cụm công nghiệp tại thị trấn Phú Hòa, có nhiều doanh nghiệp lớn, với nhu cầu lao động khoảng trên 10 nghìn người. Tuy nhiên, việc tuyển chọn lao động là người địa phương rất khó, bởi đa phần người dân đều rời quê lên thành phố kiếm sống. 

“Bên cạnh việc hình thành các khu, cụm công nghiệp, địa phương cũng đang thúc đẩy thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, do đó việc đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng cường liên kết sản xuất hàng hóa, kết hợp với đẩy mạnh phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch… đang rất mạnh mẽ. Thế nhưng nhân lực vẫn đang thiếu và yếu, đặc biệt là những lao động trẻ, có tay nghề, trình độ chuyên môn thì gần như không về quê, họ đều chọn ở lại thành phố” – Bà Nguyễn Thị Kim Chi cho hay.

Cũng là người có con cái rời quê, bà Võ Thị Phích (68 tuổi, ngụ ấp Bắc sơn, thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn) cho biết, gia đình bà có 2 đứa con gái đều đã lập gia đình. Từ năm 2017, vợ chồng 2 người con gái của bà đều gửi lại cháu cho bà Phích nuôi dưỡng để lên Bình Dương làm công nhân tại một công ty may mặc.

Theo bà Phích, những năm trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, các con bà có nguồn thu nhập trên dưới 7 triệu đồng/người, nhưng hiện tại mỗi tháng chỉ có thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người.

“Tôi kêu tụi nó về quê với các con để trụ lại mà làm ăn, nhưng chúng bảo ở Bình Dương tuy lương thấp nhưng vẫn có thu nhập hàng tháng, chúng nó sợ về quê việc làm không ổn định sẽ thêm khổ”- bà Phích nói.

Cũng có 2 người con trai đi làm công nhân ở Long An hơn 5 năm qua, ông Phạm Văn Sinh, ngụ huyện Thoại Sơn nói rằng, trước đây 2 người con của ông ở quê mưu sinh bằng nghề bán hàng, cuộc sống cũng tạm ổn, nhưng vì muốn có đời sống tốt hơn nên họ đều rời quê.

“Thời gian đầu chúng nó cũng có thu nhập từ 4-5 triệu đồng/ tháng, nhưng gần đây công ty cho nghỉ việc, hai đứa nó phải lên TP.HCM chạy xe công nghệ”, ông Sinh nói và cho biết, dù cuộc sống khó khăn vậy, nhưng các con ông vẫn còn nuôi mộng làm giàu chốn thị thành.

Ở quê chưa trở thành “ước mơ” của lao động

Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn (An Giang) Nguyễn Thị Kim Chi cho biết, nguyên nhân khiến người lao động di chuyển đến các thành phố lớn như TP.HCM, Long An, Bình Dương… ngày càng nhiều là vì kinh tế nông thôn về cơ bản là thuần nông, lao động theo thời vụ, ngành nghề phát triển chậm, nên sau khi thu hoạch mùa màng, nhiều người không có việc làm…

“Thanh niên trong độ tuổi từ 20-25 tuổi mong muốn trải nghiệm cuộc sống khi làm việc tại các thành phố lớn, doanh nghiệp lớn sẽ có thu nhập cao…”, bà Chi nói.

Đi tìm những

Ông Phạm Văn Sinh, ngụ huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang kể với phóng viên Dân Việt về ước mơ đổi đời của 2 người con trai nơi xứ lạ quê người nhiều năm trước đến nay vẫn chưa thành, song họ vẫn chưa chấp nhận trở lại quê hương. Ảnh: Hồng Cẩm

Tại Cà Mau, theo thống kê của Sở LĐTBXH tỉnh, tính đến nay đã có trên 25.000 lao động đi làm việc ngoài tỉnh (năm 2021 là 19.274 người, năm 2022 là 32.386 người, năm 2023 là 30.221 người).

Nguyên nhân của tình trạng này, là do Cà Mau là tỉnh có dân số đông, số người trong độ tuổi lao động lớn. Thực trạng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của tỉnh kết nối thấp nên chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn, từ đó chưa tạo được nhiều việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, đặc thù của tỉnh gắn với nghề nuôi trồng thủy sản là chủ yếu, nhu cầu sử dụng ít lao động.

Trong khi các doanh nghiệp trên địa bàn đa số có quy mô vừa và nhỏ nên nhu cầu sử dụng lao động trong tỉnh có hạn. Hay tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ, thu hút người lao động tập trung về các tỉnh, thành phố lớn có nhiều khu công nghiệp tìm kiếm việc làm; thu nhập tốt là nhu cầu tất yếu.

Đi tìm những

Ở hầu hết các tỉnh ĐBSCL nhiều lao động vẫn chọn cách đi làm xa chứ không ở lại quê làm giàu. Ảnh: An An

Ông Nguyễn Quốc Thanh – Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Cà Mau cho rằng, thời gian qua, ngành chức năng đã đưa ra các giải pháp để giải quyết vấn đề lao động đang phải ly hương; giữ chân lao động tại địa phương, phục vụ phát triển kinh tế xã hội tỉnh.

Cụ thể như việc, địa phương đã có nhiều nỗ lực phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của người dân, góp phần hạn chế tình trạng ly hương và giảm thiểu rủi ro cho những người đã xuất cư.

“Với mục tiêu giải quyết vấn đề di cư tại Cà Mau có hiệu quả, trước hết cần giải quyết các vấn đề liên quan đến kinh tế. Cà Mau cần có những bước đột phá về kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông đường bộ và đường thủy, hệ thống dịch vụ vận chuyển hàng hóa (logistics), tạo thuận lợi và giảm chi phí trong sản xuất, giao thương…”, ông Thanh nhấn mạnh.

Ngoài ra, tỉnh cũng cải thiện cơ chế, chính sách và các điều kiện cần thiết để tăng sức hút đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, thủy hải sản – thế mạnh của địa phương. Tăng cường chính sách hỗ trợ vốn, dạy nghề, bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân gắn với xây dựng cơ chế liên kết vùng, liên kết “4 nhà” (nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước) góp phần nâng cao chuỗi giá trị nông sản hàng hóa của địa phương. Xây dựng chính sách thu hút những lao động xuất cư, nhất là những người có trình độ cao, trở lại quê nhà Cà Mau, bảo đảm nguồn lực lao động phục vụ cho sự phát triển của địa phương.

Cùng với đó, cần giải quyết các vấn đề liên quan đến xã hội. Ngoài lý do kinh tế, tìm kiếm việc làm, lao động xuất cư còn tìm kiếm cơ hội học tập, tiếp cận các dịch vụ hiện đại cho bản thân và gia đình…

Do đó, Cà Mau cần đẩy mạnh phát triển hệ thống giáo dục, đặc biệt giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp cho thanh niên địa phương. Có cơ chế, chính sách hợp lý để huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống y tế, dịch vụ xã hội khác để nâng cao cơ hội và điều kiện của người dân trong tiếp cận, hưởng thụ dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ xã hội thiết yếu. Thiết lập các mạng lưới xã hội của người xuất cư trong quản lý xã hội ở địa phương…

(còn nữa)

Đi tìm những

 


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *