5 dự án quy mô lớn ở “thủ phủ điện tái tạo” vào danh sách gửi Bộ Công an
Trong đó, thủ phủ điện tái tạo Ninh Thuận có đến 5 nhà máy điện gió, điện mặt trời quy mô lớn hàng trăm MW lọt vào danh sách 32 doanh nghiệp báo cáo lên cơ quan điều tra, Bộ Công an.
Tiêu biểu nhất là nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận là dự án lớn của Trung Nam group, có công suất 450 MW được khánh thành cuối năm 2020.
Nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Bắc (tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận), với công suất hơn 204 MW được Trung Nam Group xây dựng, sau đó bán lại 49% cổ phần cho Công ty CP Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT).
Nhà máy điện mặt trời Thuận Nam 19 tại huyện Thuận Nam tỉnh Ninh Thuận do Công ty Cổ phần Tasco Năng lượng làm chủ đầu tư, thi công, khánh thành vào tháng 6/2019.
Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện – Thuận Bắc (Ninh Thuận) cũng là doanh nghiệp nằm trong danh sách được gửi lên Bộ Công an, đây là doanh nghiệp do Tập đoàn Xuân Thiện làm chủ đầu tư, thiết kế, thi công, được xây dựng trên diện tích hơn 259ha, tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng, công suất lắp đặt 256MWp, sản lượng phát điện dự kiến mỗi năm khoảng 500 triệu kWh.
Nhà máy điện mặt trời CMX Renewable Enery Việt Nam tại huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận, được khởi công năm 2018, công suất 168 MW xây dựng trên diện tích 186 ha, tổng mức đầu tư nhà máy xấp xỉ 4.400 tỷ đồng. Dự án này được điều hành bởi Tập đoàn Sunseap – Singapore).
Ngoài các dự án lớn vài chục đến hàng trăm MW được EVN gửi lên Bộ Công an nằm tại tỉnh Ninh Thuận, còn có một số dự án điện tái tạo quy mô nhỏ vài chục MW như Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân Solar nằm ở địa phương này bị EVN gửi lên Bộ Công an để phục vụ điều tra.
Ninh Thuận là một trong số ít địa phương ở Nam Trung Bộ có tiềm năng và trữ lượng điện tái tạo lớn nhất cả nước. Đây là địa phương được quy hoạch trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã có 37 dự án điện mặt trời với tổng công suất trên 2.576 MW; 17 dự án điện gió với công suất trên 890 MW và 8 dự án thủy điện với công suất gần 132 MW.
Đứng thứ 2 trong danh sách địa phương có số dự án bị liệt vào danh sách gửi lên Bộ Công an là tỉnh Quảng Trị, địa phương này có Nhà máy điện gió Hướng Hiệp 1 (Quảng Trị) do Công ty CP Tân Hoàn Cầu đầu tư với tổng công suất ban đầu hơn 30 MW, tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng tại huyện miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị.
Dự án có 12 tua bin gió khởi công năm 2019 và tháng 5/2023, Nhà máy này được đua vào vận hành thương mại (COD) bán điện cho EVN.
Ngoài ra, còn có hai nhà máy điện gió Hướng Linh 1 và Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 (Quảng Trị) do Công ty CP Tổng Công ty Tân Hoàn Cầu làm chủ đầu tư làm chủ đầu tư. Tháng 11/2023, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Quảng Trị phát hiện có đến 21 trụ tua bin gió của hai dự án điện gió Hướng Linh 1, Hướng Linh 2 được xây dựng ngoài đất được cấp.
Địa phương thứ 3 là Đắk Lắk, nơi đây có các nhà máy như Nhà máy điện gió Ea Nam tại huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk. Đây là nhà máy điện gió được xem là lớn nhất cả nước do Công ty cổ phần Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 (thành viên của Trungnam Group) làm chủ đầu tư với diện tích 600 ha, tổng mức đầu tư trên 16.500 tỷ đồng, tổng công suất là 400 MW, sản lượng điện ước tính đạt 1,1 tỷ kWh/năm.
Cuối năm 2020, dự án được triển khai với quy mô 84 trụ gió, kết nối hệ thống 1,2 km đường dây 500 kV. Tháng 10/2021, toàn bộ 84 tua bin Nhà máy điện gió Ea Nam đã hòa lưới điện thành công.
Nhà máy điện mặt trời BMT tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk công suất 30 MW, nhà máy này được khánh thành tháng 4 năm 2019.
Nhiều địa phương có một dự án bị lọt danh sách của cơ quan điều tra
Ngoài các địa phương có từ 2 nhà máy điện tái tạo bị gửi lên cơ quan công an, nhiều địa phương khác có từ 1 dự án được EVN gửi lên cơ quan điều tra. Ví dụ như tỉnh Tiền Giang có Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 tại Gò Công Đông tỉnh Tiền Giang.
Nhà máy này do Công ty cổ phần Năng lượng điện gió Tiền Giang, thuộc Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) đầu tư với công suất 100MW, đây là dự án điện gió trên biển. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 4.400 tỷ đồng, hoàn thành vào tháng 3/2023 và tháng 7/2023 đã đấu nối điện lưới quốc gia.
Tỉnh Gia Lai có Nhà máy điện gió Ia Le 1 tại huyện Chư Pưh do Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Điện gió Cao Nguyên 1 làm chủ đầu tư. Theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án được tỉnh Gia Lai cấp tháng 8/2020, nhà máy điện gió Ia Le 1 có công suất thiết kế 100 MW, diện tích đất sử dụng 65ha. Vốn đầu tư dự kiến là gần 4.022 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ tháng 6/2020 đến tháng 11/2021 đưa vào vận hành thương mại.
Tây Ninh có một dự án là Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng ở hai huyện Tân Châu và huyện Dương Minh Châu. Dự án gồm 3 nhà máy với tổng công suất lắp máy 500 MW, khởi công tháng 6/2018. Tháng 9 năm 2019, Điện Mặt Trời Dầu Tiếng 1 và 2 đã chính thức vận hành thương mại với công suất lắp đặt 420 MW.
Nhà máy được vận hành bởi Công ty CP Năng lượng Dầu Tiếng Tây Ninh, doanh nghiệp do Công ty TNHH Xuân Cầu (Việt Nam) và Công ty TNHH B. Grimm Power Public (Thái Lan) hợp tác đầu tư với số vốn hơn 9.100 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn có các nhà máy điện tái tạo quy mô nhỏ và vừa khác như Nhà máy điện mặt trời Sông Giang (Khánh Hoà), Nhà máy điện mặt trời Long Thành 1 được gửi lên Bộ Công an điều tra.
Leave a Reply