Đồng đội nữ Thái Lan lọt vào tứ kết bóng bàn Olympic 2024
Tối 5/8 giờ Việt Nam, ở nội dung đồng đội nữ, trong 1 trận đấu ngang ngửa và kịch tính, các VĐV Thái Lan đã đánh bại đội chủ nhà, các cô gái Pháp với tỷ số sát nút 3 – 2.
Để hình dung đầy đủ hơn về chiến thắng này của các cô gái Thái Lan, chúng ta chỉ cần so sánh đơn giản, đó là các VĐV nữ của chúng ta chưa bao giờ được thi đấu ở Olympic cả.
Ở vòng loại Olympic 2024, bóng bàn Việt Nam tràn trề hy vọng có được vé dự Olympic, nhưng 4 cái tên hàng đầu được đánh giá là đang đạt phong độ tốt như Nguyễn Anh Tú, Đinh Anh Hoàng, Mai Hoàng Mỹ Trang, Nguyễn Khoa Diệu Khánh đều không thể vượt qua vòng loại. Để rồi chúng ta cùng chứng kiến đối thủ không chỉ riêng môn bóng bàn, mà còn của rất nhiều môn thể thao ở Đông Nam Á là Thái Lan lọt vào vòng tứ kết Olympic.
Vậy điều gì khiến bóng bàn Việt Nam chưa thể đến với Olympic?
Đầu tiên, môn bóng bàn là một môn đối kháng đặc biệt, là một trong những môn cho phép người chơi cá nhân hóa động tác kỹ thuật nhiều nhất. Chính vì thế, việc được thi đấu nhiều ở các giải đấu quốc tế, được cọ xát với nhiều đối tượng, tiếp cận với nhiều lối đánh, nhiều kiểu kỹ thuật xử lý bóng là một trong những yếu tố quyết định đến thành tích thi đấu của các VĐV. Các VĐV bóng bàn cả nam và nữ của Việt Nam, không như đồng nghiệp Thái Lan, Singapore… quá ít được tham gia các giải đấu quốc tế, ít tới mức họ không có tên trong bảng xếp hạng của Liên đoàn bóng bàn Thế giới ITTF. Và đương nhiên, họ có ít kinh nghiệm xử lý bóng, xử lý trận đấu hơn các đối thủ. Để rồi nhiều khi, chưa kịp quen với lối đánh, cách xử lý bóng của đối phương, chưa kịp tìm ra cách khắc chế thì trận đấu đã kết thúc.
Ở khía cạnh dài hạn hơn, như chiến lược phát triển của một môn thể thao, bóng bàn đang là một môn thể thao được rất nhiều người Việt Nam tham gia luyện tập, thi đấu. Thế nhưng đó chủ yếu là ở cấp độ phong trào. Ở cấp độ thể thao đỉnh cao, với mức độ phổ cập, cách thức tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện hiện tại, sẽ rất khó để chúng ta có một nền bóng bàn mạnh. Việc đưa bóng bàn vào học đường vẫn dậm chân tại chỗ mặc dù các trường có đủ cơ sở hạ tầng để cho tư nhân thuê mở CLB bóng bàn kinh doanh.
Chúng ta có thể tham khảo và học hỏi từ nền bóng bàn đang thống trị thế giới, Trung Quốc. Theo thống kê của Liên đoàn Bóng bàn Trung Quốc (CTTA) cho biết, có khoảng 80 triệu người Trung Quốc coi bóng bàn là môn thể thao chính để giải trí và vận động. Một số thống kê cho rằng, số bàn bóng thậm chí còn lớn hơn số người chơi. Bàn bóng kê ở khắp nơi, trường học, công viên, đâu đâu cũng có. Từ nguồn người luyện tập, thi đấu môn bóng bàn khổng lồ như vậy, chắc chắn việc lựa chọn nhân tài cũng dễ dàng hơn.
Nhưng có phải ở bên cạnh một người không lồ về môn bóng bàn, các nhà làm chuyên môn Việt Nam không còn cảm thấy có nhiều động lực để phát triển môn thể thao này?
Trong giải Vô địch Bóng bàn thế giới năm 2024 được tổ chức ở thành phố Busan, Hàn Quốc, một VĐV nữ Hàn Quốc khi đối đầu với tay vợt nữ hàng đầu thế giới của Trung Quốc đã vung tay ăn mừng sau khi ghi được 1 điểm số, trong bối cảnh trận đấu sắp kết thúc với tỷ số chênh lệch hoàn toàn nghiêng về VĐV Trung Quốc. Phải chăng đó là cách tiếp cận đúng? Chúng ta chưa thể chiến thắng họ ngay, nhưng bằng cách này hay cách khác, giống như VĐV Hàn Quốc nọ, chúng ta từng bước giảm bớt khoảng cách trình độ, từng điểm một, để rồi một lúc nào đó, giống như VĐV Truls Moregardh của Thụy Điển, quật ngã tay vợt số một bóng bàn thế giới người Trung Quốc Wang Chuqin, tiến vào chung kết và dành HCB Olympic 2024.
Leave a Reply