Đỉnh lũ ở tỉnh Thái Nguyên đã vượt qua kỷ lục cách đây 65 năm

Di dời khoảng 3.000 hộ dân khỏi vùng ngập lụt

Theo ông Nguyễn Văn Nam – Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Thái Nguyên: Công tác ứng phó với thiên tai đã được thành phố có phương án ngay từ trước khi bão đổ bộ. Lãnh đạo thành phố đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra tại các khu vực xung yếu, ngầm tràn, đập tràn, cầu phao, cầu treo trên địa bàn. Đồng thời chuẩn bị phương tiện máy móc, thiết bị và nhân lực để sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra… nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản nhân dân.

Đợt lũ ở Thái Nguyên được đánh giá là vượt qua kỷ lục cách đây 65 năm - Ảnh 1.

Nhiều xã, phường của TP.Thái Nguyên ngập sâu trong nước. Ảnh: Bạn đọc cung cấp

Theo báo cáo mới nhất của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.Thái Nguyên, thời điểm hiện tại, 22 xã, phường của thành phố bị ngập úng; trong đó có 116 xóm, tổ dân phố bị ngập và 15 xóm, tổ dân phố bị cô lập.

Ngoài ra, trên địa bàn TP.Thái Nguyên còn có hơn 850ha lúa và hoa màu bị đổ rạp; gần 10ha trồng keo bị gẫy; 200.000 con gia cầm bị chết và 0,4ha ao cá bị lũ cuốn trôi; nhiều trường học trên địa bàn bị tốc mái, sập trần… Lực lượng chức năng đang tiếp tục hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc, tài sản, vật nuôi ra khỏi khu vực nước dâng cao.

Đợt lũ ở Thái Nguyên được đánh giá là vượt qua kỷ lục cách đây 65 năm - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân di dời người và tài sản khỏi vùng ngập. Ảnh: Bạn đọc cung cấp

Tại một số địa phương khác như: Định Hóa, Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương, Phú Bình, Sông Công…, nước lũ cũng dâng cao khiến nhiều khu vực bị ngập sâu, chia cắt, một số điểm đã xảy ra sạt lở… Lực lượng chức năng đã kịp thời di dời nhiều hộ dân đến nơi an toàn; đồng thời, tích cực khắc phục hậu quả và tiếp tục kiểm tra, rà soát, thống kê thiệt hại trên địa bàn, có phương án ứng phó với mọi tình huống xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”…

Trận lũ ở Thái Nguyên vượt qua kỷ lục cách đây 65 năm

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên, nước lũ trên sông Cầu vẫn đang tiếp tục lên chậm. Cụ thể, tại trạm thủy văn Gia Bẩy, mực nước lũ lúc 13 giờ ngày 9/9 đạt mức 2.850cm, cao hơn 150cm so với báo động cấp 3 và cao hơn 36cm so với trận lũ lịch sử xảy ra vào ngày 2/7/1959. Hiện, nước lũ đang tiếp tục có xu thế tăng chậm.

Đợt lũ ở Thái Nguyên được đánh giá là vượt qua kỷ lục cách đây 65 năm - Ảnh 3.

Nước lũ trên sông Cầu vẫn tiếp tục dâng cao. Ảnh: Bạn đọc cung cấp

Nước lũ dâng cao đã, đang và tiếp tục gây ra ngập úng cục bộ nhiều tuyến phố, đường giao thông và diện tích lúa, hoa màu, gây ngập úng các vùng trũng thấp, vùng ven sông Cầu tại các huyện Đồng Hỷ, Phú Bình, TP.Phổ Yên và TP.Thái Nguyên.

Ngập úng tại một số tuyến đường, khu dân cư trung tâm TP.Thái Nguyên: Quang Vinh, Đồng Tâm, Đồng Bẩm, Trưng Vương, Túc Duyên… và một số tuyến phố chính tại khu vực ngã tư san nền, ngã năm Tỉnh ủy, đường Hùng Vương….

Đợt lũ ở Thái Nguyên được đánh giá là vượt qua kỷ lục cách đây 65 năm - Ảnh 4.

Lực lượng chức năng thực hiện gia cố đê sông Cầu để ngăn nước tràn vào khu dân cư. Ảnh: Bạn đọc cung cấp.

Dự báo, trong 3 – 6 giờ tới, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20 – 40mm, có nơi trên 60mm.

Đài Khí tượng thủy văn Thái Nguyên cảnh báo, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc Bộ, ngày hôm nay, các huyện, thành phố trong tỉnh Thái Nguyên tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông. Mưa lớn có khả năng sẽ tiếp tục gây ngập úng cục bộ kéo dài cho nhiều tuyến phố, tuyến đường giao thông và diện tích lúa, hoa màu, các khu vực vùng thấp ven sông, khu vực trung tâm thành phố.

Nước lũ dâng cao gây ngập úng với độ sâu ngập lớn nhất từ 0,3-0,5m, có nơi cao hơn 0,7m; thời gian ngập phổ biến từ 12 – 24 giờ, có nơi thời gian ngập úng lâu hơn.

Đặc biệt, đợt lũ lớn gây ngập lụt có thể tác động xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân, gây tắc nghẽn giao thông cục bộ ở 1 số tuyến phố, tuyến đường, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện: gây sạt lở tại các bãi thải, hầm lò; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế – xã hội.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *